Bé nhà tôi vẫn hay tè dầm, thậm chí ị đùn. Tôi thường mắng cháu nặng lời, thậm chí đánh đau để con nhớ, lần sau không như vậy nữa. Cháu có vẻ sợ, có lần tè dầm còn biết giấu giếm hoặc tỏ ra rất có lỗi nhưng lần sau vẫn không khắc phục được tật xấu. Tôi nên làm thế nào với con đây? (Hải Miên)
Trả lời:
Chào bạn,
Để con biết tự đi vệ sinh, bạn không nên so sánh con với các bạn khác vì mỗi em bé có lịch trình phát triển riêng, không bé nào giống nhau và không có tiêu chuẩn khi nào bé biết tự đi vệ sinh. Bạn sử dụng các biện pháp để con đi vệ sinh đúng cách như mắng con nặng lời, thậm chí đánh đau để con nhớ sẽ không hiệu quả. Với hình phạt này của bạn, lần đầu có thể bé sẽ nhớ để thực hiện được đúng như mong đợi của mẹ, song về lâu dài thì không giúp con khắc phục "tật xấu".
Việc bạn đang làm với con chỉ mang tính nhất thời điều chỉnh hành vi của bé chứ không khắc phục được tận gốc vấn đề. Việc quan trọng bây giờ là bạn cần dạy con dần dần, từng bước để bé có thói quen đi vệ sinh tự giác.
Ảnh minh họa: Pottytrainingconcepts.com. |
Bạn hướng dẫn con từng bước, trong vài tuần, vài tháng với nguyên tắc chính là không ép buộc mà phải khuyến khích bé. Hướng dẫn bé những cách đi vệ sinh hoặc cách ngồi bô, chỉ cho bé cách ngồi và giải thích cách làm thế nào. Trẻ sẽ học bằng cách quan sát hành động của người lớn và làm theo.
Trong trường hợp trẻ thất bại, bạn không nên trách mắng bé. Hãy an ủi và động viên bé vượt qua vấn đề khó khăn này. Sự chê cười của người lớn sẽ làm bé xấu hổ và không dám thổ lộ vấn đề này với người lớn. Bạn cần có sự tôn trọng con, tôn trọng cơ thể của con, giúp con học ngôn ngữ, giúp con học về cơ thể mình, học trật tự của công việc. Khi bé biết trật tự những việc cần làm vì đã được hướng dẫn cẩn thận hết ngày này sang ngày khác, bé sẽ hình thành thói quen cho mình.
Bạn hãy cho bé xem bố mẹ đi vệ sinh vì việc học phải bắt đầu từ quan sát người khác làm rồi bắt chước. Đi vệ sinh là bản năng, nên bạn không phải xấu hổ khi bé nhìn bạn làm việc đó. Bạn chuẩn bị chỗ đi vệ sinh cho bé, tốt nhất là nên dùng một cái bô trong nhà vệ sinh nếu đủ rộng và đảm bảo luôn khô ráo, an toàn cho bé. Nếu không thì bạn để những vật này cạnh nhà vệ sinh, như thế bé sẽ học được trật tự phòng vệ sinh là để đi vệ sinh. Bạn đừng di chuyển bô của bé khắp nhà vì bé sẽ không hiểu được trật tự và không biết nên đi vệ sinh ở đâu.
Bạn nên cho bé ngồi bô trước khi đi ngủ và khi ngủ dậy, trước và sau mỗi bữa ăn, trước khi ra ngoài và khi về đến nhà. Thường bé luôn tè khi ngủ dậy và chỉ cần một lần bé tè ra bô bé sẽ hiểu bô là chỗ để đi tè và khi tè có cảm giác như thế. Bạn để ý để nhận biết khi con sắp đi vệ sinh thông qua nét mặt, ngôn ngữ cơ thể và cho bé ra ngồi bô, dần dần bé sẽ hiểu cơ thể mình để kiểm soát hành động theo ý bé.
Ngôn ngữ cũng rất quan trọng khi giúp bé học tự đi vệ sinh. Bạn hãy gọi đúng từ của mọi hành động để bé biết chính xác đó là gì, để bé biết miêu tả chính xác sau này. Khi bé tè dầm, bạn chỉ cần nhắc: "Con vừa tè ra quần rồi. Lần sau khi cần đi tè con vào nhà vệ sinh, ngồi bô nhé". Nếu bé biết đi đúng lúc, khuyến khích bé: "Con biết tự đi vệ sinh rồi đấy. Con lớn rồi có khác".
Khi thay quần áo con tè hay ị bạn đừng nhận xét, đừng phàn nàn, đừng làm bộ kinh quá, thối quá, bịt mũi vì như thế bạn sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân của bé, cách bé nghĩ về mình. Đừng để bất cứ ai lêu lêu con mình khi bé quên và tè dầm. Danh dự của bé cần phải được tôn trọng, đừng tạo áp lực với bé: "Lớn thế mà còn tè dầm".
Khả năng tự lập và biết cách chủ động với việc tiểu, tiện là một phần quan trọng trong cuộc sống của bé. Bạn nên giúp bé phát huy tính tự lập từ lúc 2 đến 3 tuổi, không nên để trẻ lệ thuộc vào bố mẹ quá nhiều. Làm như vậy khi lớn bé sẽ cảm thấy bỡ ngỡ và không tự tin trong cuộc sống và điều này sẽ ảnh hưởng tới việc hình thành nhân cách của bé. Cho dù thế nào đi nữa, hãy luôn kiên nhẫn với con. Học cách tự đi vệ sinh sẽ mất thời gian và bố mẹ chỉ có thể trợ giúp bé học theo tiến độ của mình chứ không thể làm thay con. Hãy giúp bé tự làm việc cần làm trong thời gian bé cần để bé luôn tự tin.
Chúc bạn thành công !
Thạc sĩ Tâm lý học Tạ Thị Thu Huế
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC