Chắc chắn hầu hết các bậc cha mẹ từng ít nhiều gặp phải tình huống con vòi vĩnh mua đồ chơi, mua đồ ăn, thậm chí là vòi tiền để làm việc gì đó. Nếu cha mẹ không đồng ý trẻ sẽ khóc nhưng nếu cha mẹ đồng ý quá nhiều lần thì sẽ tạo thói hư cho con và không phải lúc nào cũng có tiền để đáp ứng nhu cầu của con.
Chính vì thế nhiều bậc cha mẹ sử dụng câu thần chú "mẹ không có tiền", "nhà mình nghèo lắm", "lấy tiền ở đâu ra"... như một cách để đáp trả khi con vòi vĩnh mua đồ. Có một số người cho rằng câu trả lời này để chấm dứt thói vòi vĩnh mua đồ ở con ngay tại thời điểm đó và cũng có phụ huynh nghĩ rằng câu nói này sẽ giúp con biết điều hơn, nghe lời hơn và biết tiết kiệm hơn. Tuy nhiên thực tế những câu nói từ chối trực tiếp này có thể khiến trẻ có cảm giác thiếu thốn trong suốt quá trình trưởng thành:
- Trẻ kìm nén nhu cầu bình thường của mình
Khi trẻ bị cha mẹ từ chối hết lần này đến lần khác vì nói rằng mình không có tiền hoặc không đủ khả năng chi trả, đứa trẻ sẽ hình thành suy nghĩ “mặc định” sau khi thất vọng hết lần này đến lần khác "bố mẹ nó không có tiền, vì vậy mình không nên yêu cầu bất cứ điều gì".
Về lâu dài đứa trẻ cũng hình thành suy nghĩ không dám đòi hỏi gì ở bố mẹ, thậm chí là những yêu cầu chính đáng như mua đồ dùng học tập, quần áo, sách vở,... hay nhu cầu đấu tranh cho hạnh phúc tương lai. Chữ “nghèo” sẽ khiến trẻ trưởng thành sớm, nhưng điều bố mẹ cần cẩn thận là trẻ lớn lên bị kìm nén, nội tâm bất hạnh, thậm chí cái bóng như vậy sẽ theo trẻ suốt đời.
- Hình thành thói keo kiệt
Cha mẹ chỉ mua đồ chơi cho con khi có tiền sẽ khiến trẻ hình thành suy nghĩ không chia sẻ với người khác vì nếu mất đi sẽ không được bố mẹ mua lại hoặc không có tiền để mua lại, từ đó con cũng không muốn giúp đỡ người khác khi cần, dần dần trẻ sẽ trở nên keo kiệt và ích kỉ.
- Lòng tự trọng thấp
Khi được bạn cùng lớp mời dự tiệc sinh nhật hay một người bạn rủ đi ăn cùng, trẻ có thể từ chối tham gia vì không có tiền "Nhà mình nghèo không có tiền" "Mình không có tiền để đi ăn đâu".... Việc cha mẹ thường xuyên “khóc nghèo” sẽ khiến trẻ cảm thấy thiếu thốn, lòng tự trọng thấp và cảm thấy gia đình của mình không bằng những gia đình khác.
Một ông bố người Trung Quốc cũng đã từng chia sẻ câu chuyện tương tự xảy đến với con trai khi cậu bé quá nhiều lần nghe được câu "không có tiền "nhà mình nghèo lắm" mỗi lần vòi vĩnh bố mẹ. Cậu bé đã buồn bã tâm sự với bố rằng "tại sao nhà mình nghèo thế hả bố, nhà bạn con giàu lắm. Con thật sự không muốn gặp các bạn nữa". Câu nói của con trai đã khiến người bố như bừng tỉnh nhận ra bé bị ảnh hưởng quá lớn bởi những câu nói than phiền của bố mỗi ngày.
Chính vì thế ngay lúc đó người bố đã quyết định sửa sai mà nói với con rằng "Thực ra nhà mình không phải nghèo, bố mẹ cũng có tiền nhưng không phải tất cả những thứ con muốn mua bố mẹ đều đáp ứng cho con. Bởi những đồng tiền mà bố mẹ vất vả kiếm được còn phải chi vào rất nhiều việc trong cuộc sống. Con chỉ được mua món đồ nào đó khi bố mẹ đồng ý và nó thực sự cần thiết. Còn nếu con muốn có tất cả những thứ con muốn thì con cần phải nỗ lực học tập để khi trưởng thành, con tự tạo ra tiền để tự mình dùng". Câu nói của ông bố khiến đứa trẻ gật gù như hiểu ra được sự thật của vấn đề.
Vậy cuối cùng, cha mẹ nên phản ứng như thế nào với những ham muốn của con?
Việc trẻ em có nhu cầu mua sắm là điều bình thường. Người lớn không thể kiềm chế khi nhìn thấy quần áo, giày dép, đồ trang sức yêu thích của mình, vậy thì con nhỏ cùng thế.
Khi bố mẹ trả lời câu hỏi này của con, có một nguyên tắc cơ bản: không làm suy giảm lòng nhiệt tình và hy vọng của trẻ.
Việc theo đuổi vật chất không có gì đáng xấu hổ, mọi trẻ em đều có quyền theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chỉ là đôi khi do môi trường thực tế mà trẻ chưa thể có được thứ mình muốn trong lúc nhất thời nhưng chúng ta cần cho trẻ biết:
Tình trạng khó khăn này chỉ là tạm thời, chỉ cần con nỗ lực trong tương lai, con có thể có được hầu hết mọi thứ mình muốn. Con xứng đáng với tất cả những điều tốt đẹp trên thế giới.
Nguồn: