Cậu bé A Kiệt 10 tuổi, là con trai duy nhất của ông Hào (sống ở Thẩm Dương, Trung Quốc). Cậu bé đang học tiểu học tại một ngôi trường trong thành phố. Chiều hôm qua sau khi từ trường trở về nhà, cậu bé mang vẻ mặt vui vẻ tiến lại gần ghế sofa, nơi ông Hào đang ngồi xem tivi. Lúc này, cậu bé nhìn ông và hỏi một câu khiến ông vô cùng ngỡ ngàng, “Bố ơi! Nhà mình rất giàu phải không ạ!”
Cuộc trò chuyện giữa con trai và bố về hoàn cảnh gia đình. (Ảnh minh họa Internet)
Mặc dù bị hỏi bất ngờ làm ông không kịp phản ứng, nhưng sau vài phút suy nghĩ thì ông Hào đã đưa ra một câu trả lời rất thuyết phục và khiến nhiều người phải cảm thán rằng: “Bố dạy con khéo thế!”
Cụ thể ông Hào với gương mặt đầy vẻ trìu mến, nhẹ nhàng nói với con trai A Kiệt: “Đúng là nhà mình giàu, nhưng tiền là của bố mẹ, con không có. Tiền của bố mẹ là tiền do chính bố mẹ cố gắng nỗ lực để kiếm ra, sau này khi con lớn lên thì con cũng có thể kiếm được tiền bằng sức lao động của chính mình”. Nhận được đáp án từ bố, cậu bé A Kiệt tỏ ra vô cùng hứng thú, vui vẻ đồng ý.
Trong thực tế, những tình huống trẻ hỏi về hoàn cảnh của gia đình là chuyện không hiếm gặp. Khi đến một độ tuổi nhất định, trẻ cần phải được hiểu về điều này để hình thành những nhận thức và lối sống đúng đắn.
Vì vậy, muốn giáo dục con tốt thì bố mẹ không nên lảng tránh những câu hỏi này của con. Con có quyền được biết, nên bố mẹ hãy nhẹ nhàng chia sẻ với con một cách thành thật, để con học cách đón nhận và làm quen với điều đó.
Theo chuyên gia Tâm lý Nguyễn Ngọc Vui, bố mẹ cần dạy con hiểu về giá trị của đồng tiền, phù hợp trong từng độ tuổi khác nhau. Như vậy, tương lai con sẽ xây dựng được những nhận thức, lối sống đúng đắn, không bị lệch lạc. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng có những chia sẻ sâu sắc về vấn đề này, để từ đó giúp cho quá trình giáo dục con của bố mẹ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG TPHCM.
Ngày nay cuộc sống phát triển hơn, nên bố mẹ nào cũng sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho con cái của mình. Nhiều bậc phụ huynh còn đáp ứng đòi hỏi của con một cách vô điều kiện. Từ góc nhìn của chuyên gia, chuyên gia nghĩ gì về việc làm này của bố mẹ?
Bố mẹ hoàn toàn có thể cho con một tình yêu vô điều kiện, nghĩa là con không cần làm gì thì bố mẹ vẫn yêu con, dù có đôi lúc con vô ý làm sai. Đó là một tình yêu rất tích cực. Tuy nhiên, tình yêu của bố mẹ dành cho con, khác với việc bố me phải đáp ứng mọi đòi hỏi của con một cách vô điều kiện.
Chẳng hạn như hôm nay con thích mua đồ chơi này, ngày mai con lại thích mua đồ chơi khác. Hôm nay con thích chiếc váy này, nhưng ngày mai con đổi ý và muốn mua thêm một chiếc váy khác. Mỗi ngày, con đều sẽ có sự hứng thú với cái này, cái kia khác nhau.
Nếu bố mẹ đồng ý yêu cầu của con, bất kể mọi giới hạn thì đây không phải là cách thể hiện tình yêu tốt nhất dành cho con cái. Ngược lại, khi bố mẹ nuông chiều con quá mức sẽ dễ tạo nên những suy nghĩ lệch lạc cho con, khiến cho quá trình giáo dục con trở thành một đứa trẻ toàn diện trong tương lai ngày càng khó khăn hơn.
Một số đứa trẻ vì sống trong gia đình có điều kiện mà hình thành tính cách khoe khoang, ỷ lại vào bố mẹ "nhà mình giàu, bố mẹ mình lo hết". Điều này sẽ ảnh hưởng đến nhận thức và lối sống tương lai của trẻ như thế nào?
Tư tưởng “nhà mình giàu, bố mẹ mình lo hết” hình thành trong nhận thức của một số đứa trẻ sẽ mang lại những mối nguy cho chính đứa trẻ đó. Lúc này, trẻ sẽ mặc nhiên nghĩ rằng vì gia đình có điều kiện nên bản thân sẽ có được tất cả mọi thứ mình muốn, mà không cần phải làm bất cứ điều gì.
Chẳng hạn như trẻ không cần phải “động tay động chân” vào công việc dọn dẹp nhà cửa hay bếp núp, thậm chí là các vấn đề thuộc về cá nhân như giặt giũ, sắp xếp quần áo, chăn mền, bởi những công việc này đã có bảo mẫu hoặc người giúp việc lo. Bố mẹ giàu nên chỉ cần bỏ tiền ra thuê thì mặc nhiên trẻ sẽ không cần phải làm những việc đó.
Nếu trẻ ỷ lại vào điều này, về lâu về dài sẽ khiến trẻ dần rơi vào trạng thái bị động, phụ thuộc vào bố mẹ và những người xung quanh. Trong tương lai, khi trẻ buộc phải tiếp xúc với nhiều môi trường xã hội khác nhau ngoài kia, trẻ sẽ cảm thấy bị choáng ngợp và vô cùng sợ hãi.
Bởi vì lúc này, trẻ vẫn chưa hình thành tính tự lập để có thể chăm sóc và bảo vệ bản thân tốt nhất. Những kỹ năng sống rất cần thiết để làm hành trang cho trẻ khi trẻ bước ra thế giới bên ngoài, tuy nhiên trẻ lại không có sự chuẩn bị và trau dồi trước đó. Chính vì tư tưởng “nhà mình giàu, bố mẹ mình lo hết” đã ảnh hưởng xấu đến nhận thức và lối sống tương lai của trẻ.
Trong cuộc sống hoặc quá trình làm tham vấn, chuyên gia đã gặp trường hợp nào trẻ thích khoe khoang sự giàu có và "bám" vào đó để phát triển những hành vi lệch lạc, không đúng đắn chưa? Chuyên gia có thể kể sơ qua về câu chuyện.
Trong quá trình làm tham vấn, tôi có gặp một trường hợp cô bé là con gái duy nhất của một gia đình rất giàu có. Bố mẹ vì thương con mà để cô bé được tự do sử dụng tiền. Tuy nhiên, vì thiếu định hướng đúng đắn từ bố mẹ nên cô bé đã phát triển những hành vi lệch lạc. Cô đã dùng số tiền mà bố mẹ cho để ăn chơi sa đọa và cuối cùng dính vào con đường nghiện ngập.
Lúc bố mẹ phát hiện ra vấn đề của con thì sức khỏe của cô bé đã xuống cấp trầm trọng, và bố mẹ cô phải tốn rất nhiều công sức, cũng như tiền bạc để chữa trị cho cô.
Câu chuyện này chính là lời cảnh tỉnh cho những ông bố bà mẹ trong việc giáo dục con đúng đắn về giá trị của đồng tiền. Nếu như trẻ không được dạy dỗ và hướng dẫn kịp thời, thì sẽ dẫn đến rất nhiều mối nguy hiểm tìm ẩn trong tương lai.
Trong tình huống con đặt câu hỏi: "Nhà mình rất giàu phải không ạ?" bố mẹ nên phản ứng như thế nào? Theo chuyên gia, có nên dạy trẻ hiểu về giá trị đồng tiền sớm không?
Trong tình huống con đặt câu hỏi: “Nhà mình rất giàu phải không ạ?” thì bố mẹ phải hiểu rằng luôn có một lý do nào đó đã kích thích con suy nghĩ về vấn đề này, có thể là con đang muốn so sánh gia đình mình với gia đình của một bạn học hoặc con thực sự có một niềm tin về sự giàu có của bố mẹ.
Vì vậy, dựa trên từng độ tuổi khác nhau của con mà bố mẹ có cách ứng xử phù hợp, tốt nhất là bố mẹ hãy khuyến khích và chia sẻ thành thật về bối cảnh của gia đình cho con cái biết.
Lúc này, bố mẹ tuyệt đối đừng che giấu con bất cứ điều gì về gia cảnh, nếu bố mẹ cố tình khiến con có suy nghĩ lệch lạc, nghèo “ảo” hoặc giàu “ảo” cũng sẽ đều không có lợi cho quá trình hình thành nhân cách và lối sống của con trong tương lai. Nếu vì nhà nghèo mà con trở thành một đứa trẻ tự ti hoặc vì nhà giàu mà con trở nên kiêu căng, hống hách thì dù là hướng phát triển nào cũng sẽ không tốt cho trẻ.
Theo góc nhìn cá nhân tôi, tôi rất khuyến khích việc bố mẹ giáo dục cho con hiểu về giá trị của đồng tiền sớm. Có nhiều phương pháp khác nhau để áp dụng phù hợp và hiệu quả cho từng độ tuổi để bố mẹ có thể dạy con về vấn đề này.
Trên thực tế, một số bố mẹ sẽ giúp con hiểu về giá trị của tiền bằng cách quy đổi sức lao động của con, chẳng hạn như hôm nay nếu con có thể chủ động làm việc nhà, con sẽ nhận được số tiền tương ứng với công sức mà con đã bỏ ra. Dĩ nhiên, công việc mà con làm phải hướng đến công việc chung, không phải chỉ vì đáp ứng nhu cầu của riêng cá nhân con.
Hoặc bố mẹ cũng có thể khuyến khích con thực hiện những việc mang lại lợi ích cho người khác, cho cộng đồng. Và khi con hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó, con sẽ nhận lại được một số tiền xứng đáng.
Lúc này, con hoàn toàn được quyền quyết định sẽ làm gì với số tiền này, bởi vì nó đã thuộc về cá nhân con. Con được phép sử dụng tiền lao động của chính mình để mua những thứ mà con thích, đáp ứng nhu cầu của cá nhân.
Nhờ vào phương pháp giáo dục này, trẻ sẽ phát triển về suy nghĩ, quan niệm về giá trị của đồng tiền theo hướng tốt hơn. Trẻ sẽ học được tính tiết kiệm, thận trọng hơn khi đưa ra bất kỳ quyết định chi tiêu nào. Bởi vì hơn ai hết, trẻ đã có đủ trải nghiệm thực tế và nhận thức để hiểu được rằng, bố mẹ kiếm tiền rất khó khăn, vậy nên bản thân phải biết quý trọng từng đồng tiền mà bố mẹ đã làm ra.