Khoảng vài tháng gần đây, bé Na bỗng trở nên ương ngạnh, khó chiều, không chịu nghe lời bố mẹ… khiến vợ chồng tôi vô cùng đau đầu. Có những lúc đỉnh điểm, khi không được làm theo đúng ý, bé còn ném đồ chơi vào mặt mẹ, khóc lóc ăn vạ, hất đổ thức ăn...
Thời gian đầu, mỗi khi bé có hành động không đúng, tôi đều cố gắng nhẹ nhàng giải thích lý do vì sao con không nên làm như thế, việc làm này của con sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng như thế nào… Nhưng có vẻ như mọi cố gắng giải thích của tôi đều không có tác dụng. Bé vẫn tiếp tục không nghe lời và làm theo ý mình.
Có lần, phần vì vừa đi làm về mệt mỏi, phần vì đã nhắc nhở nhiều lần rồi mà bé vẫn không nghe lời, tôi mới to tiếng la mắng, thậm chí dùng biện pháp mạnh hơn là tét vào mông để cho con nhớ. Hôm đó, bé Na khóc rất nhiều, bỏ ăn, và buổi tối, khi tôi cố gắng lại gần để dỗ con ngủ thì bé đẩy tôi ra, không nhìn mặt mẹ.
Sau nhiều cố gắng dạy bảo cô con gái 4 tuổi rưỡi không thành, tâm sự với cô bạn thân thời đại học, tôi được mách cho một số mẹo khá hay và đơn giản. Về áp dụng thử, tôi bất ngờ khi thấy con đã bắt đầu có những bước thay đổi đáng kể.
Con ương ngạnh, khó chiều khiến cha mẹ thực sự đau đầu (Ảnh minh họa).
Thay vì giải thích, hãy hỏi bé nguyên nhân
Có dạo, bé Na rất lười đánh răng. Dù dỗ ngon ngọt, treo thưởng, hay tỏ ra nghiêm khắc, thậm chí dọa rằng: “Nếu Na không chịu đánh răng, Na sẽ bị sâu đục thủng răng, rồi Na sẽ phải đi tiêm rất đau”, “Nếu Na không chịu đánh răng, miệng Na sẽ hôi lắm, rồi chẳng ai muốn đến gần Na nữa đâu”… nhưng chỉ được vài bữa rồi đâu lại vào đấy.
Cuối cùng, khi ngồi nói chuyện và hỏi vì sao con không thích đánh răng, bé mới cho tôi biết rằng bé không thích mùi dâu của kem đánh răng. Ngay hôm sau, tôi đưa bé đi chọn đúng loại hương táo mà bé thích. Từ đó, bé Na rất chăm chỉ, và thậm chí còn chủ động gọi mẹ đưa đi đánh răng vào buổi tối.
Hay như mùa đông vừa rồi, Hà Nội có đợt trời rất rét, nhưng bé Na nằng nặc không chịu mặc quần dài mà chỉ thích mặc váy. Khi biết lý do là vì con muốn khoe ra cho mọi người thấy đôi giày màu đỏ mới mua, tôi đã lên gấu quần cho bé, vừa đủ để không bị che mất giày mà con vẫn được ấm áp.
Có những hình phạt tích cực
Sau một vài trận bị bố đánh vì không nghe lời, bé Na có lần đã cầm cây roi đánh vào tay bố khi bố đang ngồi làm việc, không chịu ra chơi với mình. Từ đó, vợ chồng tôi hầu như không áp dụng hình phạt này với con nữa.
Thay vào đó, tôi phạt bé đứng một góc để suy nghĩ về những hành động của mình, hoặc lấy đi những “đặc quyền” của con.
Chẳng hạn như, có lần Na ném đồ chơi lung tung, bẻ gãy đồ chơi… tôi yêu cầu con đứng quay mặt vào góc tường trong 5 phút và không được chơi đồ chơi trong suốt buổi sáng hôm đó. Hoặc một lần khác, tôi phạt không cho Na xem chương trình ti vi mà con yêu thích trong vòng 2 tiếng, để từ đó con hiểu được rằng, nếu mình làm sai, mình sẽ bị lấy đi mất một số thứ mà mình yêu thích.
Phớt lờ khi bé quấy khóc
Tôi nhận ra rằng, khi một đứa trẻ đang ăn vạ bằng cách khóc lóc, la hét, cào cấu đầu tóc bản thân, nếu người lớn tỏ ra hoảng hốt, lo lắng, dỗ dành… thì đứa trẻ sẽ càng khóc to hơn, và lần sau lại tiếp tục sử dụng lại “chiêu bài” ăn vạ đó.
Bởi vậy, mỗi khi bé Na khóc nhè vì không được chiều ý, tôi đơn giản chỉ cần tỏ ra không quan tâm và quay lưng đi xem ti vi, đọc báo, làm việc nhà… là một lúc sau, thái độ của con sẽ tự động thay đổi.
Phương pháp này hiệu quả hơn rất nhiều so với việc ngồi kể những câu chuyện về kỹ năng sống hay cách giải quyết vấn đề mà có lẽ ở độ tuổi này các con vẫn chưa thể hiểu hết được.