Vợ chồng tôi là người Hoa nên chỉ nói với bé bằng tiếng Hoa. Bé vẫn hiểu được vợ chồng tôi nói mặc dù không nhiều. Hiện tại bé ở nhà và do mẹ trực tiếp chăm sóc. Vợ chồng tôi dự định sẽ cho bé đi mẫu giáo trong vài ngày tới. Bé hiện cao 95 cm, nặng 19,5 kg, rất hiếu động, không lúc nào ngồi yên trừ những lúc ngồi vào xe và xem TV.
Vợ chồng tôi nhờ chuyên gia tư vấn giúp xem tình trạng hiện tại của bé có phải bị chậm phát triển hay có vấn đề gì về phát âm, cũng như cách khắc phục hoặc điều trị ở đâu. (Tống Lan)
Ảnh minh họa: Gab.giggle.com. |
Trả lời:
Chào bạn,
Với bé 23 tháng tuổi mà chưa nói được từ đơn thì sự phát triển ngôn ngữ của bé đã có thể đánh giá là chậm. Bạn cần đưa bé đến các trung tâm tâm lý và bệnh viện để kiểm tra khả năng ngôn ngữ, giao tiếp và các vấn đề tâm lý của bé.
Trước hết bạn cần kiểm tra tại bệnh viện để kiểm tra cơ quan thu âm, phát âm và các vấn đề về não bộ và hệ thần kinh của trẻ. Tiếp đó nếu bạn đã loại trừ được các nguyên nhân về phía cơ thể trẻ thì bạn nên đến các trung tâm tâm lý để được các chuyên gia kiểm tra cho bé các vấn đề về mặt tâm lý, mức độ phát triển các kỹ năng của trẻ, mức độ phản ứng, giao tiếp, khả năng phát triển ngôn ngữ hiện tại của bé đang ở mức nào? Dựa trên những thông tin đánh giá về trẻ, các chuyên gia sẽ cho bạn lời khuyên thích hợp để cải thiện vấn đề ngôn ngữ cho trẻ.
Bên cạnh đó, hiện tại việc bạn thường xuyên giao tiếp với trẻ là rất tốt, vì trẻ đang trong lứa tuổi cần phát triển mạnh mẽ về mặt ngôn ngữ nên việc giao tiếp, trò chuyện thường xuyên với trẻ rất quan trọng. Khi giao tiếp với trẻ bạn cần trao đổi với trẻ nhiều lần bằng từ đơn, sau khi trẻ đã có từ đơn rồi bạn bắt đầu phát triển câu thành từ đôi, từ ba. Bạn không nên nói câu quá dài sẽ làm trẻ khó nắm bắt được từ cần học.
Bên cạnh việc dạy trẻ nói bạn cũng cần quan tâm dạy trẻ kỹ năng chỉ tay, phản ứng nhìn vào mặt, miệng, mắt người đối diện khi giao tiếp và chơi với trẻ các trò chơi tương tác. Đối với trẻ, trong giai đoạn hiện tại việc kích thích nhu cầu giao tiếp là rất quan trọng vì vậy bạn cần hạn chế tối đa thời gian xem TV, chơi vi tính, điện thoại hay chơi một mình, tích cực chơi cùng trẻ và dẫn trẻ ra môi trường xung quanh để trẻ không chỉ học hỏi từ gia đình mà còn học hỏi được ở những người xung quanh, bạn cùng lứa với trẻ.
Chúc bạn và gia đình mạnh khỏe!
Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Quỳnh
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC