Ảnh hưởng từ quan niệm truyền thống vẫn còn một số bố mẹ thường tỏ ra lúng túng khi đối mặt với việc giáo dục giới tính cho trẻ và điều này vô tình tạo ra những ảnh hưởng không lành mạnh đối với trẻ. Ví dụ như trường hợp của một em bé dưới đây.
Một bà mẹ (sống ở Quảng Châu, Trung Quốc) đã chia sẻ câu chuyện mà con gái mình đã gặp phải. Chị cho biết con gái Tiểu Thiên năm nay 9 tuổi, luôn là một cô bé hoạt bát, vui vẻ và cũng rất xinh đẹp nên được thầy cô, bạn bè yêu quý.
Vài ngày trước khi Tiểu Thiên về nhà, cô bé đã nói với mẹ rằng cô bé bị một bạn trai cùng lớp chạm vào “vùng nhạy cảm”, vì quá hoảng hốt nên lúc đó cô bé đã khóc rất nhiều ở trường. Nhưng vì sợ hãi, lo lắng và cảm thấy xấu hổ nên cô bé đã không dám nói với bạn học hay giáo viên của mình, mà chọn cách che giấu.
Sau khi nghe điều này, chị không biết phải nói với đứa trẻ như thế nào, và cuối cùng đã yêu cầu cô bé không được nói với người khác vì thể diện. Tuy nhiên, cô bé vẫn luôn giữ câu chuyên này trong lòng mà không thể chia sẻ, nên tính cách dần khép kín, rụt rè, không giao du với ai kể cả bố mẹ.
Sau sự việc lần đó, chị cũng nhận thấy bản thân không xử lý ổn thỏa, hối hận vì đã lựa chọn cách giải quyết sai lầm, khiến con gái rơi vào tình huống nghiêm trọng ở hiện tại. Vì vậy, chị quyết định đưa con gái đến gặp chuyên gia tâm lý để được tham vấn, sau khi nghe được câu chuyện vị chuyên gia cảm thán cho rằng cách xử lý của người mẹ "rất tệ", hiện nay cô bé có dấu hiệu trầm cảm.
Trên thực tế, không phải ông bố bà mẹ nào cũng đủ tỉnh táo và khéo léo để đưa ra phương pháp xử lý đúng đắn trong vấn đề này. Bởi vì nếu bố mẹ thiếu kiến thức, không được trang bị kỹ năng đầy đủ để giáo dục và hướng dẫn trẻ thì chính bố mẹ cũng sẽ rơi vào trạng thái lúng túng, để rồi dẫn đến kết quả không mong muốn cho trẻ.
Để giảm thiểu tình huống đáng tiếc như trên xảy ra, thạc sĩ Quang Thị Mộng Chi đã có những chia sẻ, tậm sự đối với các ông bố bà mẹ đang trong quá trình nuôi dạy con cái, đặc biệt là trẻ dưới 10 tuổi, chưa đến giai đoạn dậy thì và “hành trang” kiến thức, kỹ năng cũng chưa được hoàn thiện. Từ đó, thạc sĩ hy vọng có thể giúp bố mẹ giáo dục con hiệu quả, chuẩn xác hơn nếu chẳng may con bị người khác quấy rối, đụng chạm vào “vùng nhạy cảm”.
Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG TPHCM.
Ngày nay, vấn đề trẻ em bị quấy rối, xâm hại vẫn còn khá phổ biến, nhiều trường hợp trẻ dưới 10 tuổi, chuyên gia nghĩ gì về điều này?
Quấy rối và xâm hại tình dục trẻ em là một vấn đề gây nhức nhối trong dự luận những năm gần đây, với những con số vô cùng đáng sợ, năm sau tăng hơn năm trước, xâm hại tình dục trẻ em ở lứa tuổi tiểu học cũng chiếm một phần không nhỏ trong đó.
Tuy nhiên, những con số gây xửng xốt này chỉ là bề nổi của tảng băng trôi. Vì trong thực tế, thủ phạm thường là những người thân quen của trẻ, nên nhiều trường hợp không được khai báo. Thủ phạm thường lợi dụng sự non nớt của trẻ, sức mạnh/quyền lực của người lớn để đe doạ, hay dùng những món đồ ưa thích với trẻ con để dụ dỗ các bé, nhằm thực hiện hành vi xâm hại hay quấy rối tình dục rồi bịt miệng trẻ để che dấu hành vi của mình.
Do đó, các bậc phụ huynh không nên chủ quan con còn nhỏ nên chưa dạy con cách bảo vệ bản thân. Trong trường hợp các con có dấu hiệu bị xâm hại hay quấy rối tình dục, thì bố mẹ cần phải liên hệ ngay lập tức với cơ quan chức năng để có cơ sở trừng phạt thích đáng đối với người thực hiện hành vi này.
Nếu e ngại không tố cáo kẻ thủ ác thì có khả năng hành vi này sẽ bị tái phạm, và gây hậu quả nghiêm trọng cho con. Bởi vì theo báo cáo của cơ quan chức năng, thì đa số các cuộc xâm hại và quấy rối tình dục trẻ em là người thân quen và có khả năng lặp lại nhiều lần.
Đối với trường hợp con từ trường trở về nhà và nói: “Mẹ ơi, có người chạm vào con”, lúc này theo chuyên gia bố mẹ nên xử lý như thế nào để con không hình thành "bóng đen" tâm lý?
Khi con từ trường trở về nhà và nói: “Mẹ ơi, có người chạm vào con” có nghĩa là con rất tin tưởng mẹ, và có hiểu biết về việc chia sẻ những câu chuyện gặp phải mang tính nguy cơ, đây là điều đáng mừng.
Trước tiên, bố mẹ cần phải bình tĩnh ngợi khen con vì đã biết chia sẻ chuyện này với mẹ, sau đó cha mẹ hỏi han con diễn biến sự việc như thế nào, người đó là ai, có những cử chỉ và hành vi như thế nào một cách bình thản để trẻ không bị cảm xúc bối rối, lo lắng của cha mẹ làm cho sợ hãi.
Sau đó, bố mẹ nên nhẹ nhàng giải thích với con quyền riêng tư về cơ thể để con hiểu: không ai có quyền đụng chạm đến cơ thể, đặc biệt là “vùng riêng tư” của con nếu con không đồng ý và không có sự giám hộ của bố mẹ.
Thêm vào đó, bố mẹ cũng cần dạy con cách phản ứng nếu gặp phải tình huống như vậy: con cần từ chối bằng cách nói không, lùi ra xa và đến bên người an toàn, có khả năng bảo vệ con. Sau đó về kể lại với cha mẹ câu chuyện con đã gặp, để cha mẹ biết và có những cách thức bảo vệ con tốt hơn.
Theo chuyên gia, bố mẹ nên giáo dục trẻ ở độ tuổi tiểu học vấn đề này như thế nào, để con có thể tự bảo vệ bản thân, đồng thời biết tôn trọng thân thể của người khác?
Trẻ ở độ tuổi tiểu học cần biết cách chăm sóc và bảo vệ cơ thể, đặc biệt là “vùng riêng tư”. Vì thế, cha mẹ cần dạy cho trẻ cách gọi tên các bộ phận trên cơ thể, cách chăm sóc các vùng này để đảm bảo sạch sẽ và khoẻ mạnh. Con cần tự tắm rửa và vệ sinh sạch sẽ cơ thể mình, không cho ai chạm vào vùng riêng tư theo quy tắc đồ lót (PANTS rules), trong giao tiếp thì cần tuân thủ quy tắc 5 ngón tay trong phòng tránh xâm hại, để trẻ hiểu được những giới hạn cần có.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần dạy con cách thay đồ trong phòng riêng hay nhà tắm, mặc quần áo chỉnh tề nơi đông người, đi vệ sinh đúng nơi, đúng chỗ. Đồng thời, cha mẹ cũng không quên dặn dò con ứng dụng điều này trong giao tiếp với các bạn, để tôn trọng sự riêng tư của các bạn.