Sách là nguồn tri thức vô tận và vô cùng quý báu sẽ cung cấp cho trẻ tất cả những kiến thức, kĩ năng trong cuộc sống. Chính vì thế thay vì băn khoăn lựa chọn phương pháp nào để nuôi dạy con, cha mẹ có thể cho con tự khám phá bản thân thông qua việc đọc sách.
Bà mẹ 3 con Tăng Thanh Hà có lẽ đã làm điều này với tất cả các nhóc tỳ nhà mình Richard Nguyễn, Chole Nguyễn và Mason Nguyễn. Cô nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách, yêu sách cho các con ngay từ khi còn nhỏ và dần dần biến việc đọc sách trở thành thói quen không thể thiếu trong cuộc sống của các con.
Hai con lớn của Hà Tăng là Richard Nguyễn, Chole Nguyễn có thể ngồi hàng giờ để đọc sách.
Con út Mason được bố đại gia cho tiếp xúc với sách từ khi 3 tháng tuổi.
Phòng đọc sách vô cùng thú vị cho các bé trong căn nhà triệu đô của gia đình.
Ngay cả với cậu con trai Mason, mặc dù hiện tại chưa đầy 2 tuổi nhưng đã từ rất lâu Mason đã theo các anh các chị và bố mẹ đến những khu bảo tàng, thư viện để khám phá những cuốn sách. Hay thậm chí trong chính căn biệt thự triệu đô của gia đình, vợ chồng Tăng Thanh Hà - Louis Nguyễn đã tạo cho các con những không gian chứa đầy ắp những chuyển sách phù hợp lứa tuổi.
Đoạn video mới đây Tăng Thanh Hà chia sẻ một góc nhỏ trong phòng đọc sách là của bé Mason. Một căn góc nhỏ xinh nhưng ngăn nắp với hàng chục, hàng trăm cuốn sách được sắp xếp ngăn nắp trên giá. Mỗi lần Mason đọc sách sẽ tự ngồi vào chiếc ghế có in tên mình, tự lựa chọn cuốn sách mà con thích để đọc, sau đó sẽ tự cất sách lên giá trước khi lựa chọn cuốn sách khác.
Mason yêu thích những cuốn sách khổ to quá người bé nhưng đầy đủ những hình ảnh và màu sắc sống động. Nhìn góc nhỏ đọc sách của Mason, ai nấy đều xuýt xoa khen ngợi vợ chồng Tăng Thanh Hà thật khéo léo khi tạo niềm hứng thú đọc sách cho con.
Góc nhỏ đọc sách của Mason.
Cậu bé yêu thích những cuốn sách khổ to vì có nhiều hình ảnh, màu sắc đẹp mắt.
Mỗi cuốn sách mà con trai tiếp cận đều được nữ diễn viên kiểm tra rất kĩ.
Không chỉ mẹ 3 con Tăng Thanh Hà mà hiện tại rất nhiều các bậc phụ huynh cũng quan tâm đến việc rèn đam mê đọc sách cho các con ngay từ nhỏ. Các chuyên gia giáo dục trẻ nhỏ cũng khuyến khích bố mẹ nên giúp trẻ tiếp xúc với sách nhiều hơn. Nếu có thể hình thành thói quen đọc sách, khơi gợi niềm đam mê đọc sách cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ thì tương lai sau này của trẻ sẽ đỡ “vất vả” hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, việc xây dựng cho trẻ kỹ năng “làm bạn” với sách không hề đơn giản mà là cả một quá trình dài. Trước tiên, bố mẹ cần phải tích lũy được những bí quyết phù hợp và hiệu quả để có thể giáo dục trẻ thành công trong vấn đề này.
Cho trẻ làm quen với sách từ sớm
Bố mẹ có thể cho trẻ tiếp xúc với sách từ khi trẻ còn ở trong bụng mẹ, bằng cách đọc cho trẻ nghe. Trẻ lớn hơn một chút, bố mẹ cũng hãy luôn duy trì thói quen bổ ích này.
Mặc dù trẻ có thể chưa hiểu gì, nhưng thông qua âm thanh hoặc hình ảnh trong sách, trẻ cũng sẽ hình thành những cảm nhận đầu tiên. Dần dần những điều mới lạ trong sách sẽ kích thích sự tò mò và trí tưởng tượng của trẻ.
Ngoài ra trẻ từ 1-3 tuổi, bố mẹ có thể giúp trẻ vừa học vừa chơi thông qua sách. Thực tế đã có rất nhiều ông bố bà mẹ áp dụng phương pháp này, để kích thích sự hứng thú ở trẻ.
Những cuốn sách như ghép hình, vẽ tranh tô màu, tìm kiếm đồ vật, con vật… là sự lựa chọn hợp lý nhất dành cho trẻ trong độ tuổi này.
Xây dựng không gian đọc sách lý tưởng cho trẻ
Muốn đầu tư kiến thức cho trẻ, bố mẹ bắt buộc phải bỏ công sức để tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ. Một không gian yên tĩnh, gọn gàng, thoải mái nhưng không kém phần bắt mắt sẽ tạo cho trẻ cảm hứng để đọc sách.
Vì thế, bố mẹ hãy thiết kế cho trẻ một “thế giới sách lý tưởng” để trẻ có thể “chung sống” với sách ngay từ khi còn nhỏ.
Bên cạnh những cuốn sách giúp bổ xung kiến thức cần thiết và bắt buộc cho trẻ. Bố mẹ cũng đừng quên tạo một góc nhỏ với những cuốn sách theo sở thích của bé.
Việc cho trẻ được tự do lựa chọn sẽ giúp trẻ hình thành tâm lý thoải mái, vui vẻ khi đọc sách, thay vì cảm giác nhàm chán.
Bố mẹ làm gương cho trẻ
Cách giáo dục trẻ tốt nhất chính là việc bố mẹ có thể làm gương cho trẻ noi theo. Bởi vì vị trí của bố mẹ trong lòng mọi đứa trẻ đều rất đặc biệt.
Thế nên trẻ thường xem bố mẹ như “hình mẫu” mà bản thân cần phải học tập, để sau này trở thành người giống như bố mẹ.
Thay vì ngày nay, hầu hết bố mẹ dành thời gian nhiều vào các thiết bị điện tử thì bố mẹ có thể cùng trẻ đọc sách. Điều này mới là hành động có giá trị nhất để giáo dục trẻ trở thành một người “giàu có” về kiến thức.
Bố mẹ hãy bắt đầu từ việc đọc sách cho trẻ vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, và duy trì thói quen bổ ích này.
Đưa trẻ đến thư viện hoặc nhà sách thường xuyên
Thay đổi môi trường đọc sách cho trẻ là một lựa chọn đúng đắn dành cho các bậc phụ huynh. Thay vì để trẻ đọc sách ở một không gian cố định tại nhà, việc đưa trẻ đến thư viện hoặc nhà sách sẽ giúp trẻ tránh được cảm giác nhàm chán.
Môi trường thư viện hoặc nhà sách có thể mang lại cho trẻ động lực, khơi gợi niềm đam mê với sách ở trẻ. Bởi vì ở đây, trẻ không chỉ được tiếp xúc với nhiều loại sách và được lựa chọn thỏa thích cuốn sách mà mình muốn đọc.
Hơn thế nữa, trẻ còn kết giao được với nhiều bạn nhỏ khác có cùng niềm yêu thích sách với mình. Từ đó, trẻ sẽ nhận ra được tầm quan trọng của sách trong cuộc sống hằng ngày.
Nâng cao khả năng áp dụng và trải nghiệm thực tế
Để củng cố và duy trì khả năng ghi nhớ của trẻ khi đọc xong những kiến thức có trong một cuốn sách, bố mẹ nên khơi gợi ra những câu hỏi cho trẻ.
Khi trẻ có thể trả lời được tất cả những câu hỏi, trẻ sẽ có cảm giác tạo ra được thành tựu. Vì thế mà “tình yêu” đối với việc đọc sách ở trẻ sẽ ngày càng mãnh liệt hơn.
Ngoài ra, bố mẹ cũng cần tạo cơ hội để trẻ trải nghiệm thực tế. Việc tiếp xúc với những con chữ khô khan quá nhiều, nhưng thiếu đi tính ứng dụng thì trẻ sẽ dễ sinh ra sự ngán ngẩm đối với sách.
Mặc khác, việc để trẻ trải nghiệm thực tế những gì bản thân học được từ sách vở, khả năng sáng tạo và tư duy của trẻ sẽ được kích thích.
Không ép buộc mà để trẻ chủ động
Ép buộc trẻ đọc sách chỉ có thể làm cho trẻ mất hứng thú. Khi sự hứng thú hay tò mò mất đi, trẻ sẽ đọc sách trong vô thức. Tức trẻ sẽ xem việc đọc sách như một nhiệm vụ bắt buộc mà bố mẹ muốn trẻ hoàn thành.
Vì vậy trẻ vẫn sẽ cầm quyển sách lên đọc, tuy nhiên khi đọc thì kiến thức từ trong sách không thể nào “truyền” được vào bộ óc của trẻ, và trẻ sẽ không ghi nhớ được gì sau khi đọc xong.
Việc giáo dục trẻ thói quen đọc sách, trước tiên bố mẹ cần tạo cho trẻ sự thoải mái nhất. Nếu trẻ muốn đọc truyện tranh, đừng cấm cản mà hãy vui vẻ đồng ý.
Bởi vì đây là những bước đầu tiên giúp khơi dậy hứng thú đọc sách ở trẻ. Bố mẹ nên tôn trọng trẻ, để trẻ chủ động tìm đọc theo sở thích. Thay vì ép buộc, việc khích lệ trẻ với những phần thưởng lại có thể đem đến hiệu quả cao hơn.