Thay vì lựa chọn người sinh ra mình, rất nhiều đứa trẻ đã lựa chọn thân thiết và gắn bó với người nuôi dưỡng, ở bên cạnh bé mỗi ngày dù không có quan hệ huyết thống. Bởi trong suy nghĩ đơn giản của bé những người gần gũi với trẻ là những người yêu trẻ, mang lại cho bé cảm giác an toàn và mới là "ruột thịt".
Một cô bé 4 tuổi ở Thâm Quyến, Quảng Đông (Trung Quốc) xuất hiện trong một đoạn video với sự lựa chọn tương tự như vậy đã gây xôn xao mạng xã hội nước này. Theo đó trong đoạn video, người bế cô bé mới chính là mẹ ruột, người đã đẻ ra bé nhưng cô nhóc lại cố gắng dùng hết sức vùng vẫy thoát khỏi vòng tay mẹ, chạy chân trần trên đất để đuổi theo một người phụ nữ khác là bảo mẫu của gia đình.
Cô bé không ngừng hét lớn: "Con muốn người mẹ đó cơ, con muốn cô ấy làm mẹ con, đừng đi". Thấy những biểu cảm đó của con gái, người mẹ ôm con mà bất lực, lòng tràn đầy cay trắng.
Theo chia sẻ thêm được biết, từ khi cô bé chào đời đều được người bảo mẫu đó chăm sóc từng chút một. Cả hai đã cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi nên mối quan hệ thân thiết và gắn bó hơn là mẹ ruột và cô bé. Khoảng thời gian gần đây gia đình nhà cô bảo mẫu có việc phải về quê nên người bảo mẫu xin nghỉ việc và đứa trẻ tất nhiên đã không đồng ý.
Chính vì lẽ đó đã xảy ra cảnh tượng như trong đoạn video, cô bé khóc lóc và muốn được đi theo người bảo mẫu về quê luôn. Có lẽ đối với đứa trẻ đó, bé đã coi bảo mẫu như một người mẹ thực sự của mình và dành tình yêu hơn cả người đã sinh ra mình.
Thực tế những trường hợp như cô bé trên đây trong xã hội không phải là hiếm. Nhiều gia đình, các bậc cha mẹ vì bận rộn công việc nên không có nhiều thời gian chăm sóc con cái nên đã hoàn toàn phó mặc đứa trẻ cho bảo mẫu. Chính vì lẽ đó mới xảy ra tình trạng trẻ yêu quý người giúp việc gia đình hơn chính cha mẹ của mình. Qua đó mới thấy được con cái với cha mẹ, ngoài mối liên kết huyết thống thì trẻ rất cần sự quan tâm, đồng hành của cha mẹ, bằng không sẽ khó mà thiết lập được mối quan hệ khăng khít nhất.
Tuy nhiên các bậc cha mẹ không cần quá lo lắng khi con nhỏ quá gắn bó với người giúp việc. Đó không phải điều xấu, ngược lại nó còn cho thấy bé đang được người giúp việc chăm sóc rất tốt. Đây thực sự là may mắn vì khi mẹ đi vắng, bé đã được ở trong vòng tay an toàn và yêu thương.
Mẹ nên tự hào vì đứa con bé bỏng của mình có thể tạo mối quan hệ bền chặt với nhiều người khác nhau trong đời, có thể là cha mẹ, anh chị em, ông bà hoặc người giúp việc. Điều đó cho thấy khi lớn lên bé sẽ trở thành một đứa trẻ đáng yêu, hòa đồng!
Việc trẻ có suy nghĩ gọi người giúp việc là mẹ thực chất cũng không phải là điều gì quá lớn lao. Con vẫn chỉ là một đứa trẻ. Bé gọi bố là “mẹ” và nghĩ rằng gió cũng là sinh vật sống. Vì vậy một đứa trẻ gọi người giúp việc là mẹ không phải vấn đề quá lớn.
Mọi chuyện chỉ thực sự nghiêm trọng khi trẻ dần xa cách bố mẹ và chọn một người khác xứng đáng hơn để làm mẹ giống như câu chuyện ở trên. Còn lại nếu chỉ là lỗi ngôn ngữ thì tôi không có gì quá lo lắng.
Ngoài ra để tránh việc trẻ quá thân thiết và coi người giúp việc hơn bố mẹ ruột thịt của mình thì nỗ lực cũng phải xuất phát từ chính bố mẹ. Bố mẹ không nên giao phó mọi việc của con cái cho người giúp việc, điều đó có thể khiến bố mẹ nhàn rỗi nhưng đã vô hình chung tự cắt đứt sợi dây liên kết với con cái, từ đó trẻ không cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ và hiểu sai về vai trò của mỗi người.
Chính bởi thế, khi phát hiện con thân thiết với người giúp việc hơn bố mẹ, phụ huynh cần thay đổi chính bản thân mình, bên cạnh đó dành nhiều thời gian trò chuyện, phân tích cho con hiểu điều con nên làm và những nhu cầu, mong muốn thực sự của con.