Mới đây trên facebook của mẹ Thanh Nhàn Nguyễn (Hải Dương) đã chia sẻ câu chuyện mà chính con gái chị là nạn nhân do sự bất cẩn của bố mẹ khi sử dụng miếng dán chống say xe cho con. Khi chia sẻ câu chuyện này là lúc em bé may mắn đã qua cơn nguy kịch nhưng người mẹ trẻ vẫn còn "tim đập chân run".
Theo mẹ Thanh Nhàn thì hôm đó gia đình chị có việc về quê nên chồng chị đã ra hiệu thuốc mua 1 miếng dán chống say xe để dán cho con gái 6 tuổi. Chị không hề biết rằng miếng dán này chống chỉ đinh cho bé dưới 8 tuổi và các trẻ em từ 8-15 tuổi cũng chỉ được dùng 1/2 miếng. Hậu quả là con gái chị đã bị ảo giác, rối loạn thần kinh và có những hành động vô thức vô cùng nguy hiểm. May mắn là sau một đêm, sức khỏe bé đã dần ổn định trở lại.
Khi chia sẻ câu chuyện này, chị Thanh Nhàn hy vọng sẽ cung cấp thêm cho các bậc cha mẹ một kinh nghiệm "xương máu" trong việc chăm sóc con. Ngay sau khi đăng tải, câu chuyện đã nhận được hơn 2.000 lượt chia sẻ và rất nhiều lời bình luận, động viên gia đình cũng như chúc em bé nhanh chóng bình phục.
Chia sẻ của mẹ Thanh Nhàn trên facebook cá nhân về việc vô tình sử dụng miếng dán chống say xe cho con gái khiến bé gặp nguy kịch.
Dưới đây là trích dẫn chia sẻ của chị Thanh Nhàn trên facebook cá nhân:
"Đến bây giờ thì mình cũng đã hoàn hồn để chia sẻ với các anh, chị và các bạn câu chuyện của mình. Chả là hôm qua gia đình mình về quê thanh minh. Trước khi đi chồng mình có ra hiệu thuốc mua 1 miếng dán chống say để chống say cho con gái - cháu 6 tuổi. Vì chỉ mua 1 miếng nên chồng mình cũng không nhận được tờ hướng dẫn sử dụng và cũng không được người bán thuốc căn dặn gì thêm. Mình dán cho con từ 6 giờ sáng, đến khoảng 11 giờ trưa khi con đi chơi về thì thấy mặt con ửng đỏ, tưởng con bị say nắng nên cũng chỉ bắt con nghỉ ngơi. Toàn chuyến đi con cứ ngủ suốt, không nôn.
Đến khoảng 4 giờ chiều mình bắt đấu thấy con có biểu hiện không bình thường: miệng nói nhảm, không nhận rõ vật, đi lại loạng quạng, thường bị đâm vào tường hoặc bàn ghế mà không biết, ngay cả bố mẹ con cũng bị nhầm là bạn bè. Hành động lúc thì nhanh nhưng lúc lại đờ đẫn nhưng người ngây dại (thực sự lúc này đã có lúc mình nghĩ con bị ma nhập vì những hành động đáng sợ đó). Nhưng ngay sau đó bình tĩnh lại mình nghĩ đến tác dụng phụ của miếng dán chống say nên mình đã hỏi bác sỹ và vào mạng tham khảo thì mới té ngửa ra biết rằng miếng dán đó cấm dùng cho trẻ dưới 8 tuổi, người từ 8-15 tuổi chỉ nên dùng 1/2 miếng.
Lúc này mình đã biết nguyên nhân nhưng về cách chữa thì gần như không có. Các bác sỹ cũng chỉ khuyên cho con uống nhiều nước, dỗ con ngủ được thì sẽ nhanh đỡ hơn. Đến tối con mình biểu hiện ngày càng nặng. Cháu liên tục nói nhảm, hành động vô thức, tự cào cấu mặt mũi, la hét, đi lại liên tục bị va vào các vật cứng. Những lúc như vậy 2 vợ chồng mình chỉ biết ôm con khóc. Mọi sự ân hận đều là không đủ. Nỗi lo lắng sợ hãi làm cho 2 vợ chồng không giữ nổi bình tĩnh. Bác sỹ nói mắt của con mình bị giãn đồng tử mạnh nên cháu không nhìn rõ, tác dụng của thuốc làm cháu bị ảo giác và rối loạn tâm thần.
Càng về đêm tình trạng của con càng nặng hơn. Sợ con tự gây thương tích chồng mình đành phải chuyển cho con sang cào cấu bố. Có lúc con nghiến ngấu cắn xé bố không thương tiếc. Nước mắt bố rơi không phải vì đau mà vì quá thương con và nỗi dằn vặt tự trách mình. Con cứ như vậy đến 5 giờ sáng mới ngủ. Lúc này 2 vợ chồng mình cũng mới chợp mắt được. Sau khi ngủ dậy con đã tỉnh táo hơn nhiều. Bây giờ con đã nhận biết được mọi vật nhưng nhìn vẫn mờ và nói xong vẫn bị quên, mắt và trí nhớ chưa hoàn toàn hồi phục, chân tay nhiều vết bầm tím, mặt mũi nhiều vết sẹo.
Nhưng dù sao thế cũng đủ để 2 vợ chồng mình thở phào nhẹ nhõm. Mình chia sẻ này hi vọng các bậc phụ huynh có thêm một kinh nghiệm trong chuyện chăm sóc con cái, đặc biệt là khi dùng thuốc phải tự tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng nhé."
Trẻ dưới 8 tuổi không được tự ý dùng miếng dán say xe
Hiện nay, miếng dán chống say xe đang được sử dụng phổ biến bởi hiệu quả mà nó mang lại cho người dùng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng loại cao dán đặc biệt này.
Một loại miếng dán chống say tàu xe (ảnh minh hoạ)
Miếng băng dán (hay còn gọi là cao dán) dùng dán lên da sau tai để chống say tàu xe. Khác với các loại cao dán thông thường chỉ có tác dụng ngay tại chỗ dán, miếng dán chống say tàu xe là loại có tác dụng toàn thân hay còn gọi là băng dán xuyên da (có tác dụng không khác gì thuốc uống).
Miếng dán say xe là băng mỏng, thường có hình chữ nhật hay hình tròn. Sau khi dán trên da, các dược chất sẽ thấm qua da để vào tĩnh mạch dưới da, vào máu. Miếng dán có chứa dược chất scopolamin. Khi dán lên da (vùng sau tai), thuốc sẽ thấm dần vào máu với một lượng đủ có tác dụng chống co thắt, giảm sự kích thích đưa đến hóa giải buồn nôn và nôn do say tàu xe.
Tiện sử dụng, không có sự biến đổi hấp thu và bị chuyển hóa bởi gan như thuốc uống, có thể cung cấp dược chất một cách liên tục, không phải dùng thuốc nhiều lần trong ngày...là những ưu điểm tuyệt với khiến miếng dán say xe được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là dạng thuốc băng dán xuyên da này có thể gây các tác dụng phụ rất khó chịu như khô miệng, táo bón, nhức đầu, lơ mơ, ói mửa, rối loạn điều tiết mắt (làm mắt nhìn mờ, hoa mắt)...
Đặc biệt, trên tờ hướng dẫn sử dụng của các loại miếng dán say xe đều ghi rõ Không dùng miếng dán chống say xe cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 8 tuổi. Thậm chí nhiều dược sĩ, bác sĩ còn khuyến cáo rrẻ em từ 8 - 15 tuổi cũng chỉ nên dùng nửa miếng dán.
Một mùa hè - mùa du lịch nữa sắp đến, để cae gia đình có được một chuyến đi chơi vui vẻ và an toàn, các bà mẹ nên một lần nữa lưu ý không tự tiện cho con uống hay dán các loại thuốc chống say tàu xe mà chưa có sự tư vấn của bác sỹ và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng.