Theo số liệu thống kê của cơ quan công an, mỗi năm có khoảng 1.500 trẻ em bị xâm hại, trong đó 80% trong số này bị xâm hại tình dục. Trong năm 2014, số vụ liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em tăng 6,3% so với năm 2013. Đáng lo ngại là khả năng các em quen biết kẻ xâm hại là 93% và có 47% kẻ xâm hại ở trong gia đình hoặc họ hàng.
Đâu là nguyên nhân?
Thực trạng trên cho thấy ý thức bảo vệ trẻ em trước sự xâm hại tình dục tại gia đình, nhà trường và cộng đồng còn rất kém, trẻ không biết cách tự bảo vệ bản thân, thường bị động khi rơi vào hoàn cảnh đó.
Với đặc thù văn hóa Á Đông, người Việt Nam thường ngại đề cập trực tiếp những vấn đề liên quan đến tình dục và hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản nói chung, sức khỏe tình dục nói riêng. Hầu hết các ông bố, bà mẹ đều né tránh việc giáo dục giới tính cho con một cách khoa học, thay vào đó là sự đe dọa và làm nghiêm trọng hóa vấn đề. Điều đó dẫn đến kết quả lợi bất cập hại hoặc trẻ trở nên lo lắng quá mức, có thể cự tuyệt việc tiếp cận mọi thông tin có liên quan đến vấn đề tính dục hoặc sẽ tò mò muốn khám phá bằng mọi cách như một phương thức phản kháng và chống đối lại sự áp đặt của người lớn. Tất cả xu hướng trên đều là cơ sở dẫn đến khả năng trẻ dễ bị xâm hại tình dục một cách chủ động hoặc thụ động.
Thêm vào đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, những rạn vỡ trong gia đình và sự xói mòn giá trị truyền thống dẫn đến số trẻ em bị bỏ rơi, bị lạm dụng và bóc lột ngày càng tăng. Thực tế cho thấy trẻ bị xâm hại thường xảy ra nhiều ở các địa bàn có nhiều dân nhập cư, phòng cho thuê...
Ngoài ra, nhận thức, trách nhiệm và năng lực bảo vệ, chăm sóc trẻ em của các cấp chính quyền còn thiếu hụt; lực lượng cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em không ổn định, yếu chuyên môn nghiệp vụ, thiếu kinh nghiệm.
Tự bảo vệ chính mình
Để có thể giải quyết triệt để vấn nạn trên, cả cộng đồng nên có những chương trình hành động mang tính thiết thực hướng đến việc cung cấp thông tin và dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ mình trước sự xâm hại của những người xung quanh.
Một trong những hướng đi tích cực và hiệu quả nhất hiện nay là các trường tiểu học nên bắt đầu triển khai các lớp dạy kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh, nhất là các em khối lớp 4 và 5. Đây là giai đoạn các em có những biểu hiện của tuổi dậy thì, bắt đầu có sự quan tâm nhiều hơn về vấn đề giới tính và tính dục. Việc dạy kỹ năng cho trẻ ở độ tuổi này chỉ cần giúp trẻ biết phân biệt đâu là những va chạm an toàn và không an toàn, vùng cơ thể riêng tư mà trẻ cần biết tự bảo vệ, cách thức nhận diện kẻ có ý đồ xâm hại trẻ, cách giúp trẻ đối phó và tự bảo vệ mình…
Gần đây, chương trình giáo dục “Kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ” cho học sinh khối lớp 4 và 5 ở các trường tiểu học trên địa bàn TP HCM và Hà Nội đã được TS Lê Thị Linh Trang (Học viện Cán bộ TP HCM) cùng các giảng viên trẻ ở nhiều trường đại học triển khai thực hiện, bước đầu có được những tín hiệu tích cực.
Ở các lớp này, học sinh được tham gia trò chơi tương tác, xem một đoạn phim ngắn hướng dẫn cách thức phòng chống sự xâm hại tình dục. Sau đó, giáo viên sẽ trao đổi giúp học sinh ghi nhớ cách thức tự bảo vệ mình trước sự xâm hại của kẻ xấu. Sau những buổi học, các em đã biết người bảo vệ tốt nhất cho mình trước sự xâm hại chính là bản thân các em. Thậm chí, có học sinh (lớp 5 Trường Tiểu học Tân Tiến, Củ Chi, TP HCM) tâm sự: “Cô ơi, từ trước tới giờ con cứ tưởng tất cả người thân xung quanh mình đều tốt, giờ thì con sẽ cảnh giác hơn”.
TS Linh Trang cho biết: “Kỹ năng tự bảo vệ ở trẻ là một trong những nhóm kỹ năng rất quan trọng, tuy nhiên, các lớp dạy kỹ năng này chưa được triển khai ở các trường học. Chương trình giáo dục “Kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em” mang tính thiện nguyện, chúng tôi sẵn lòng lên đường nếu các trường có yêu cầu bởi điều mong mỏi của những người làm chương trình là được góp phần hành động để bảo đảm mọi trẻ em đều được an toàn”.