Tan học sớm con "dài cổ" ngóng cha mẹ đón
Chị Nguyễn Lan Anh (phố Hàm Nghi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Vợ chồng tôi vô cùng vui mừng khi con đi học trở lại sau kỳ nghỉ dịch COVID-19 dài ngày. Bởi trước đó, chúng tôi cứ phải thay nhau nghỉ ở nhà trông con. Nếu không nghỉ được thì phải đưa con sang nhà chị gái cách đó 5km nhờ trông hộ. Nhưng đến khi con gái được đi học trở lại thì lại xuất hiện những bất tiện khác.
Cứ 16h con đã tan học trong khi cả hai vợ chồng tôi đều là công chức nhà nước, nhà không có ai phụ giúp nên lại thay phiên nhau về sớm đón con. Nhưng cũng nhiều hôm cả hai đều không nghỉ sớm được phải đón con muộn".
Khi nhìn bạn bè lần lượt được ba mẹ đón về, trẻ sẽ lâm vào trạng thái lo lắng, bất an, sợ bị bỏ rơi. Ảnh minh họa.
Hôm đó, tôi đến đón con gái khi đã 17h40. Đó là sau khi hết giờ tôi đã phải lao như bay, tắc đường thì leo lên vỉa hè luồn lách để làm sao đến được trường con sớm nhất. Tuy vậy, cũng phải mất 40 phút, tôi mới vượt được 7km để đến trường con.
Khi tôi đến trường, vẫn còn khoảng 5-7 học sinh chưa có người đến đón. Con gái thấy mẹ mừng rỡ chạy đến với khuôn mặt nhòe nhoẹt nước mắt.
Con gái nhìn tôi mắt rưng rưng đề nghị: "Mẹ ơi, tối nay mẹ làm cho con một chiếc chìa khóa để con đeo vào cổ. Khi tan học, mẹ nói chú grab đón con về nhà, con tự ở nhà một mình cũng được mẹ nhé!
Các bạn lớp con về nhà hết rồi, chỉ mình con ở ngoài sân trường vừa nóng, vừa buồn, vừa sợ nữa".
Trẻ dễ hình thành tâm lý sợ hãi khi liên tục chịu cảnh đón muộn.
Nhìn con gái mới học lớp 1 nhỏ thó, yếu ớt, người chưa đến 20kg làm sao tôi dám giao con cho người lạ, lòng cũng quặn thắt khi nghĩ con phải ở ngoài trời nóng suốt gần 2 tiếng đồng hồ. Tim tôi như bị ai siết chặt, siết đến nghẹn thở bởi tôi không thể sắp xếp đến đón con sớm hơn. Tôi thấy sự phi lý trong giờ tan học, tại sao lại có giờ tan học đó trong khi cha mẹ chúng vẫn phải đi làm.
Không chỉ riêng chị Lan Anh, rất nhiều phụ huynh khác có con nhỏ đi học khi trường chưa tổ chức trông coi cuối buổi cũng có chung tâm trạng. Bà Tạ Bích Liên (khu tập thể Văn công Nhà máy in tiền, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) cho biết: "Cháu tôi học lớp 2, 16h15 đã tan học. Con gái, con rể không về giờ đó đón được nên nhờ mẹ nhưng ông nhà tôi đang ốm nặng nên tôi đi rất bất an. Để cháu chịu nắng ở sân trường thì không yên tâm".
Theo bà Liên, khi tan học, thường các cô giáo chỉ lưu lại lớp khoảng 15-20 phút để trả học sinh. Sau đó, các bác tạp vụ sẽ đề nghị các cháu ra khỏi lớp để dọn dẹp và đóng cửa lớp.
Chờ đợi quá lâu sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của trẻ
Theo các nghiên cứu khoa học đã được công bố, trẻ mầm non thường xuyên bị cha mẹ đến đón trễ sẽ hình thành tâm lý bất an. Từ đó trở nên bi quan, luôn ở trong trạng thái sợ sệt khi gặp những chuyện không bình thường.
ThS. Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Thu Hương, Trung tâm tư vấn Tâm lý và Sức khỏe Minh Hương cho biết: "Quả thực việc học sinh tan quá sớm sau kỳ nghỉ dịch COVID-19 kéo dài đang gây nhiều phiền toàn cho phụ huynh. Bởi không ai được nghỉ việc vào giờ đó để đón con. Tuy nhiên, đứng về phía học sinh mà nói thì việc chờ đợi quá lâu sẽ ảnh hưởng không tốt đến cả sức khỏe và tâm lý của trẻ.
Ảnh hưởng đến sức khỏe là do tan học thời điểm đó quá sớm thời tiết vẫn rất nắng nóng, học sinh lại phải chờ đợi lâu trong môi trường ngoài trời không có thiết bị làm mát dễ dẫn đến sốc nhiệt. Về tâm lý, thì việc liên tục phải chờ đợi lâu trẻ dễ bị rối loạn lo âu, rối loạn hoảng sợ. Lâu dẫn sẽ khiến trẻ lâm vào trạng thái phiền muộn, tủi thân và trầm cảm. Trong các cuộc tiếp xúc dễ nhún nhường người khác, dễ dàng tức giận, trách móc và không dễ dàng tin tưởng người khác nữa.
Hơn nữa, mỗi khi phải ở một mình, làm việc một mình, những người có tiềm thức bất an sẽ luôn luôn thấp thỏm, sợ hãi những điều hoang đường. Cảm giác lo lắng, sợ hãi vô cớ là điều không ai muốn. Vì thế, đừng biến thiên thần nhỏ của bạn trở thành người bi quan chỉ vì không thể sắp xếp đến đón con sớm hơn một chút".
Trên các trang mạng xã hội, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ lo lắng do vấn đề công việc nên không thể tới đúng giờ đón con. Các em phải chờ đợi vạ vật ở sân trường, cổng trường chờ cha mẹ đón giữa các nắng oi bức.
Trước thực trạng này, không ít phụ huynh bày tỏ sự mong mỏi, ngành giáo dục và các trường hãy căn cứ vào thực tế để có biện pháp tốt nhất hỗ trợ cho phụ huynh cũng như giúp các con thoát khỏi cảnh tan học quá sớm chịu cảnh nóng bức trong sân trường. Sự quan tâm đó sẽ vừa đảm đảm bảo sức khỏe lại đảm bảo an toàn cho các học sinh thay vì để trẻ đứng, ngồi vạ vật ở sân trường không có thiết bị làm mát cơ thể giữa cái nắng đổ lửa của Hà Nội.
Nguồn: http://giadinh.net.vn/giao-duc/den-truong-don-con-muon-me-ua-nuoc-mat-khi-nghe-loi-de-n...Nguồn: http://giadinh.net.vn/giao-duc/den-truong-don-con-muon-me-ua-nuoc-mat-khi-nghe-loi-de-nghi-cua-con-gai-20200526183014529.htm