Trong gia đình, hầu hết mọi đứa trẻ đều có sự thân thiết và gần gũi với mẹ nhất, đặc biệt là bé trai. Mẹ thường là người trực tiếp chăm sóc trẻ từ khi trẻ được sinh ra, cho đến khi trẻ trưởng thành. Vậy nên, hành động “bám mẹ” ở trẻ là khá phổ biến. Tuy nhiên, tùy vào mức độ mà việc trẻ “bám mẹ” sẽ có những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực khác nhau.
Chị A Mẫn (sinh sống ở Trung Quốc) có cậu con trai 8 tuổi, tên là Tiểu Bình. Từ nhỏ, Tiểu Bình đã luôn quấn quýt bên mẹ, cậu còn được mẹ cho ngủ cùng. Chị A Mẫn cảm thấy rất hạnh phúc vì con có sự gần gũi với mẹ, mà không hề nhận ra vấn đề tiềm ẩn trong tương lai.
Cho đến khi Tiểu Bình trưởng thành, thói quen “bám mẹ” của cậu bé vẫn còn giống hệt như trước. Tiểu Bình thường xuyên đòi ngủ cùng bố mẹ, thích được ở cạnh mẹ.
Mặc dù con trai thể hiện tình cảm dành cho mẹ là một điều tốt, nhưng chị vận muốn cho con tách mẹ để tự lập hơn. Vì vậy, chị đã tìm đến chuyên gia để được tư vấn và nhận được lời đánh giá rằng, việc người mẹ quá nuông chiều là nguyên nhân khiến cho việc con trai Tiểu Bình dù đã 8 tuổi, nhưng lúc nào cũng muốn quấn lấy mẹ.
Khi còn bé, việc trẻ luôn bám mẹ là một chuyện bình thường. Tuy nhiên, vào một độ tuổi phù hợp, bố mẹ nên giáo dục trẻ tính tự lập thay vì duy trì thói quen này. Nếu bố mẹ can thiệp kịp thời và có cách hướng dẫn trẻ đúng đắn, trẻ sẽ phát triển lành mạnh hơn trong tương lai.
Dạy trẻ kỹ năng sống tự lập
Tự lập là kỹ năng rất quan trọng của mỗi con người. Điều này quyết định rất lớn đến sự thành công của trẻ trong tương lai. Vì vậy ngay từ khi còn nhỏ, bố mẹ cần dạy cho trẻ cách sống tự lập, dựa vào chính bản thân thay vì phụ thuộc vào người khác. Bố mẹ đừng vì thương con mà làm hại con, việc nuông chiều sẽ tạo cho trẻ thói quen “bám víu” ngày càng mạnh mẽ.
Từ 3 đến 5 tuổi, trẻ đã có thể tự làm những điều nhỏ nhặt. Do đó, để rèn luyện tính tự lập cho con, bố mẹ có thể bắt đầu dạy cho trẻ tự biết rửa mặt, rửa tay, tự biết xả nước sau khi đi vệ sinh, không vứt rác bừa bãi mà phải bỏ rác đúng nơi quy định…
Dạy trẻ những kỹ năng đơn giản như: tự thay quần áo, ăn cơm, tự dọn dẹp đồ chơi, tự xếp sách vở, tập thói quen ngủ riêng,… Ở những lần đầu, bố mẹ nên hướng dẫn cho con cách làm thế nào là đúng, thế nào là phù hợp. Sau đó, từng ngày quan sát và sửa lỗi cho trẻ nếu trẻ thực hiện chưa đúng.
Sau khi trẻ học được kỹ năng này, trẻ sẽ trở nên tự tin hơn. Đồng thời, bố mẹ cũng sẽ đỡ lo lắng hơn khi trẻ ở một mình.
Kỹ năng tự lập sẽ khiến trẻ bớt đi sự "phụ thuộc" vào bố mẹ.
Mở rộng mối quan hệ cho trẻ
Bố mẹ nên giúp trẻ nâng cao kỹ năng kết nối cộng đồng. Điều này sẽ giúp trẻ giảm bớt hành vi bám mẹ. Khi mối quan hệ của trẻ được mở rộng, trẻ sẽ chuyển dần sự tập trung vào các mối quan hệ này, thay vì “chăm chăm” vào mẹ.
Đôi khi việc trẻ “bám mẹ” là vì thiếu cảm giác an toàn. Vậy nên nếu bố mẹ có thể giúp trẻ tự tin hơn vào các mối quan hệ bạn bè, xã hội thì trẻ sẽ nguôi đi tình trạng “phụ thuộc” vào mẹ. Để có thêm nhiều bạn bè, tiếp cận hơn được với nhiều người, bố mẹ nên động viên khích lệ các con nên tham gia vào các hoạt động ở lớp, trẻ có cơ hội để tiếp xúc với nhiều bạn mới, mối quan hệ mới.
Mối quan hệ bạn bè mang lại cho trẻ niềm vui để trẻ phần nào quên đi việc "bám mẹ".
Nhẹ nhàng, từ từ “cai” trẻ
Thực tế, trẻ dù trong độ tuổi trưởng thành vẫn “bám” lấy mẹ là một vấn đề không hoàn toàn xấu. Đó là vì trẻ chưa được bố mẹ giáo dục đúng cách. Vậy nên, để tránh việc trẻ bị tổn thương vì nghĩ rằng bản thân bị bố mẹ hắt hủi. Bố mẹ không nên đột ngột “xa cách” trẻ, mà hãy từ từ hướng dẫn cho trẻ hiểu.
Việc bố mẹ vội vã sẽ khiến cho trẻ cảm thấy hụt hẫng và thất vọng. Điều này ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển EQ của trẻ. Vì thế, để giáo dục trẻ trong vấn đề này, bố mẹ cần phải từ từ cho trẻ có thời gian tập quen.
Nên lựa chọn một nghi thức đơn giản và ngọt ngào để tuân thủ thực hiện mỗi khi phải nói lời tạm biệt. Một thói quen có thể đoán trước sẽ giúp trẻ xây dựng niềm tin vào mẹ và vào khả năng của chính mình để vượt qua sự xa cách. Ví dụ, nếu trẻ khóc đòi mẹ sau khi phải đi ngủ, mẹ nên đến gặp con để trấn an con rằng không sao. Tuy nhiên, hãy làm cho những lần thăm của mẹ trở nên nhanh và nhàm chán, vì vậy trẻ sẽ học cách chìm vào giấc ngủ mà không cần giúp đỡ nhiều.
Bố mẹ hãy nhẹ nhàng khuyên dạy trẻ, thay vì bất thình lình "biến mất" .