Kết nối tình cảm giữa các con trong gia đình là điều không phải bậc cha mẹ nào cũng làm được bởi nhiều lý do khác nhau. Điều đó vô tình khiến những đứa trẻ có khoảng cách, thậm chí ganh tỵ và trở nên bướng bỉnh hơn. Chính vì thế khi gia đình chuẩn bị đón thêm thành viên, việc đầu tiên các bậc cha mẹ nên nghĩ tới đó chính là làm sao để kết nối các con gần gũi với nhau, anh chị lớn yêu thương em nhỏ.
Về vấn đề này có lẽ nhiều bà mẹ cần phải tham khảo cách nuôi dạy con của cựu người mẫu Đàm Thu Trang vì cô đang làm rất tốt vai trò của mình trong vấn đề này.
Đàm Thu Trang kết hôn với doanh nhân Cường Đôla và hiện cô là mẹ bỉm 2 con. Trước khi có 2 con, Đàm Thu Trang còn sống cùng với con riêng của chồng là bé Subeo và cho đến thời điểm hiện tại họ vẫn sống chung nên có thể nói Đàm Thu Trang mang trọng trách của một bà mẹ 3 con: Bé Subeo, bé Suchin và bé Sutin.
Mặc dù không chia sẻ nhiều về những phương hướng dạy dỗ con của mình nhưng Đàm Thu Trang cho mọi người thấy được cô làm rất tốt chuyện kết nối các con với nhau, giúp các anh chị lớn trong nhà thân thiết, yêu thương và nhường nhịn em nhỏ.
Theo đó, ngay từ khi các em nhỏ còn trong bụng chưa chào đời, Đàm Thu Trang đã thường xuyên trò chuyện với con lớn về sự xuất hiện của em, để các con ngóng chờ cảm giác em chào đời vô cùng đáng yêu là như thế nào.
Đàm Thu Trang khéo léo cho cả Subeo và Suchin biết sự có mặt của em khi còn trong bụng.
Đàm Thu Trang đã từng 1 lần duy nhất chia sẻ về cảm xúc của con riêng Cường Đôla khi biết tin có em gái Suchin, qua đó khéo léo cho mọi người thấy được cách cô kết nối các con chính là cho con lớn hiện diện trong mọi sự kiện của em bé. "Ngay từ khi biết Trang và ba Cường sẽ kết hôn, Subeo đã tính sau đám cưới 9 tháng 10 ngày là con sẽ có 1 em trai hoặc 1 em gái. Và khi vào thời điểm khám thai định kỳ Subeo đã rất háo hức đi khám với mẹ Trang để có thể thấy em bé và nói chuyện với em, vẽ tranh tặng em, luôn luôn hỏi: "Giờ em bé trong bụng mẹ đã to bằng trái gì rồi?"…
Sau đó, ngay khi các con nhỏ chào đời, Đàm Thu Trang cùng Cường Đôla chưa bao giờ trì hoàn mà luôn cố gắng sớm nhất đưa các con lớn đến viện để thăm em bé mới sinh.
Subeo có mặt tại bệnh viện để bế em Suchin.
Đến khi em Sutin chào đời thì Subeo và Suchin đều có mặt.
Không chỉ vậy, trong cuộc sống đời thường không thiếu những khoảnh khắc các con trong gia đình Cường Đôa - Đàm Thu Trang quấn quýt, yêu thương và chăm sóc lẫn nhau.
"Trước đây đi học về tới nhà là tìm ba mẹ nhưng giờ người mà Subeo tìm tới đầu tiên lại là em gái Suchin, vào phòng tìm em, bế em và chúc em bé ngủ ngon… Đó là niềm hạnh phúc của người làm mẹ như Trang, hạnh phúc vì con là một cậu bé ngoan, sống tình cảm, vị tha và có phần lớn trước tuổi" - người đẹp gốc Lạng Sơn kể.
Điều đặc biệt mà hiếm ai nghĩ đến nhưng cặp bố mẹ đại gia phố núi làm rất tốt để các con có cảm giác được yêu thương, không ganh tỵ lẫn nhau đó chính là sự yêu thương đồng đều. Thậm chí Đàm Thu Trang, Cường Đôla còn cố gắng dành nhiều thời gian cho con lớn hơn sau khi các em chào đời. Để các con lớn hiểu được rằng dù gia đình đã có thêm các thành viên nhưng không ai bị bỏ lại phía sau, tất cả đều là những đứa con tuyệt vời của cha mẹ.
Dù đã có thêm con trai nhưng vợ chồng Cường Đôla vẫn cưng chiều cô con gái như cũ.
Khi được hỏi cụ thể về cách gắn kết các thành viên trong gia đình của hai vợ chồng, bà mẹ 3 con nói "Hai vợ chồng luôn muốn để mọi cảm xúc của các con được tự nhiên và thoải mái nhất. Yêu thương là điều không thể ép buộc. Làm cha làm mẹ thì mình luôn luôn thể hiện tình cảm yêu thương với các con nhiều hơn mỗi ngày, và phải luôn cân bằng mọi cảm xúc để các con có thể hiểu được, mọi thành viên trong gia đình đều xứng đáng được yêu thương thật nhiều".
Có lẽ nhờ biết cách khéo léo kết nối và dạy dỗ con như vậy mà các em bé nhà Đàm Thu Trang đều rất ngoan, là nhóc tỳ được mọi người yêu mến. Từ đó, Cường Đôla hết lòng tự hào về người vợ vừa xinh lại khéo nuôi dạy con, thường xuyên công khai vừa khen vừa nịnh vợ trên mạng xã hội.
Trên thực tế phương pháp kết nối tình cảm 3 con của Đàm Thu Trang cũng chính là những gợi ý mà nhiều chuyên gia giáo dục trẻ em khuyên các bậc cha mẹ.
Ning Weiwei, chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Giáo dục Sức khỏe Tâm thần Tứ Xuyên và là giáo sư tâm lý học tại Đại học Giao thông Tây Nam tin rằng cha mẹ nào muốn sinh con thứ hai, thứ ba thì nên có những cuộc trò chuyện với con cái, bằng không bé sẽ có thái độ tiêu cực.
Hầu hết các trẻ không thích mẹ sinh thêm em vì lo lắng rằng sau khi có thêm thành viên, tình yêu của cha mẹ sẽ bị san sẻ hoặc mất đi, từ đó mất đi cảm giác an toàn.
Giáo sư Ning tin rằng trước khi cha mẹ quyết định sinh thêm con thứ hai thì hãy nên nói chuyện với con lớn. "Đừng đưa ra quyết định mà không có hướng đi tích cực và những giải pháp tích cực".
Cách kết nối tình cảm con lớn và em
Với bé dưới 18 tháng tuổi
Việc giúp bé hiểu về sự tồn tại của đứa em là cần thiết trước khi đứa em ra đời và càng cần thiết hơn nếu trẻ dưới 18 tháng tuổi. Đó cũng là cách mà cha mẹ giúp trẻ phát triến về nhận thức về "sự tồn tại" của "2", thay vì chỉ là "1". Hãy bắt đầu khi bé thứ 2 có thể "đạp vào bụng bạn". Đứa trẻ thứ nhất sẽ rất tò mò tại sao mẹ mình thường nói chuyện với "em bé". Bé vẫn chưa hiểu "em bé" là như thế nào? Cha mẹ có thể làm như thế này:
- Hãy nói cho trẻ biết: “Mẹ có 1 em bé sẽ ra đời vài tháng nữa, con có muốn nghe em bé nói chuyện với con không”. Hãy để bé nghe tiếng đạp của bé thứ 2 vài lần trong ngày. Hãy nói với bé: Con hãy chạm tay vào bụng mẹ, em bé sẽ nghe con nói đó.
- Hãy cho bé biết “Em bé sẽ ra đời như thế nào?” bằng việc cho bé 1 con búp bê hoặc 1 món đồ chơi bé thích và nói em bé ra đời như cách mà con dành sự yêu thích này lên món đồ này, con có thích món đồ này không và con có muốn bảo vệ món đồ này không? Hãy cho bé biết, em bé ra đời con có thương em bé không? Cứ nhắc lại các câu hỏi và trò chuyện.
Với bé lớn hơn 18 tháng
Khi em bé thứ 2 vẫn chưa sinh ra
Việc để bé lớn hơn 18 tháng tuổi hiểu sự có mặt của em bé sẽ dễ dàng hơn. Cứ hãy cho bé biết mẹ sẽ có em bé và em bé sẽ làm em của con. Bé tuổi này có thể nhận thức là "em của bé". Vẫn những hành động ở trên dành cho bé dưới 18 tháng tuổi, nhưng ở đây bạn sẽ nhấn mạnh hơn khái niệm "anh/chị và em".
Vào ngày bé thứ 2 ra đời
Vào ngày em bé thứ 2 chào đời, hãy cho bé thứ nhất nhìn mặt em bé, đừng trì hoãn điều này sau 72 giờ (trừ những trường hợp đặc biệt) vì trẻ thứ nhất cần tạo một liên kết đặc biệt với bé thứ 2 này. Khi bé thứ nhất vào xem em bé, hãy gọi bé thứ 1 vào.
Khi cả hai bé cùng chơi với nhau
Khi em bé thứ 2 lớn và chơi cùng bé thứ 1: Bé thứ 2 sẽ cố bắt chước bé thứ 1 về mọi thứ như cách chơi, cách đi và cách giành nói chuyện/chơi với mẹ. Do đó việc 2 bé hay xung đột là điều dễ hiểu. Khi hai bé xung đột thì không nên trách mắng hay la bé thứ 1 hoặc yêu cầu bé thứ nhất phải nhường em.
Cách hành xử đúng nhất là mẹ sẽ tách 2 bé ra và cả 2 bé không ai được lấy món đồ chơi đó và mẹ sẽ giữ nó đến khi em bé chơi lại. Dĩ nhiên cả hai bé đều khóc, nhưng sẽ quên ngay và quay lại chơi cùng. Chọn 1 thời điểm nào đó dạy 2 bé biết cách chia sẻ lẫn nhau bằng chính món đồ đó: Cho bé lớn chuyền sang bé nhỏ hơn và để bé nhỏ truyền lại cho mẹ, và mẹ sẽ truyền lại cho bé lớn. Bài tập này đều có ích cho tất cả các bé từ 10 tháng - 48 tháng tuổi.
Nếu bé nhỏ có tuổi dưới 18 tháng tuổi, bạn đợi khi bé nhỏ ngủ, hãy lựa những quyển sách có câu chuyện về tình anh em để kể cho bé lớn nghe. Không cần nhấn mạnh “Con lớn phải nhường em” và nên nói theo cách “Nếu em ngã, con giúp em đứng dậy không?”, “Nếu em muốn chơi món này, con sẽ cho em chơi 1 lát nhé, rồi đến con”, “Nếu em khóc đòi mẹ, con ngồi chơi cái này và đợi mẹ 1 tí nhé, sau khi mẹ hỏi em có sao không và lại chơi với con nhé” và bạn làm động tác như giao kèo với bé.
Nếu bé thứ 2 lớn hơn 18 tháng tuổi, thì hãy đọc chuyện cho cả hai anh em nghe về tình anh em. Vẫn những câu hỏi ở trên, nhưng bạn hỏi ngược lại với bé nhỏ và xen kẽ câu hỏi giữa bé lớn và bé nhỏ.
Những hoạt động này sẽ giúp cả hai anh em dần nhận thức trách nhiệm và sự gắn bó cần có trong việc giao tiếp và ứng xử hành vi.