Bất cứ bà mẹ nào định sinh hai con cũng luôn phải phân vân khi đứng trước câu hỏi: Sau bao lâu thì nên đẻ tiếp đứa thứ hai. Một số cho rằng đẻ con nên đẻ liền để tiện chăm cùng một lúc hai đứa. Vất vả trước, nhưng sau lại an nhàn. Số khác lại cho rằng nên đợi con cứng cáp, đi học rồi mới nên có đứa thứ hai. Câu chuyện nên đẻ con cách nhau vài tháng, 1 năm, 3 năm hay 4,5 năm luôn là đề tài hấp dẫn các chị em bàn luận và trao đổi.
Thực tế, khoảng cách tuổi tác giữa các con có ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển cả về thể chất lẫn tâm lý của trẻ. Chưa kể, chúng còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề khác như khả năng tài chính của gia đình, sở thích, quan niệm của bố mẹ…
* Hai con cách nhau 1 năm
Ưu điểm:
- Khi bản thân người mẹ đang cuốn vào vòng xoáy chăm trẻ thì việc có thêm một đứa con nữa sẽ không khiến mẹ bỡ ngỡ.
- Hai em bé cách nhau một năm sẽ quấn quýt và thân thiết với nhau hơn khi có cùng một giai đoạn phát triển. Hai bé có thể sẽ có cùng một nhóm bạn, cùng xem tivi với nhau, có cùng sở thích, chơi cùng trò chơi và đỡ khiến mẹ bận tâm quá nhiều về sự khác biệt trong tính cách
- Mẹ dễ dàng sử dụng quần áo, vật dụng của bé lớn cho bé nhỏ hơn và phần nào tiết kiệm chi phí trong gia đình.
- Khi hai đứa con chỉ cách nhau 1 tuổi chúng có thể chơi hòa thuận với nhau một cách dễ dàng. Các con nhanh chóng nhận ra mối quan hệ này giống như một sự phát triển của tình bạn và sẽ có rất nhiều lợi thế hơn là tranh chấp và khác biệt.
- Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng cách tuổi giữa hai con càng ngắn thì các con càng năng động và sáng tạo hơn không phụ thuộc vào giới tính là con trai hay con gái
- Cách nhau chỉ 1 năm sẽ thuận lợi hơn cho mẹ khi đi làm và chăm sóc trẻ. Đến tuổi đi học các con sẽ học cùng nhau, mẹ có thể chỉ cần quan tâm đến một vấn đề khi các con có những thắc mắc giống nhau thay vì phải bận tâm lần lượt từ vấn đề của con lớn đến con nhỏ.
Trẻ sinh gần nhau có thể nuôi rất vất vả nhưng giúp mẹ sau sẽ nhàn hơn rất nhiều (ảnh minh họa)
Nhược điểm:
- Mẹ sẽ rất mệt mỏi khi phải chăm hai đứa con liền nhau. Đó là sự thật.
- Mẹ sẽ có cảm giác không đủ thời gian để chăm sóc đầy đủ cho đứa con đầu lòng của mình
- 1 tuổi, đứa con đầu tiên vẫn còn là một đứa trẻ non nớt, rất cần thêm nhiều sự quan tâm và chăm sóc của cha mẹ. Nếu mẹ quá bận rộn chăm sóc em mới sinh, bé đầu lòng phần nào thiếu đi sự yêu thương của mẹ theo cảm nhận riêng của bé
* 2 năm mới có đứa nữa
Ưu điểm:
- Hai năm là khoảng thời gian đủ cho mẹ chuẩn bị sức khỏe cho lần sinh tiếp theo.
- Hai năm đủ để mẹ vẫn nhớ cách chăm sóc đứa con đầu lòng thế nào và sẵn sàng cho lần chăm sóc tiếp theo.
- Hai con cách nhau hai năm có thể chơi với nhau hòa thuận và có sự nhường nhịn lẫn nhau.
- Khoảng cách hai năm đủ để đứa con lớn nhận thấy sự khác biệt và cảm giác làm anh, làm chị để có thể chăm sóc phần nào đến em bé của mình
- Theo các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Notre Dame, khoảng cách tuổi 2 năm tạo điều kiện thuận lợi cho bé lớn học tốt trong môn toán và tập đọc
Nhược điểm:
- Khoảng cách 2 năm là thời gian vừa đủ để con đầu lòng phát triển tính cách và có sự nhận biết về việc mẹ sắp sinh em bé thứ hai. Điều này dễ dẫn đến khả năng bé sẽ ghen tị khi thấy mẹ chăm sóc em nhỏ hơn và dễ hình thành những đòi hỏi quá đáng, khóc lóc ầm ĩ và tủi thân khi mối bận tâm của mẹ dành cho mình phần nào bị chia sẻ.
- Khi mẹ đưa các con ra ngoài chơi mẹ sẽ đau đầu vì vừa phải chuẩn bị đủ tã, bỉm cho em bé mới sinh, vừa phải lo chuẩn bị đủ quần áo, đồ ăn cho em bé lớn, chưa kể phải nhanh mắt tăm tia được ngay nhà vệ sinh gần nhất ở đâu khi bé lớn đang bước vào tuổi tập đi vệ sinh một mình.
- Nếu bé mới sinh khóc quá nhiều về đêm có thể ảnh hưởng rất nhiều đến bé lớn, thậm chí gây ức chế và căng thẳng. Hai năm vẫn là quá ít để đòi hỏi ở một đứa trẻ sự quan tâm và thông cảm.
Cách nhau 2 năm các bé đã biết cảm giác có anh có em nhưng vẫn gần gũi như bạn bè (ảnh minh họa)
* Khoảng cách tuổi 3 năm
Ưu điểm:
- Ở độ tuổi này bé lớn đã biết thấu hiểu và thông cảm hơn với sự mang thai của mẹ khi nhận biết rõ ràng trong bụng mẹ lúc này có một sinh linh nhỏ bé khác và mình sẽ trở thành người làm anh, làm chị
- Một đứa trẻ 3 tuổi đã có được những “mối quan hệ” riêng của mình khi có bạn bè và bắt đầu dần ổn định theo vòng quay của từng ngày. Điều này rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển tính cách. 3 năm đủ để bé nhận được đầy đủ sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ và mẹ cũng đã sẵn sàng cho lần sinh nở tiếp theo.
- Khoảng cách tuổi 3 năm giúp bé lớn dễ dàng cảm thấy thích thú và yêu thương đối với em bé mới sinh của mình và sẽ loanh quanh gần mẹ để được nhìn ngắm và phần nào có thể giúp mẹ chăm sóc em.
Nhược điểm:
- Những món đồ chơi bé nhỏ của bé lớn sẽ nằm lăn lóc khắp nhà có thể gây nguy hiểm cho em bé mới sinh.
- Chưa kể khi bé 3 tuổi đi học và tiếp xúc với môi trường bên ngoài có thể nhiễm bệnh như cảm lạnh, ho gà và có thể lây lan cho em bé sơ sinh có sức đề kháng còn yếu.
- Mẹ hãy nhớ “khủng hoảng tuổi lên 3” là một vấn đề rất lớn đối với em bé đầu lòng bởi giai đoạn này bắt đầu một sự phát triển mới khi bé sẽ có rất nhiều câu hỏi và thắc mắc với thế giới xung quanh mình.
Nuôi một con mới là văn minh!
Đẻ một đứa sao lại là ích kỷ?
Tôi đẻ đứa nữa là vì con tôi
Mẹ chẳng yêu con thứ như con đầu
* Khoảng cách từ 4 tuổi trở lên
Ưu điểm:
- Khoảng cách tuổi lý tưởng để con đầu lòng “ổn định” cuộc sống của riêng mình và để mẹ chăm sóc bé nhỏ tốt hơn.
- Bé lớn biết thông cảm và chia sẻ với mẹ khi mẹ mang bầu và sinh em bé.
- Mẹ sẽ có nhiều thời gian dành cho bé sơ sinh khi bé lớn đang ở trường.
- Nếu mẹ đang cho bé nhỏ bú, bé lớn “thừa sức” nghe điện thoại, lấy nước cho mẹ uống, đem tã của em cho mẹ thay, hay tóm lại có thể là một người trợ giúp đắc lực cho mẹ.
- Những người làm cha mẹ sẽ không bị nhiều căng thẳng và mệt mỏi như khi phải chăm sóc hai con nhỏ sát tuổi nhau.
Nhược điểm:
- Khoảng cách dài giữa các lần sinh nở có ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và cách chăm sóc con. Có thể mẹ sẽ không còn nhớ lần đầu tiên mang bầu và chăm sóc con thế nào, để rồi đến lần tiếp theo vẫn hoàn toàn bỡ ngỡ như lần đầu tiên
- Mỗi một bé lại là một các thể hoàn toàn khác nhau và cần một cách chăm sóc khác nhau. Những gì mẹ đã làm có thể tốt cho bé đầu lòng nhưng rất có thể không thể áp dụng được cho em bé tiếp theo.
- Khi cả gia đình đi chơi, nhu cầu của hai con sẽ rất khác nhau ở những lứa tuổi khác nhau và mẹ sẽ mất nhiều thời gian hơn để có thể theo kịp và đáp ứng tất cả những yêu cầu của trẻ.
- Khoảng cách tuổi lớn dễ dẫn đến một sự “áp đặt” nhỏ của bé lớn lên em của mình.