Vợ chồng tôi cũng hay cho cháu đến các trung tâm thương mại, siêu thị, công viên… Lúc còn nhỏ 2-3 tuổi, cháu tham gia các hoạt động trò chơi mà không cần bố mẹ. Thế nhưng, đến 4 tuổi khi được cho ra các khu công cộng, cháu không chịu chơi với các bạn và nhất định đòi về vì lý do "con sợ lắm".
Ở nhà và ở lớp học do quen với bố mẹ, với cô giáo, các bạn nên cháu mới hòa đồng. Còn khi ra đường, chỉ gặp một người lạ là cháu nấp vào mẹ, nhất định không đi nữa. Tôi có hỏi cháu thì cháu chỉ bảo con sợ… Tôi có giải thích với cháu: "Mọi người đều yêu quý con, mọi người muốn nói chuyện với con, hỏi han con à".
Ngoài ra, sau khi sinh cháu, tôi bị trầm cảm một thời gian rất dài. Điều này có ảnh hưởng gì đến tính cách của cháu không? Vợ chồng tôi rất lo lắng và bế tắc trong việc tìm cách nuôi dạy cháu. Xin các chuyên gia cho lời khuyên. (Thúy)
Ảnh: anationofmoms.com |
Trả lời
Cháu bé không bị tác động gì cả. Tuy nhiên, cách dạy dỗ của chị sẽ khiến cháu bé bị thiếu tự tin. Vì chị luôn lo lắng "mình bị stress sẽ ảnh hưởng đến con" đã khiến cho cháu bé có một nỗi sợ hãi mơ hồ. Thường khi cha mẹ lo lắng thì con sẽ bị truyền lo lắng đó vào người và cháu sẽ cảm thấy sợ.
Như trong tâm sự trên, chị và chồng chị rất lo lắng cho con trai. Nỗi lo lắng này hoàn toàn có thể khiến cháu cảm nhận được và càng thêm sợ hãi.
Hơn nữa, nếu cha mẹ chăm bẵm con quá cũng sẽ khiến con bị thiếu tự tin. Nếu việc gì cháu làm cũng khiến chị cảm thấy lo lắng và luôn muốn giúp đỡ con, nếu con vấp ngã chị chạy lại bế cháu lên dỗ dành, nếu cháu vẫn được chăm bón từng chút... thì việc cháu bị thiếu tự tin là bình thường. Vì khi cha mẹ làm hết hộ con, con sẽ lo lắng là mình không có cha mẹ thì không thể sống nổi. Nếu từ bé cháu được bao bọc quá kĩ lưỡng thì cháu sẽ sợ hãi, lo lắng là không biết bên ngoài cái bọc kia, cuộc sống có an toàn và thoải mái hay không.
Vì thế, chị cần xem xét lại việc chăm sóc và nuôi dạy con của mình. Để giải quyết vấn đề này, chị cần cho con tập làm mọi việc chăm sóc cho chính bản thân. Thậm chí, chị có thể nhờ cháu cả một số công việc nhà đơn giản. Khi cháu làm tốt, chị cần khen con thật nhiều.
Khi con ra ngoài chơi hoặc có người lạ đến nhà, chị đừng ép con phải chào hỏi hay nói chuyện vui vẻ. Hãy để con tự nhiên. Khi con quan sát kĩ mà thấy khách không có biểu hiện hại bé thì bé sẽ tự nhiên lại gần và tiếp xúc thôi. Việc thúc ép của chị khiến bé càng thêm lo lắng và sợ hãi.
Cho con đi chơi dã ngoại cũng chỉ là một việc buộc phải làm để giải quyết tình trạng thiếu tự tin nhưng nó sẽ không hiệu quả nếu chị vẫn tiếp tục bao bọc, ôm ấp, chăm sóc cháu quá mức.
Tôi hi vọng sau khi chị thay đổi cách dạy dỗ, chăm sóc con, bé nhà chị sẽ tiến bộ dần. Hãy báo tin cho chúng tôi khi bé tiến bộ nhé.
TS Vũ Thu Hương
Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội