Đọc được bài tâm sự Sửng sốt phát hiện cách mẹ chồng ru cháu ngủ, em vừa thích thú, vừa buồn cười trước giọng văn có phần rất “trinh thám” của người viết. Nghĩ lại, em cũng vô cùng may mắn vì có được mẹ chồng khéo léo, tâm lý và rất hiểu con dâu y như của chị. Tuy nhiên, mẹ chồng em lại là người Trung Quốc. Đột nhiên, em lại cảm thấy rất muốn chia sẻ câu chuyện của bản thân, cũng là để “khoe” mẹ chồng của mình.
Em tốt nghiệp đại học khoa Tiếng Trung, sau đó rất may mắn được vào làm phiên dịch cho một công ty Trung Quốc ở Việt Nam. Tại đây, em đã quen anh, đồng thời cũng là sếp của em. Anh là người Bắc Kinh, được công ty cử sang đây để làm đại diện cho chi nhánh tại Việt Nam. Mối tình văn phòng kéo dài được hơn 3 năm thì anh nhận thông báo phải quay về Trung Quốc. Cũng chính tại thời điểm “chia ly” này, anh đã có một quyết định vô cùng bất ngờ, đó là…cầu hôn em.
Ban đầu, bố mẹ đẻ em rất không đồng ý vì tuy cũng quí mến anh nhưng ông bà không muốn con gái lấy chồng xa. Thêm vào đó, do xem rất nhiều những bộ phim truyền hình Trung Quốc, mẹ em còn cho rằng mẹ chồng Trung Quốc hẳn sẽ vô cùng khó tính, khắt khe. Mẹ sợ em không quen được với nề nếp, lễ giáo khi về làm dâu. Tuy nhiên, vì tình yêu với anh, cuối cùng, bố mẹ em vẫn chấp thuận cho chúng em làm đám cưới.
Sau khi tổ chức hôn lễ, em cùng chồng quay về Bắc Kinh sống với gia đình chồng. Cũng trong thời gian này, em đã mang thai và cuối năm hạ sinh được một tiểu công chúa vô cùng đáng yêu. Từ ngày có Bảo Bảo, mối quan hệ giữa mẹ chồng người Trung và em ngày càng khăng khít. Mẹ chồng em không hề như những gì em vẫn tưởng tượng. Bà rất yêu thương hai mẹ con em, chăm sóc em và con cẩn thận, cũng không hề có chuyện phân biệt cháu trai cháu gái. Tuy nhiên, điều khiến em ấn tượng nhất ở mẹ, đó là những bài thuốc tăng cường sức khỏe, trị ho cho trẻ bằng trái cây hấp rất độc đáo của bà. Nhờ những món trái cây hấp này mà Bảo Bảo nhà em đã 3 tuổi nhưng rất hiếm khi bị ho, viêm họng hay rối loạn tiêu hóa. Em xin mách chị em những công thức trái cây hấp rất hay của mẹ chồng em
Cam hấp muối
Những khi Bảo Bảo bị ho, mẹ chồng em thường hay lấy cam hấp với một chút muối và cho Bảo Bảo nhấm nháp cả vỏ cả ruột. Theo mẹ chồng kể cho em, đây là phương pháp dân gian nhưng cũng vô cùng khoa học. Trong vỏ cam có hai chất: noscapine và dầu vỏ cam giúp trị ho. Hai thành phần này sẽ tiết ra khi vỏ cam được hấp chín. Vì vậy, nếu Bảo Bảo ho nhẹ, em chỉ cần cho con ăn ít cam hấp muối của bà nội là 2,3 hôm sau con sẽ hết ho luôn.
Cách làm cam hấp muối:
Mẹ chọn cam tươi màu vàng, rửa và ngâm nước muối thật sạch. Dùng dao sắc cắt một phần chóp cam rồi bỏ muối vào. Dùng đũa nhọn trộn đều cao với muối Cho cam vào một cái bát sứ hấp cách thủy trong 15 phút. Khi cam chín, mẹ cho con ăn xơ tép bên trong, vỏ cam và uống nước cam muối đó.
Bưởi hấp
Bưởi chín vào mùa thu, có rất nhiều vitamin C, canxi và các vi chất thiết yếu khác. Tuy nhiên, theo mẹ chồng em, chỉ ăn thịt bưởi mà bỏ vỏ thì vô cùng lãng phí. Cùi bưởi cũng có tác dụng rất tốt trong việc tiêu đờm, loại bỏ hôi miệng và chống táo bón cho Bảo Bảo. Ở cùi bưởi có chứa pectin - một loại chất xơ, tan trong nước, làm tăng độ nhớt của máu. Lượng pectin trong cùi bưởi rất phong phú và dễ hấp thụ vào cơ thể.
Cách chế biến của ẹm chồng em cũng vô cùng đơn giản:
Bưởi bóc vỏ, lấy phần cùi trắng rửa sạch, ngâm muối khoàng 1 tiếng. Sau khi ngâm, lấy vỏ bưởi ra cho vào nồi nước đun khoàng 10 phút đến khi cùi bưởi mềm và không còn vị đắng. Đun cùi bưởi với mật ong cho con nhấm nháp.
Táo hấp
Món táo hấp của mẹ chồng em không chỉ tốt cho những bé mới tập ăn dặm có thể ăn được táo cứng mà đồng thời ăn táo hấp còn giúp tránh cho Bảo Bảo bị tiêu chảy, giải độc và rối loạn tiêu hóa. Sau 4 tháng là Bảo Bảo đã có thể ăn táo hấp.
Các làm của mẹ chồng em như sau:
Táo rửa sạch, gọt vỏ và cắt thành từng miếng nhỏ. Cho táo vào trong bát, hấp cách thủy trong 5 phút. Đợi táo bớt nóng rồi cho con ăn ngay.
Tuy nhiên có một điều mẹ chồng em vẫn hay nhắc nhở: các mẹ nên lưu ý trái cây hấp chỉ có tác dụng hỗ trợ chứ không thể chữa bệnh. Chỉ nên dùng cho con với liều lượng vừa phải và vẫn cần sử dụng thuốc theo bác sỹ. Một số vitamin nhạy cảm với nhiệt, do đó cũng không nên hấp quá lâu, quá nóng để tránh bị thất thoát dinh dưỡng.
Theo chia sẻ của độc giả có địa chỉ mail vicky.......@..............