Ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện Mắt Trung ương sáng 23/6, số bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám tuy không chiếm số đông, nhưng cũng bắt đầu có sự gia tăng so với những tháng trước. Một bác sĩ khoa Khám bệnh cho biết: “Do truyền thông tốt, nên người dân nhận thức được việc đau mắt đỏ hoàn toàn có thể chữa khỏi ở tuyến dưới, có lẽ vậy nên người bệnh không còn đổ xô lên bệnh viện trung ương như những năm trước”.
Còn tại bệnh viện tuyến dưới, ghi nhận tại Bệnh viện Mắt Hà Đông, trong tháng 6 số lượng bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám tại bệnh viện gia tăng, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 15-20 bệnh nhân đến khám tại bệnh viện.
Để đáp ứng công tác khám chữa bệnh trong trường hợp dịch bệnh đau mắt đỏ bùng phát, TS.BS Nguyễn Thu Hương, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Đông cho biết, bệnh viện đã dự trù cơ số thuốc, phương tiện, thiết bị phục vụ tốt cho công tác khám và điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh về mắt nói chung và bệnh đau mắt đỏ nói riêng.
Bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương.
Đặc biệt, nhằm chủ động phòng bệnh đau mắt đỏ tại cộng đồng, bệnh viện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm được nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ và chủ động trang bị cho mình những kiến thức, biện pháp phòng chống không để nhiễm bệnh hay lây bệnh đau mắt đỏ ra cộng đồng.
TS.BS Nguyễn Thu Hương nhấn mạnh: “Nếu như mỗi người dân đều có ý thức chủ động phòng bệnh cho mình thì dịch bệnh đau mắt đỏ không có cơ hội bùng phát và tỷ lệ đau mắt đỏ giảm xuống rất nhiều”.
Bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp xảy ra do nhiễm vi rút, vi khuẩn hoặc môi trường nhiều khói bụi, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, hay dùng chung các vật dụng với người bệnh đau mắt đỏ như khăn mặt, gối… cũng là điều kiện thuận lợi cho dịch đau mắt đỏ bùng phát. Bệnh thường gặp vào mùa hè nắng nóng, hay thời tiết chuyển mùa, độ ẩm không khí cao…đỉnh điểm của bệnh là từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm.
Liên quan đến căn bệnh này, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.
Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/ nghỉ làm để tránh lây nhiễm người xung quanh và lây lan cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.