Đây là chia sẻ của Laura St John, một bà mẹ Mỹ 3 con, một nhà báo tự do, đồng thời cũng là người quản lý một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục trẻ trên trang parentables.howstuffworks.com.
Đừng dán nhãn tiêu cực cho trẻ nếu muốn con tự tin - Ảnh: anationofmoms.com |
Nếu bạn muốn con trở thành đứa trẻ mạnh mẽ, tự tin, hãy thận trọng với các nhận xét về bé. Phần lớn chúng ta tự nhiên dán nhãn cho trẻ theo nhiều cách khác nhau: “bé thông minh lắm”, “bé thật nhút nhát”, “bé rất hiếu động”… Đặc biệt, người ta thường dễ gán ghép cho trẻ những đặc điểm tiêu cực hơn là tích cực. Trước khi sinh con, tôi từng chăm sóc hàng trăm trẻ mầm non và tôi rất sốc khi thấy các bậc phụ huynh ngang nhiên dán nhãn cho những đứa con của mình. Tôi nghĩ sẽ không bao giờ làm điều đó.
Những đứa trẻ sẽ phải làm thế nào để thay đổi đặc điểm mà người lớn đã gán cho chúng? Hiện tại, tôi có 3 đứa con rất khác nhau, và tôi biết rất khó khăn để không dán nhãn cho các bé. Tôi đã nhiều lần phải cắn lưỡi mình để tránh việc thốt ra những lời so sánh bọn trẻ với nhau. Và tôi đang sử dụng một chiến lược khá hiệu quả mà cha mẹ tôi đã áp dụng cho các chị em của mình.
Trở lại những năm 1970, cha mẹ tôi có một quyết định thú vị là sinh liền ba cô con gái trong vòng 3 năm. Khỏi cần phải nói, chúng tôi nhận được rất nhiều lời nhận xét mỗi khi đi đến đâu. “Ôi hãy nhìn những cô bé kìa”, mọi người thốt lên sau đó rồi họ bắt đầu hỏi: “Con bé này có vẻ nhút nhát nhỉ”, họ chỉ vào tôi và tiếp đó là: “Nuôi con bé này có vẻ vất vả nhỉ”.
Tuy nhiên, bố mẹ tôi luôn luôn đáp lại rằng: “Cả ba đứa đều ngoan, sáng tạo và thông minh. Chúng tôi thật may mắn”. Bố mẹ tôi đã “đánh lừa” chúng tôi và điều đó đã phát huy hiệu quả. Chị em tôi luôn cố gắng làm sao để bố mẹ mình đúng là những người may mắn như họ nghĩ. Tôi dám chắc rằng, chị em tôi ngày nay có thể trở thành những phụ nữ thành đạt, tự tin, mạnh mẽ chính là nhờ cái nhãn tích cực mà bố mẹ đã dán cho mình thời thơ ấu.
Để con trẻ tự tin, cha mẹ cần lưu ý:
Hãy để cho bé tình cờ nghe thấy những nhận xét tích cực của bạn
Được nghe lỏm những lời nhận xét tích cực về mình của cha mẹ sẽ giúp đứa trẻ mạnh mẽ hơn là được nghe trực tiếp. Bởi vì bằng cách này, đứa trẻ cảm thấy mình được cha mẹ tin tưởng hơn.
Xóa "nhút nhát" ra khỏi từ điển của bạn
Bạn càng phải chú ý nhiều hơn mỗi khi miêu tả bé bằng những từ có thể gây ra cả kết quả theo cách tiêu cực và tích cực, chẳng hạn “nhút nhát”. Khi tôi còn làm giáo viên, các phụ huynh trong buổi đầu đưa con đến lớp thường nói: “ bé nhút nhát lắm” và đứa trẻ sẽ được thể bám đu vào người bố mẹ, cúi đầu xuống và trở nên cực kỳ kém tự tin. Tất nhiên, sẽ có một số dè dặt hơn những đứa trẻ khác nhưng gán cho trẻ đặc tính này sẽ chỉ làm nó thêm thu mình vào trong vỏ ốc và càng khó khăn hơn để phá bỏ sự nhút nhát.
Giúp bé phá vỡ lớp băng trong môi trường mới
Nếu con bạn không thoải mái với những người mới hoặc môi trường mới, hãy cho bé cơ hội thoát ra khỏi vỏ ốc của mình bằng cách khuyến khích bé vượt qua những dè dặt lo lắng. Khi đi cùng bé đến một địa điểm mới, ví dụ công viên, hãy động viên bé nói chuyện với các bạn cùng lứa tuổi và những người lớn khác về những điều cụ thể mà bạn biết là bé rất hào hứng, ví dụ anh chị em của bé, các kỳ nghỉ, món đồ chơi hay hoạt động mà bé rất thích... Sau đó, vào buổi tối, bạn có thể bồi đắp sự tự tin của con bằng cách kể với người bạn đời hay người bạn thân: “Hôm nay, lúc chơi ở công viên, con bé đã thể hiện bản thân thật tuyệt. Bé đã kể với mẹ của một bạn về con chó mới của nhà mình. Em rất tự hào về cách con đã nói với cô ấy”.
Hãy chú ý cả đến những đứa trẻ khác
Hiện tại, tôi phải đối đầu với việc con trai hai tuổi được khen ngợi nhiều quá, ở bất cứ nơi nào chúng tôi đi qua. Những người lạ luôn luôn trầm trồ: “Ôi cậu bé đáng yêu quá”. Và tôi luôn phải chắc chắn rằng anh của bé cũng cảm thấy thoải mái bằng cách nói: “Vâng, cảm ơn anh chị. Cả ba cậu con trai của tôi đều dễ thương, thông minh và tất cả đều ngoan. Chúng tôi thật may mắn phải không?”.
Và tôi biết, cũng như bố mẹ tôi, tôi đang củng cố sự tự tin cho các con mình.
Kim Kim (Theo Parentables)