Để khỏi phải xì-trét vì kinh nghiệm (và những mong muốn) của những người khác, cứ tự tin làm mẹ, như là cách mà bạn vẫn hình dung!
Chán nhỉ, mũi nó hơi tẹt!
Không giống nhiều phụ nữ khác, tôi không yêu con trai mình ngay từ lần đầu tiên gặp mặt. đôi khi, tôi tự trách mình, có phải mình quá lý trí hay mình thiếu tình cảm? Nhưng thú thật, lần đầu tiên nhìn thấy con, tôi còn thoáng chút thất vọng, vì mũi em bé hơi… tẹt!
Suốt mấy ngày đầu mẹ con ở bệnh viện, tôi cũng không biết làm gì nhiều với bé, cho bú thì con không nghe, mà uống sữa bằng bình thì cu cậu cũng có vẻ không thích thú cho lắm. Bà nội thì bảo phải chải lược gì đó cho nhanh có sữa non, bà ngoại thì bảo phải xoa ngực bằng rượu gừng. Người thì bảo thôi, cho bú sữa ngoài đi cho xong chuyện… Mọi thứ cứ rối cả lên quanh chuyện bú mớm.
Thế là con thì đói, mẹ thì hoang mang. Đến ngày thứ tư thì cu cậu lục đục, lúc đầu thì rấm rứt, rồi khóc to, rồi cào cấu… vì đói. Hôm đó các bà có kinh nghiệm thì về cả, trong viện còn mỗi hai vợ chồng trẻ và đứa con còn đỏ hỏn. Tôi quay cuồng giữa đống bình lọ và cái bầu sữa tự nhiên, trong đầu lùng nhùng ý nghĩ về sữa non, mấy câu hát ru và các kinh nghiệm dỗ dành học lỏm được từ chị sản phụ nằm cạnh…
Nuôi trẻ là sự lắng nghe trẻ chứ không phải kinh nghiệm?! (Ảnh minh họa).
Tôi chợt nhớ đến chiếc máy hút sữa
Chiếc máy này, chuẩn bị từ ở nhà, theo sách, mà trong lúc luống cuống, tôi không nhớ ra. Vậy là cho con ti tạm vài chục ml sữa ngoài cho qua cơn đói, hai vợ chồng hì hụi với cái máy hút sữa. Loay hoay một lúc, cũng hút được vài chục ml sữa màu vàng đục (lúc đấy cũng chưa biết đấy có phải sữa non hay không) để cho con bú.
Từ hôm ấy, cu Bi chính thức nói không với ti mẹ (vì mẹ cũng không đủ tự tin cho con bú nữa) và welcome ti bình. Mẹ chồng chép miệng kêu khổ thân cháu không biết mùi ti mẹ, rằng không cho bú, mẹ con sẽ ít gắn bó, các chị bạn đã có kinh nghiệm nuôi con nói cho ti bình vất vả lắm, nửa đêm lại phải dậy pha sữa, trong khi ti mẹ thì chỉ “vạch ra là xong”…
Nhưng biết làm sao? Tôi tìm thấy niềm vui khác khi cho con ti bình: Luôn luôn biết chính xác con đã ăn được bao nhiêu thay vì thắc mắc chẳng biết có đủ no không, tôi rảnh rang đi ra ngoài lượn lờ mà chỉ cần để lại bình sữa đã vắt trong tủ lạnh.
Con được 4 tháng, mẹ đi làm, cũng chẳng phải mất thời gian để cai ti mẹ, con hoàn toàn có thể được đem gửi hàng xóm với bình sữa hoặc nhanh chóng làm quen với bình sữa ngoài. Đó chẳng phải là cái lợi của máy hút sữa đấy sao?
Cho con ăn dặm, chẳng có công thức nào (Ảnh minh họa).
Ăn dặm, chẳng có công thức nào!
Cu Bi được 6 tháng, tôi bắt đầu tìm hiểu việc cho con ăn dặm. Các cụ thì bảo đầu tiên là cho ăn bột, rồi bột nghiền rồi cháo rồi cơm. Các công thức của Nhật thì giới thiệu phương pháp 6 tháng ăn nhuyễn, 8 tháng ăn băm, 10 tháng ăn cháo hạt và 1 tuổi ăn cơm… đủ cả.
Tôi quyết định cho con ăn cháo luôn từ đầu để khỏi phải cách rách chuyện bột bẹt, khỏi phải lo chất lượng gạo xay bột của hãng này hãng khác thế nào. Tôi rinh về một chiếc máy xay tay, nấu một nồi cháo trắng, còn các thứ khác thì bữa nào nấu ăn bữa đấy. 6 tháng thì xay nhuyễn cháo với thịt với rau, 8 tháng thì xay lợn cợn hơn một chút, 10 tháng thì chỉ xay rau – thịt rồi chuyển sang ăn rau băm.
Cũng tính chuyện cho con ăn cơm ngay thừ 12 tháng như các bà mẹ Nhật mà tôi hằng ngưỡng mộ, nhưng khi đến 12 tháng, Bi vẫn còn nồng nhiệt với cháo, và cơm thì chỉ đá gà đá vịt. Cho đến khi 16 tháng, Bi tự động bỏ cháo, ăn cơm (và các thứ không phải là cháo) mà không chờ đợi việc chuyển đổi.
Hóa ra, nuôi trẻ, là sự lắng nghe trẻ chứ không phải là kinh nghiệm!
Trẻ con, mỗi bé lại phát triển khác nhau mà không phải đứa nào cũng giống đứa nào. Kinh nghiệm với trẻ này sẽ không thể áp dụng hoàn toàn cho trẻ khác, và vì thế, kinh nghiệm lớn nhất của mẹ là lắng nghe con.
18 tháng vẫn còn đóng bỉm – thì sao?
Khi Bi được 18 tháng. Trong những bức ảnh post lên mạng, cu cậu vẫn mặc bỉm. Nhiều mẹ comment bảo sao không xi con, sao không tập cho con bỏ bỉm, đóng bỉm nóng lắm khổ thân… Bà nội Bi mỗi lần thấy cháu đóng bỉm thì cũng ý kiến này kia. Thế nhưng chính bà, mỗi khi Bi chưa biết gọi đi tè, đi ị thì mắng cháu là hư, là dọa đánh.
Tôi quyết định có ý kiến và yêu cầu bà không được mắng cháu mỗi khi cháu đi tè mà không gọi. Dạy con, không đồng nghĩa với việc đánh mắng, đặc biệt là trong chuyện bỉm tã. Bi được quyết định sẽ đóng bỉm cho đến khi nào tự chủ được chuyện vệ sinh!
Chuyện hăm tã, không phải tại đóng bỉm nóng mà ra. Bằng chứng là cu Bi 18 tháng đóng bỉm, không có một vết hăm nào!
Chuyện đi vệ sinh cũng khác nhau giữa những đứa trẻ, có em bé này 18 tháng đã biết gọi mẹ cho đi vệ sinh, nhưng có những đứa trẻ 2 tuổi vẫn phải đóng bỉm. Cũng giống như chuyện biết nói, có đứa biết nhanh, có đứa biết chậm. Và tôi tự tin rằng con sẽ bỏ bỉm khi nào cháu thật sự sẵn sàng
Nuôi con là một hành trình mà ở đó, mẹ và con cùng học. Kinh nghiệm chỉ là để tham khảo. Bản năng làm mẹ, mới thật là thứ quý báu nhất. Thay vì căng thẳng với những kinh nghiệm của người khác, sao không enjoy ngày hôm nay, theo cách mà cả mẹ và con cùng thoải mái?