Tôi làm kế toán cho một công ty nước ngoài, còn chồng tôi thì làm trong nhà nước. Chúng tôi về chung một nhà đến nay đã được 6 cái tết, và có với nhau một cô công chúa 5 tuổi. Cuối năm chồng tôi hay vắng nhà vì bận lịch công tác ở ngoại tỉnh, tôi phải một mình vừa đi làm, vừa chăm con gái nhỏ.
Vì ông bà nội ngoại đều ở xa nên tôi không thể gửi con cho ông bà trông hộ, vả lại đứa nhỏ còn đang độ tuổi học mẫu giáo, con còn phải đến trường nên tôi chỉ có thể cố gắng sắp xếp chu toàn mọi thứ. Tuy nhiên vì lượng công việc những tháng giáp tết quá đầy, tôi không thể làm xuể trong 8 tiếng ở văn phòng mà nhiều lúc còn phải tăng ca. Đó là lý do mà thỉnh thoảng tôi hay về nhà muộn hơn bình thường.
Những lúc như thế thì tôi sẽ nhờ phụ huynh hàng xóm đón con hộ mình, vì gia đình hàng xóm cũng có một cậu con trai học cùng lớp mẫu giáo với con gái tôi. Sau khi miệt mài xử lý nhanh đống việc còn sót, tôi ngay lập tức về nhà, sợ con gái lo lắng vì chờ đợi quá lâu mà không thấy bóng dáng mẹ trở về.
Ảnh minh hoạ
Như mọi đêm thì con gái sẽ ngủ ở phòng riêng, nhưng những khi bố đi công tác thì con sẽ qua phòng ngủ với mẹ cho đỡ buồn. Mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường cho đến nửa đêm nọ, tôi đang chìm vào giấc ngủ thì bỗng nghe một giọng nói quen thuộc thì thầm bên tai: "Mẹ ơi! có người vào nhà". Ban đầu tôi còn nửa tỉnh nửa mê, nhưng lời nói ấy cứ lặp đi lặp lại khiến tôi giật mình bật dậy.
Chưa kịp định thần chuyện gì thì tôi nhìn sang cô con gái nhỏ của mình đang nằm bên cạnh, tôi điếng người khi thấy con gặp ác mộng đến toát cả mồ hôi, mặt mày xanh ngắt, quơ tay quơ chân, miệng không ngừng lẩm bẩm: "Mẹ ơi có người vào nhà, con sợ lắm, mẹ ơi về với con".
Ảnh minh hoạ
Tôi vội vàng trấn an, vỗ về và vuốt ve con, ôm con vào lòng để đứa trẻ bình tĩnh lại và thoát khỏi cơn ác mộng. Đêm đó vì canh cho con ngủ mà tôi thức trắng đêm. Vào bữa ăn sáng ngày hôm sau cùng con gái, tôi đã hỏi thăm con, nhưng không đề cập đến chuyện con gặp ác mộng, mà chỉ muốn thăm dò xem liệu con có đang gặp vấn đề gì bất ổn hay không?
- An An à, mẹ xin lỗi vì dạo gần đây công việc bận rộn nên không thể đón con tan trường, và còn để con phải ở nhà hàng xóm mỗi tối để đợi mẹ về. Con có buồn, có giận mẹ không?
Lúc này con gái tôi bỗng cúi gằm mặt xuống, nước mắt bắt đầu rơi lả chả như đang tủi thân, giọng thì thầm nói:
- Mẹ ơi! Mẹ có thể nào về nhà sớm với con được không. Con nhớ mẹ, con sợ ở nhà một mình lắm mẹ ạ!
Trước lời nói của đứa trẻ, tôi điếng người không biết chuyện gì xảy ra với con. Bởi vì rõ ràng ngày nào tăng ca về muộn, tôi cũng đã gọi điện nhờ hàng xóm cho con ở lại nhà chơi với con trai họ cho đến khi mẹ trở về. Thế mà tại sao con gái tôi lúc này lại nói ở nhà một mình.
Ảnh minh hoạ
- Con xin lỗi mẹ, con không cố ý cãi lời dặn của mẹ rằng phải ở nhà Minh Minh chơi cho đến khi mẹ về. Nhưng con buồn và chán lắm. Minh Minh có bố mẹ chơi cùng, còn con thì không. Bố đi công tác lâu rồi chưa về, còn mẹ thì thường về nhà rất trễ. Con chỉ muốn về nhà đợi mẹ thôi!
Mẹ ơi, hôm trước có chú nào đó bấm chuông nhà mình, bảo rằng là bạn của bố, đến để gửi tài liệu. Nhưng con sợ lắm, con nhớ lời mẹ dặn là không được mở cửa cho người lạ. Nhưng chú đó cứ bấm chuông, rồi đứng trước cửa nhà mình rất lâu. Con sợ lắm mẹ à, con chỉ mong mẹ có thể về thật sớm với con thôi!
Nghe con gái thuật lại toàn bộ, tôi mới vỡ lẽ mọi chuyện. Tôi cảm thấy hối hận và tự trách bản thân lắm vì đã không là một người mẹ tốt. Có lẽ, con gái đã vô cùng hoảng loạn và sợ hãi nên con mới gặp ác mộng khi ngủ như thế. Ôm con vào lòng vỗ về, tôi xin lỗi con và hứa kể từ bây giờ, tôi chắc chắn sẽ không để cho con phải lặp lại điều này thêm một lần nào nữa.
Tâm sự từ độc giả thuha...@gmail.com
Trẻ gặp ác mộng có thể là một trải nghiệm không dễ chịu, và gây lo lắng cho cả trẻ và phụ huynh. Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến trẻ trải qua những cơn ác mộng.
Một nguyên nhân phổ biến là những trải nghiệm đáng sợ trong cuộc sống của trẻ. Xem phim kinh dị, đọc truyện ma hoặc trải qua những sự kiện đáng sợ có thể gợi lên những hình ảnh gây cảm giác sợ hãi, ám ảnh trong giấc mơ. Những trải nghiệm này có thể tạo ra một cảm giác không an toàn và gây ác mộng cho trẻ.
Các yếu tố stress và căng thẳng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra ác mộng. Áp lực từ môi trường học tập, gia đình hoặc xã hội có thể khiến trẻ cảm thấy lo lắng, không an tâm và có những giấc mơ gây khó chịu. Những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực có thể phản ánh trong ác mộng của trẻ.
Ngoài ra, sự thay đổi trong cuộc sống cũng có thể là một nguyên nhân khiến trẻ gặp ác mộng. Chuyển trường, chuyển nhà, mất mát người thân yêu hoặc sự thay đổi đột ngột trong gia đình có thể tạo ra căng thẳng cho trẻ, làm cho giấc ngủ của trẻ trở nên kém chất lượng hơn bình thường.
Để giúp trẻ vượt qua những cơn mộng mộng, quan trọng nhất là tạo ra một môi trường an lành và yên bình cho giấc ngủ của trẻ. An ủi và trò chuyện với trẻ về những nỗi lo lắng hay sợ hãi của con. Nếu những cơn ác mộng trở nên quá nghiêm trọng và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của trẻ, bố mẹ hãy tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ và hướng dẫn kịp thời.
Một điều quan trọng khác là qua câu chuyện ở trên, bố mẹ cần phải rút ra kinh nghiệm và bài học cho bản thân trên con đường nuôi dạy con cái. Nếu tuổi con còn khá nhỏ, bố mẹ nên sắp xếp công việc để ở bên cạnh con mỗi ngày, tạo cho con cảm giác được yêu thương, quan tâm và bảo vệ. Tuyệt đối tránh tình huống để con ở nhà một mình, khi những hiểu biết và kỹ năng tự bảo vệ bản thân của con còn chưa hoàn thiện.
Bởi điều này có thể khiến con rơi vào hoàn cảnh gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Vậy nên, là bố mẹ, hãy dành thời gian chất lượng cho con, để con được lớn lên trong môi trường gia đình có đầy đủ tình yêu thương, cho con cảm giác an toàn, ấm áp nhất. Có như vậy thì trẻ mới có thể tự tin trưởng thành và phát triển khoẻ mạnh.