Có cá tính và tính cách mạnh mẽ, bất cứ ai khi trò chuyện với Tâm Phan chắc hẳn sẽ phải thấy được sự quyết liệt của người mẹ trẻ này. Với chị, cá tính thể hiện ngay trong cách chăm sóc và nuôi con. Có thể nhiều người ngần ngại vì lo con phải tự lập sớm nhưng chị quan niệm rằng, mỗi đứa trẻ là tờ giấy trắng rất dễ hòa nhập với môi trường sống. Cho nên, phụ huynh đừng ngại cho con làm quen với sự tự lập. Đọc nhiều sách, nghiên cứu những kinh nghiệm hay từ mạng Internet nhưng chính chị tự mình tìm ra phương pháp nuôi con riêng có và trở thành bà mẹ được nhiều người quan tâm trên mạng xã hội Facebook.
Sinh năm 1978, hiện đang sống tại Geneva (Thụy Sĩ), công việc chính của Tâm Phan hiện nay là chuyên viên tổ chức sự kiện quốc tế. Dù công việc bận rộn nhưng chị luôn cố gắng rèn luyện cho con tính tự lập ngay từ bé. Bên cạnh đó, Tâm Phan còn là cây viết đã có những tác phẩm để lại ấn tượng với độc giả như Hồi ký Tâm Phan, Lần đầu làm mẹ...
Hãy tạo thói quen tốt cho trẻ
Là một người Việt Nam đang sống ở Thụy Sĩ, vậy cách nuôi con của chị bị ảnh hưởng từ phương Tây hay của Việt Nam nhiều hơn?
Khi còn ở Việt Nam, tôi không quan tâm nhiều đến vấn đề nuôi con vì khi đó còn độc thân. Cho nên, tôi cũng không chú ý đến các phương pháp nuôi con trong nước. Tất cả những kiến thức mà bản thân có được là rút ra từ kinh nghiệm dạy dỗ con cái của chính bố mẹ tôi. Đến khi mang bầu, tôi mới bắt đầu quan tâm đến cách thức nuôi dạy con. Có lẽ tôi chịu ảnh hưởng nhiều từ phương pháp nuôi dạy con của phương Tây.
Dường như cách nuôi con của bố mẹ để lại ấn tượng với chị, chị có thể chia sẻ thêm về điều này?
Tôi thuộc thế hệ 7x, trong khi bạn bè chịu sự quản lý chặt chẽ của bố mẹ thì tôi được phát triển khá tự do. Trong gia đình tôi, bố mẹ sớm dạy cho con cách sống tự lập, tôn trọng những việc làm và sự quyết định của con. Tôi và các em sống ở Hà Nội còn mẹ làm việc ở Mê Linh nên thời gian sống với bố nhiều hơn. Bố tôi là một người cha tuyệt vời, từ khi chúng tôi 6-7 tuổi ông đã cho các con đi học các môn nghệ thuật ở Cung thiếu nhi về xướng âm, múa, hát, võ, vẽ, ngoại ngữ… để con tự tìm thấy sự đam mê trong 1 môn nào đó mà phát triển tài năng.
Phải chăng cách nuôi dạy con của bố mẹ là động lực để chị tự tìm ra cách nuôi con riêng của mình?
Cách nuôi dạy con của bố mẹ đã ảnh hưởng tới tôi rất nhiều. Khi nhìn lại tất cả những gì bố mẹ đã làm, tôi rất biết ơn công lao to lớn ấy. Nhưng kinh nghiệm nuôi dạy con của bố mẹ chỉ là một phần. Còn quá trình mang thai, nuôi con, cho con bú thì bản thân tôi tự học qua sách vở, tự tích lũy kinh nghiệm. Khi mang bầu, tôi đọc sách nuôi dạy con của Anh, Mỹ… nhưng không nhất định theo cuốn sách nào cụ thể. Tôi tham khảo nhiều nguồn, bao gồm cả Internet.
Cách nuôi dạy con của bố mẹ đã ảnh hưởng đến Tâm Phan rất nhiều
Theo chị, việc áp đặt máy móc theo sách của một số ông bố mà mẹ hiện nay có để lại ảnh hưởng gì với trẻ không?
Việc áp dụng rập khuôn theo sách không phải lúc nào cũng tốt. Sách quy định giờ ăn, giờ ngủ cụ thể cho trẻ, nhưng không thể áp dụng máy móc, nhất là khi trẻ bị ốm, bị sốt thì không thể theo đúng lịch sinh hoạt như trong sách được. Ngoài ra, cuộc sống của một đứa trẻ còn phụ thuộc vào điều kiện môi trường, hoàn cảnh gia đình. Khi nuôi trẻ sơ sinh, việc áp dụng lịch sinh hoạt rập khuôn theo sách khiến nhiều người luôn lâm vào tình trạng mệt mỏi, không hài lòng, cảm thấy thất bại vì không làm được giống như sách. Mỗi đứa trẻ sinh ra một khác nhau, sách là công cụ hữu ích để hướng dẫn ta nuôi dạy con theo phương pháp khoa học, đúng hướng chứ không phải để tạo 1 đứa bé hoàn hảo theo công thức.
Tâm Phan quan niệm, mỗi đứa trẻ là một cá tính riêng cần được tôn trọng
Qua các câu chuyện chia chia sẻ trên facebook, có thể thấy chị rèn luyện cho cháu thói quen tự lập khá sớm. Theo chị, sự bao bọc của bố mẹ ảnh hưởng thế nào đến tính cách của trẻ?
Nếu như cha mẹ bao bọc quá nhiều sẽ khiến trẻ không tự mình học được những bài học trong cuộc sống, luôn trông chờ vào người khác. Ở Việt Nam, một số phụ huynh khi thấy con ngã thường nói “đánh chừa cái bàn hay cái ghế”, thay vì nói: “tại con lơ đãng nên mới bị đau, lần sau nếu con chú ý thì con sẽ không bị vấp ngã nữa”. Hoặc bố mẹ làm thay con nhiều việc khiến trẻ thấy thành công đến quá dễ dàng và ung dung hưởng thụ. Tuy nhiên, sẽ có một ngày cha mẹ không thể chạy theo con để bao bọc được nữa, và con phải một mình đối diện với thử thách, nó sẽ không có một kỹ năng sống nào để đương đầu với thử thách, và chỉ cần một thất bại nhỏ thôi cũng khiến nó suy sụp, không thể tự đứng dậy được.
Trẻ con sinh ra không bao giờ có thói quen, điều này có được là do cha mẹ tạo cho con. Cho nên vai trò của cha mẹ vô cùng quan trọng, nhất là trong việc tạo thói quen tốt cho trẻ. Khi sinh ra, trẻ con như tờ giấy trắng nên sẵn sàng hòa nhập với bất cứ môi trường nào. Nếu cha mẹ tạo thói quen tốt cho trẻ, cha mẹ sẽ vô cùng nhàn hạ vì con sẽ theo thói quen tốt đó mà làm. Ngược lại, cha mẹ tạo thói quen xấu cho con thì sẽ rất vất vả chạy theo những đòi hỏi của con mà không bao giờ được thỏa mãn. Ví dụ: cha mẹ thấy con khóc đòi cái gì đó là vội vã đưa ngay cái trẻ muốn. Việc này sẽ tạo thói quen cho trẻ là “khóc khi muốn có bất cứ thứ gì”. Đây là một thói quen xấu mà cha mẹ vô tình tạo cho con và tự trao cho con quyền kiểm soát cha mẹ: Khóc là hiệu lệnh để cha mẹ phải phục tùng.
Nhiều ông bố bà mẹ thường bày tỏ việc tạo thói quen cho trẻ không phải đơn giản vì sợ bé sẽ không chịu thích ứng, chị nghĩ thế nào về điều này?
Như đã nói, trẻ con sinh ra như một tờ giấy trắng, trình bày xấu hay đẹp là do cha mẹ vẽ những gì lên đó. Với bé Jenna, khi tôi rèn cho cháu tính tự lập, cháu tiếp nhận và đi vào nề nếp một cách rất tự nhiên, không có bất kỳ phản ứng nào. Mỗi đứa trẻ sinh ra có thể tính cách khác nhau nhưng thói quen (tốt hay xấu) là do cha mẹ tạo cho con. Vì con như tờ giấy trắng, khả năng thích ứng rất cao nên không phải lo lắng về việc trẻ không chấp nhận sự dạy dỗ của cha mẹ. Cho nên, các phụ huynh đừng ngần ngại tạo thói quen tốt cho trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời.
Cách tạo thói quen của chị cho bé Jenna ngay từ khi sinh ra có điều gì đáng chú ý?
Từ khi sinh ra, tôi đã cho cháu ngủ riêng. Nhiều gia đình cho con ngủ chung vì nghĩ con còn quá nhỏ, cần hơi ấm của cha mẹ. Đây là sự áp đặt suy nghĩ của cha mẹ chứ về mặt khoa học, trẻ hoàn toàn có thể ngủ một mình trong nôi. Không ít bậc cha mẹ còn suy nghĩ: “không cho con ngủ chung là không thể gắn kết sợi dây tình cảm giữa cha mẹ và con cái”.
Xét từ kinh nghiệm bản thân, con tôi ngủ riêng từ lúc mới sinh nhưng cháu vô cùng tình cảm, ngày nào cháu cũng ôm hôn cha mẹ và nói: “Con yêu bố mẹ” trước khi đi ngủ. Thói quen là hành động lặp đi lặp lại một cách tự nhiên nhất. Nếu một đứa trẻ có thói quen ngủ chung với cha mẹ từ nhỏ thì khi nó lên 4-5 tuổi, cha mẹ muốn cho con ngủ riêng sẽ rất khó vì như vậy là phá vỡ thói quen của con.
Ngược lại, nếu trẻ có thói quen ngủ riêng từ trong nôi thì việc ngủ chung với cha mẹ sẽ khiến nó mất ngủ, không thoải mái vì thói quen sinh hoạt bị đảo lộn.
Chị có chia sẻ với mọi người rằng để con tự lập là không bồng bế. Vậy chị có nghĩ điều đó sẽ ảnh hưởng đến tình thương của mẹ với con?
Nhiều người vẫn còn lầm lẫn, cho rằng “không bồng bế” nghĩa là “không thể hiện tình yêu với con”. Đây là 2 hành động hoàn toàn khác nhau. Tôi không bồng bế con mà đặt con ngồi trên ghế rung, tự chơi đùa để mẹ còn làm việc khác. Thời gian rảnh tôi sẽ chơi đùa ôm hôn con, thể hiện tình yêu với con. Không phải lúc nào cũng ôm con trên tay, không làm được việc gì khác, thì có nghĩa là yêu con.
Vậy, theo chị, làm cách nào để bố mẹ tách được con nhưng không làm giảm bớt đi tình thương?
Nếu cha mẹ tạo cho con tính tự lập từ nhỏ thì sẽ không bao giờ phải lo “tách được con” vì đối với trẻ, tự lập là điều đương nhiên và nó cảm thấy thoải mái nhất khi được tự làm mọi thứ. Điều tốt nhất để gắn kết tình cảm là cha mẹ hãy làm bạn với con, đừng bao giờ đặt mình ở địa vị bề trên để quát mắng con. Phụ huynh nên chơi chung với trẻ, cùng làm thủ công, chạy nhảy và múa hát với con. Đó là cách tôi vẫn làm hàng ngày.
Tôi và con xem nhau như bạn thân, cùng đồng hành với nhau. Một khi con đã coi mẹ là bạn thân thì có điều gì nó cũng chia sẻ, tâm sự và chắc chắn nó không bao giờ muốn làm mất lòng người nó yêu quý.Nếu con làm điều gì sai khiến mẹ buồn thì nó sẽ tự biết lỗi và không bao giờ muốn làm mẹ buồn nữa.
Chị muốn con tự lập sớm vậy chị tôn trọng quyết định của trẻ như thế nào?
Hiện nay con tôi tròn 4 tuổi. Ở tuổi này con rất thích được làm người lớn, thích tự làm nhiều thứ và tôi luôn tạo điều kiện cho con tự làm. Tôi để cháu tự lục tủ lựa chọn quần áo mặc đi học, tự đi giày. Từ những việc nhỏ như vậy con đã có ý thức tự đánh răng trước khi đi ngủ. Hàng ngày con tự thay đồ lót, tự giặt và tự phơi. Những việc con làm không phải do tôi dạy mà công cụ duy nhất tôi rèn cho con là TÍNH TỰ LẬP. Vì ý thức tự lập đã sẵn có, con thấy cha mẹ làm gì thì sẽ bắt chước làm theo. Như vậy, ngoài việc tạo cho con thói quen tự lập, cha mẹ phải luôn là tấm gương tốt để con nhìn vào đó mà noi theo.
Con gái lém lỉnh của Tâm Phan
Không kỳ vọng con là bản sao của mẹ
Rèn luyện sự tự lập phải chăng chị muốn tập cho trẻ sự đương đầu với thành công hay thất bại của cuộc sống?
Việc tự lập có nghĩa là tự làm mọi thứ khiến trẻ có trách nhiệm với việc mình làm. Việc đó nếu thành công, trẻ sẽ tự hào vì mình đã nỗ lực đạt được điều đó. Nếu như cha mẹ làm cho con thì trẻ sẽ không bao giờ có được niềm tự hào này. Còn nếu thất bại, trẻ sẽ rút kinh nghiệm để không mắc sai lầm nữa.
Nói tóm lại, dù thất bại hay thành công, sự tự lập sẽ luôn giúp trẻ có được những kinh nghiệm làm chủ tình thế, có trách nhiệm với những hành động của bản thân. Đây là 1 kỹ năng sống rất tốt cha mẹ có thể trang bị cho con ngay từ nhỏ để con có thể vào đời vững vàng.
Khi con gặp thất bại, không ít phụ huynh trách móc con khiến trẻ thêm hụt hẫng, theo chị điều này gây ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý của trẻ?
Khi con gặp thất bại, cha mẹ không nên trách mắng con mà nên an ủi rằng con sẽ luôn có cơ hội làm lại, và khi đó con có kinh nghiệm để không mắc sai lầm nữa. Hãy cùng con phân tích vì sao thất bại, coi đó như một sự cố và từ sự cố đó con hiểu vấn đề hơn, trưởng thành hơn.
Hiểu theo nghĩa tích cực, thất bại là mẹ thành công - câu này luôn luôn đúng. Việc trách mắng hay tỏ ra thất vọng làm ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ, khiến trẻ nghĩ rằng nó có cố gắng thế nào cũng không làm vừa lòng cha mẹ, gây nản chí, mất động lực để phấn đấu, mất niềm tin vào bản thân, không đáng sống, dễ nảy sinh những hành động tiêu cực như chơi bời nghiện ngập và tệ hơn nữa là tự tử.
Chị tạo cho con khá nhiều thói quen, vậy cách tạo thói quen nào của con mà chị cho rằng mình thành công nhất?
Chính xác là tôi luôn chú ý tạo thói quen tốt cho con để mình đỡ vất vả. Có lẽ cách rèn luyện cho con ngủ thâu đêm là phương pháp tôi áp dụng thành công nhất. Phương pháp này tôi đã ghi chép cụ thể trong cuốn sách 'Lần đầu làm mẹ' của tôi.
Theo chị, khi các phụ huynh tại Việt Nam rèn luyện cho con thói quen tự lập, điều gì là khó khăn nhất và cần phải vượt qua điều đó bằng cách nào?
Theo tôi, điều khó khăn nhất là sự can thiệp của ông bà. Bản thân tôi vất vả vì phải tự làm tất cả mọi việc, không có ông bà giúp nhưng lại may mắn vì được nuôi con theo phương pháp riêng của mình. Ở Việt Nam, hai vợ chồng có con nhỏ sống chung với ông bà thì chắc chắn sẽ có sự can thiệp và mâu thuẫn trong việc nuôi con là không tránh khỏi. Cách giải quyết duy nhất có thể là chọn giải pháp ở riêng.
Chị nhận thấy Jenna là đứa trẻ như thế nào?
Jenna là một cô bé hòa đồng, tự tin, vui vẻ và thích thể hiên tình yêu với những người xung quanh. Ở lớp, các bạn học đều yêu quý Jenna, không phải vì bạn ấy cao lớn nhất lớp mà vì Jenna biết quan tâm chăm sóc tới từng bạn.
Có những bạn mới đến lớp, còn lạ lẫm, hay ngồi khóc một mình thì Jenna mang đồ chơi tới an ủi và cùng chơi với bạn. Cô giáo nói: không chỉ các bạn mà thầy cô cũng rất yêu quý Jenna vì tình yêu bạn ấy luôn thể hiện với mọi người.
Vậy, Tâm Phan có kỳ vọng con gái sẽ trở thành người cá tính và mạnh mẽ như mẹ?
Tôi tin rằng mỗi đứa trẻ có một cá tính riêng và không là bản sao của bất kỳ ai. Tôi cũng không kỳ vọng con tôi là bản sao của tôi. Bởi tôi là một người mẹ chứ không phải là người tạo ra bản sao. Cha mẹ nên tạo cho con môi trường tốt nhất để con phát triển tài năng ở một lĩnh vực mà nó đam mê. Lĩnh vực đó có thể hoàn toàn xa lạ với cha mẹ. Ví dụ như tôi không biết gì về hội họa nhưng nếu con tôi mê vẽ thì tôi sẽ tạo điều kiện để con được vẽ, tôi sẽ dắt con đi thăm các viện bảo tàng nghệ thuật, nơi trưng bày những tác phẩm của các danh họa nổi tiếng Thế giới. Con đam mê cái gì hãy cho con theo đuổi ước mơ của mình, vì chỉ có đam mê mới phát huy được sở trường và năng lực của bản thân.
Xin cảm ơn chị đã trả lời phỏng vấn!