Gần đây, trên mạng xã hội Trung Quốc chia sẻ rầm rộ video cậu con trai và ông bố xảy ra một cuộc cãi vã. Trong cơn tức giận, cậu bé đã hét lên “Con ghét bố mẹ” rồi sau đó bỏ vào phòng riêng và khóa trái cửa. Từ lời chia sẻ của người mẹ thì được biết rằng trong nhà mỗi ngày đều rất náo nhiệt, không phải vì bầu không khí tích cực mà là do đứa con trai và bố mẹ thường xuyên cãi nhau.
Những cuộc xung đột hầu như vẫn còn nút thắt, mỗi người đều có chính kiến và cái tôi riêng, vì vậy mà những lần tranh cãi đều không có điểm dừng. Bà cảm thấy rất buồn phiền về vấn đề này và bà nhận ra rằng con trai càng lớn, càng khó để “làm bạn” cùng con.
Con không mở lòng và bố mẹ không nắm bắt được diễn biến tâm lý của con, đó cũng là một nguyên nhân lớn khiến vợ chồng bà và con trai chưa tìm được tiếng nói chung, khiến cho tần suất xung đột ngày càng nhiều. Bây giờ mối quan hệ giữa con và bố mẹ không được tốt, dường như có một rào cản ngăn cách con cái và bố mẹ gần gũi, hòa thuận với nhau.
Không ít phụ huynh cho biết rằng, con càng lớn càng xa cách bố mẹ.
Trên thực tế, tình huống bố mẹ và con cái bất đồng quan điểm dẫn đến xung đột là một chuyện hết sức bình thường. Nhưng không phải bố mẹ nào cũng biết cách “làm dịu” cuộc cãi vã, mà không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Đồng thời xây dựng tốt nền tảng tình cảm gia đình, từ đó có thể giao tiếp với con như một người bạn thân thiết.
Hiểu được điều này, thạc sĩ Tâm lý Quang Thị Mộng Chi đã có những lời tâm sự với những ông bố bà mẹ trong quá trình nuôi dạy con cái. Từ đó, giúp bố mẹ nắm bắt tâm lý của trẻ qua từng độ tuổi khác nhau và biết cách lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp.
Như vậy, mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái sẽ ngày càng gần gũi hơn, hạn chế tình huống xảy ra cãi vã. Bởi vì, tình cảm gia đình tốt đẹp chính là nền tảng vững chắc, để bố mẹ giáo dục con cái trở thành những đứa trẻ giỏi giang và hạnh phúc trong tương lai.
Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG TPHCM.
Trong tình huống bố mẹ và con cái xảy ra xung đột, nếu đứa trẻ nói: “Con ghét bố mẹ”, theo chuyên gia bố mẹ nên làm gì tại thời điểm đó?
Trong cơn giận dữ thì thường cả bố mẹ và con cái đều mất bình tĩnh. Chắc hẳn bố mẹ nào khi nghe được câu nói này từ con cũng sẽ cảm thấy buồn và hụt hẫng, thậm chí là đau lòng và nổi cơn thịnh nộ.
Tuy nhiên, khi chúng ta đang trong tình trạng có những cảm xúc mạnh thì không nên có những phản ứng ngay lập tức, mà cần một chút thời gian cho cảm xúc đó nguôi đi, khi ấy mới có thể suy nghĩ và hành động sáng suốt.
Để “câu giờ” cho cơn nóng giận nguôi đi thì bố mẹ có thể dùng cách hít thở sâu, đếm từ 1-10 hoặc đi ra một nơi khác. Sau khi cơn nóng giận đã qua, thì bố mẹ và con ngồi lại nói chuyện với nhau, tìm hiểu suy nghĩ và cảm xúc của con.
Thông thường, khi trẻ cảm thấy không được yêu thương và không được lắng nghe, thấu hiểu thì trẻ mới bộc lộ cảm xúc giận dữ và nói lên những lời này. Do đó, trong tình huống như vậy thì cần rất nhiều sự bình tĩnh, lòng bao dung và thương yêu để bố mẹ và con cái kết nối trở lại với nhau, mà chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của mình.
Trong cuộc sống hoặc quá trình làm tham vấn, có trường hợp nào phụ huynh tìm đến chuyên gia và chia sẻ rằng, bản thân cảm thấy khó khăn khi giao tiếp cùng con, con ngày càng xa cách bố mẹ?
Đây là tình huống thường xuyên mà tôi gặp, không chỉ trong công việc mà cả trong những mối quan hệ gia đình, bạn bè xung quanh, dường như có rất nhiều cha mẹ đã và đang phải đương đầu.
Khi con trưởng thành, bước vào các mối quan hệ xã hội ở bên ngoài gia đình, con sẽ chịu ảnh hưởng từ nhiều phía hơn là chỉ trong bối cảnh giáo dục gia đình. Từ đó, ở con bắt đầu có những suy nghĩ, cách nhìn nhận và hành xử khác đi so với những cách mà bố mẹ dạy con.
Nếu bố mẹ vẫn giữ cùng một cách giáo dục con như thời gian trước, và mặc định mức độ kiểm soát, sự gây ảnh hưởng như cũ đến con, thì rất khó có thể có tiếng nói chung giữa cha mẹ và con cái. Tất yếu những điều này sẽ dẫn đến những bất hoà trong giao tiếp, thậm chí là ảnh hưởng đến tình cảm gia đình.
Giữa phương pháp giáo dục mềm mỏng và nghiêm khắc, bố mẹ nên hài hòa cả hai hay luôn luôn chọn mềm mỏng để dễ “làm bạn” với con hơn?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải xác định nội hàm của “mềm mỏng” và “nghiêm khắc” là gì. Chúng ta chắc chắn không thể giáo dục con chỉ bằng chiều chuộng, nịnh nọt con nhưng cũng không thể suốt ngày bắt con phải nghe lời cha mẹ và gán cho con cái mác “con hư” khi dám “cãi lời cha mẹ”.
Khi con cái lớn dần, con cần được nhìn nhận là một cá nhân độc lập, một người có suy nghĩ và tình cảm cũng như cách hành xử riêng chứ không còn là một phần gắn với bố mẹ, và răm rắp nghe lời theo kiểu "bố mẹ bảo sao con nghe vậy".
Vì thế, khi con cái trưởng thành hơn, bố mẹ cần tạo thêm không gian cho con tự nhìn nhận, đánh giá và ra quyết định trước mỗi tình huống con gặp phải. Chính điều này là bước đệm cho con trong việc tự ra quyết định và giải quyết vấn đề của bản thân trong tương lai. Đây là điều tất yếu mà bố mẹ cần chấp nhận và buông tay để con lớn khôn.
Khi con cảm nhận được sự sẵn sàng lắng nghe và tôn trọng từ bố mẹ, trẻ sẽ tự tìm đến bố mẹ để chia sẻ và lắng nghe những ý kiến của bố mẹ, để tham khảo ý kiến cho những vấn đề khó khăn mà mình gặp phải. Như thế, bố mẹ không phải là lực lượng đối nghịch với con mà là đồng minh cùng chiến tuyến với con, để đương đầu với những khó khăn từ bên ngoài.
Để gắn kết tình cảm gia đình và trở thành một người bạn của con trong chặng đường khôn lớn, bố mẹ nên làm gì?
Tình cảm gia đình sẽ luôn bền chặt khi mọi thành viên cảm thấy được yêu thương, quan tâm và chia sẻ. Với mối quan hệ bố mẹ - con cái thì còn cần thêm sự tôn trọng và quyền tự quyết khi con lớn dần. Do vậy, bố mẹ nên dạy con cách suy nghĩ, cách đưa ra lựa chọn, giải quyết những vấn đề con gặp phải để ngày qua ngày con tự tin hơn vào khả năng của mình.
Khi con gặp khó khăn mà chưa biết làm gì tiếp theo, bố mẹ nên đặt câu hỏi cho con tự suy nghĩ và nhìn nhận, tự rút ra được câu trả lời cho mình thay vì làm thay hoặc giải quyết hộ con. Bố mẹ cũng cần học cách buông tay để con tự đứng, tự đi trên con đường cuộc đời của con, nhưng luôn theo sát để con thấy yên tâm vì luôn có người bên cạnh hỗ trợ khi con cần.
Bố mẹ cũng cần cho con thấy được tình yêu thương của mình dành cho con, dạy con cách thể hiện tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc mọi người để con lớn lên biết yêu thương và ấm áp với bố mẹ cũng như những mối quan hệ bên cạnh con.
Như vậy, nguyên tắc để giáo dục con là phải học cách buông tay để con lớn, chuẩn bị cho con khả năng suy nghĩ, ra quyết định và dám chịu trách nhiệm. Còn nhiệm vụ của bố mẹ là tin tưởng, động viên và ở bên đưa ra ý kiến tham khảo hoặc gợi ý cách làm khi con cần.