Thu Thủy nhớ như in hình ảnh mẹ và các anh chị em cùng lau lá dong, lá chuối sạch bóng để bánh xanh mướt cho năm mới an bình. Bởi vậy, chị muốn để con trai tự tay làm khâu quan trọng này. Đức Thành năm nay đã lên 4 tuổi, đủ khéo léo và tháo vát để phụ mẹ những công việc nhỏ thế này.
Mẹ Thủy dặn con, muốn bánh chưng được ngon, phải chỉn chu từ khâu chọn lá. Lá dong không được quá non hoặc quá già, đặc biệt phải tươi thì bánh mới xanh mướt. Lá mua về phải được rửa sạch từng chiếc một qua nhiều nước, dùng khăn sạch lau từng chiếc lá. Vừa chỉ dẫn Thành cách lau lá không bị dập gãy, mẹ Thủy vừa kể cho con trai nghe về sự tích bánh chưng bánh giày ngày Tết của hoàng tử Lang Liêu. Bánh giày hình tròn tượng trưng cho trời, bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất và đều được làm từ hạt gạo nếp quý giá của người Việt.
Thu Thủy dạy con cách lau lá dong nhẹ nhàng để không dập gãy. |
Chọn nếp và đậu xanh là bước quan trọng thứ hai để có bánh chưng ngon. Cẩn thận dạy con cách ngâm nếp vào nước, mẹ Thủy còn hướng dẫn cách để ráo và xóc một ít muối cho thêm phần đậm đà. Nhân bánh ngoài đậu xanh còn có thịt ba chỉ cả nạc lẫn mỡ. Theo cách giải thích gần gũi của mẹ Thủy, lớp mỡ không chỉ giúp bánh béo ngậy mà còn tượng trưng cho sự khỏe mạnh của gia chủ, nạc đỏ hồng mang nhiều niềm vui cho năm mới. Thịt heo được thái miếng to đều, ướp gia vị vừa đủ, rắc ít hạt tiêu để thêm vị cay nhẹ khi bánh chín. Đặc trưng của bánh chưng ngon là vị mằn mặn của nếp, vị bùi của đậu xanh và vị béo thơm của thịt.
Thành tự tay làm bánh chưng dưới sự hướng dẫn của mẹ. |
Khâu nguyên liệu chuẩn bị xong, mẹ Thủy và Thành bắt tay vào gói bánh. Thay vì gói bằng khuôn, Thu Thủy quyết định dạy con gói bằng tay như cách ông bà ngày xưa đã dạy. Mẹ Thủy bật mí rằng, bánh gói bằng tay không cần phải cắt triệt lá nên lớp lá bên ngoài dày hơn, nhờ vậy bánh sẽ được bảo quản lâu hơn. Mặc dù còn vụng về nhưng Thành vẫn háo hức được tự tay chia nhân, chia nếp dưới sự hướng dẫn của mẹ. Chiếc bánh đầu tiên chưa được vuông vức, lạt buộc vẫn còn lỏng lẻo nhưng Thành lấy làm thích thú, bởi cậu bé được mẹ tin tưởng cho làm phụ tá đắc lực.
Không những học gói bánh chưng nhanh, Thành còn tuân thủ triệt để nguyên tắc giữ vệ sinh khi nấu nướng của mẹ. Trước khi lau lá dong, gói bánh hay sau khi hoàn thành, cậu bé đều kéo tay mẹ đến bồn rửa tay, yêu cầu mẹ cùng rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn . Cậu bé giải thích, vì tay nấu ăn cho cả nhà nên phải giữ sạch sẽ thì thức ăn mới ngon miệng.
rửa tay với xà phòng diệt khuẩn là thói quen của Thành trước khi cùng mẹ nấu ăn. |
Khen ngợi con trai, chị Thủy cho rằng trẻ có thể chưa hiểu hết ý nghĩa của việc gói bánh chưng ngày Tết hay những bí quyết nấu bánh ngon của mẹ. Tuy nhiên, Thu Thủy tin rằng nên cho con trải nghiệm những sinh hoạt ngày Tết càng sớm càng tốt. Đây là cách tốt nhất để gieo vào lòng trẻ những cảm nhận sâu sắc về nét đẹp ngày Tết và sự gắn bó với mọ người xung quanh.
An San