Trong hành trình nuôi dạy con khôn lớn, sự thấu hiểu chính là yếu tố quan trọng. Để làm được điều đó, bố mẹ cần dành thời gian cho con, lắng nghe và chia sẻ với con nhiều hơn. Nếu có thể trở thành bạn của con, đồng hành cùng con trên suốt chặng đường trưởng thành, thì vấn đề giáo dục trẻ sẽ dễ dàng hơn.
Thế giới của trẻ sẽ liên tục thay đổi theo từng độ tuổi, giai đoạn khác nhau. Chính vì vậy mà bố mẹ cần phải nhận thức đúng, để có thể “nắm bắt” tâm lý của trẻ. Khi bố mẹ biết trẻ đang nghĩ gì, muốn gì và làm gì, bố mẹ sẽ có thể giúp trẻ định hướng phát triển theo đúng nguyện vọng. Từ đó, trẻ được tự do để thỏa sức sáng tạo trong thế giới của riêng mình, mà không bị sự áp đặt của bố mẹ gò bó.
Các chuyên gia khuyên rằng, giáo dục tốt từ gia đình sẽ là môi trường lành mạnh để trẻ phát triển tối ưu. Vì vậy, đừng bỏ qua vấn đề nắm bắt những đặc điểm tâm lý này của trẻ.
Trẻ thích đồ chơi
Thực tế, hầu như trẻ em nào cũng thích đồ chơi. Ngoại trừ giá trị giải trí, thì đồ chơi còn là phương tiện giúp bố mẹ có thể giáo dục trẻ một cách sinh động và hiệu quả. Bởi vì thông qua đồ chơi, IQ và EQ của trẻ sẽ được kích hoạt để phát triển vượt trội. Các kỹ năng và tính cách tốt cũng sẽ được rèn luyện như giải quyết vấn đề, độc lập, sáng tạo,... thông qua các hành vi trong lúc trẻ tổ chức những hoạt động vui chơi.
Ngoài ra, thể lực của trẻ cũng được cải thiện từ các trải nghiệm với đồ chơi. Khi trẻ vận động tay, chân càng nhiều thì điều này sẽ giúp cho xương khớp của trẻ càng trở nên dẻo dai và săn chắc. Đặc biệt, đối với đồ chơi giáo dục, các giác quan của trẻ có thể linh hoạt và nhạy bén hơn nếu như trẻ có sự tương tác, tiếp xúc nhiều.
Đồ chơi được chứng minh là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của trẻ. Từ khi trẻ có nhận thức và tò mò về mọi thứ, vui chơi giải trí đã là một hoạt động diễn ra thường xuyên.
Vì vậy, để tạo môi trường cho sự phát triển của trẻ, đồng thời hiểu được tâm lý trẻ, từ đó dễ dàng đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp, thì bố mẹ đừng lơ là với “sở thích” này của trẻ. Ngược lại, bố mẹ nên dành nhiều thời gian để “đồng hành” cùng trẻ.
Đồ chơi không chỉ có tác dụng giúp trẻ thư giãn, mà còn là một công cụ để giáo dục hiệu quả.
Trẻ thích bắt chước
Nhiều chứng minh đã chỉ ra rằng, trẻ em có khả năng bắt chước thường “sở hữu” IQ vượt trội hơn so với những đứa trẻ khác. Vì vậy, bố mẹ cần lưu ý điểm này để giúp trẻ tích lũy những kiến thức và kinh nghiệm lành mạnh, phát triển tốt trong tương lai.
Ở mỗi giai đoạn trưởng thành, cơ chế bắt chước của trẻ sẽ khác nhau. Trẻ từ dưới 6 tuổi, nhu cầu được khám phá thế giới thường diễn ra mạnh mẽ, bắt chước là hành động mà trẻ thực hiện lại từ quá trình quan sát và ghi nhớ mọi thứ xung quanh.
Khi sự bắt chước có độ chính xác cao so với “bản gốc”, điều này chứng tỏ khả năng quan sát của trẻ rất tốt. Đồng thời, sự nhạy bén và hiểu biết cũng đủ sâu thì trẻ mới có thể bắt chước một cách “chuẩn không cần chỉnh” như vậy.
Bắt chước là bản năng tốt ở trẻ, nếu trẻ cảm thấy kiến thực bản thân đang có là chưa đủ và muốn được dung nạp nhiều hơn. Bố mẹ nên cảm thấy tự hào khi trẻ có nhu cầu học hỏi cao. Tuy nhiên trên thực tế, không phải hành vi bắt chước nào của trẻ cũng được khuyến khích.
Trong trường hợp, trẻ phát triển tích cực thì sự bắt chước là đúng đắn. Nhưng ngược lại, trẻ cần tuyệt đối tránh xa những hành vi bắt chước xấu. Nếu bố mẹ muốn tốt cho trẻ, hơn hết là phải thật cẩn thận với hành vi của mình trước mặt trẻ.
Khi trẻ giỏi bắt chước, điều này chứng tỏ khả năng quan sát của trẻ rất tốt.
Trẻ hay tò mò
Bố mẹ đừng nên cảm thấy phiền, trước “hàng vạn câu hỏi vì sao” của trẻ. Phải hiểu rằng, sự tò mò là minh chứng cho thấy trẻ đang có hứng thú với một điều gì đó, và trẻ đang có nhu cầu muốn tìm hiểu về nó.
Trong quá trình giải đáp thắc mắc, đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi, trẻ sẽ có cơ hội khám phá ra rất nhiều “bí ẩn” trong cuộc sống này. Từ đó, tư duy của trẻ sẽ được nâng cao và sự hiểu biết sẽ mở rộng ra từng ngày.
Để hiểu được bản chất và trạng thái của sự vật, sự việc thì tính tò mò đóng vai trò vô cùng quan trọng. Giả định nếu trẻ không có sự sờ, cầm, nắm, nếm bởi vì muốn biết chúng là thứ gì, thì trẻ sẽ không bao giờ biết được chúng là gì.
Vì thế cho nên, tính tò mò nên được bố mẹ khích lệ, khi nó được áp dụng vào những tình huống phù hợp. Thay vì từ chối giải đáp cho trẻ, bố mẹ cần có sự kiên nhẫn trong vấn đề này. Một khi tâm lý được thỏa mãn, hành trình giáo dục trẻ của bố mẹ sẽ càng dễ dàng.
Sự tò mò sẽ được kích hoạt khi trẻ có hứng thú muốn tìm hiểu về một vấn đề nào đó.
Trẻ thích thành công
Thành tích và sự tự tin thường song hành cùng nhau. Càng nhiều thành tích thì trẻ sẽ càng tin vào “sức mạnh” của bản thân và sẵn sàng đón nhận mọi thử thách.
Dựa trên điều này, bố mẹ có thể đưa ra phương pháp giáo dục trẻ phù hợp, bằng cách tiếp cận tâm lý “thích thành công” của trẻ. Từ đó, hãy không ngừng giao cho trẻ những nhiệm vụ trong cuộc sống hằng ngày, để trẻ tự hoàn thành.
Trong quá trình “giải mã” thử thách mà bố mẹ đưa ra, trẻ không chỉ rèn luyện được tính kiên trì, cố gắng, độc lập mà còn có thể tích lũy thêm nhiều kỹ năng có ích như xử lý tình huống, quản lý thời gian,...
Tuy nhiên, bố mẹ nên có sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi giao cho trẻ một nhiệm vụ gì đó? Tốt nhất là trong khả năng, bởi vì nếu yêu cầu quá khó mà trẻ không thể giải quyết được, lúc này trẻ sẽ dễ rơi vào trạng thái chán nản hay xa sút tinh thần. Thậm chí là trẻ sẽ không muốn làm nhiệm vụ đó nữa.
Thành tích chính là động lực để trẻ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc nhất.
Trẻ thích sống với thiên nhiên
Tăng cường những trải nghiệm cùng với thiên nhiên, là cách hiệu quả để giúp trẻ phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần. Hầu hết trẻ em đều không thích bị bó hẹp trong môi trường gia đình, ngược lại nếu được bố mẹ thường xuyên đưa ra ngoài, trẻ sẽ vô cùng vui vẻ và phấn khởi.
Khi trẻ có sự tương tác với thiên nhiên càng nhiều, trẻ sẽ tích lũy được càng nhiều, cả về IQ lẫn EQ. Hiểu được lợi ích này và xuất phát từ tâm lý của trẻ, bố mẹ nên tạo cho trẻ nhiều cơ hội được hưởng thụ cuộc sống ngoài trời, bằng cách tổ chức các chuyến dã ngoại, đưa trẻ đến công viên, vườn thú hay những hoạt động trải nghiệm như tưới cây, trồng hoa,...
Dựa vào tâm lý này, bố mẹ có thể giáo dục trẻ nhiều kiến thức và kỹ năng bổ ích trong cuộc sống hằng ngày.
Trẻ thích giao du
Không có đứa trẻ phát triển bình thường nào, lại không muốn kết giao bạn bè để cùng học tập và vui chơi. Làm mọi việc một mình, chắc chắn sẽ không vui vẻ và có cảm hứng như khi trẻ được làm trong môi trường tập thể. Vì vậy, trẻ nhỏ thường mong muốn tạo lập nhiều mối quan hệ để từ đó có bạn “đồng hành” trong mọi vấn đề.
Dựa trên yếu tố tâm lý “thích giao du”, bố mẹ có thể sử dụng nó để giáo dục trẻ. Bởi ngoài con đường học từ sách vở, nhà trường, gia đình hay xã hội thì học từ bạn cũng là một phương pháp học tập hiệu quả. Tuy nhiên, trẻ phải có sự chọn lọc đúng đắn, vì chỉ như vậy thì trẻ mới có thể “lành mạnh” mà lớn lên.
Việc trẻ thích tạo lập nhiều mối quan hệ, sẽ giúp trẻ trở nên tự tin và học được nhiều điều từ nó.
Trẻ thích được khen
Lời khen của bố mẹ là một biểu hiện của sự đồng tình, tán dương việc làm của trẻ. Vì vậy, nó có vai trò như một sự xác tín để trẻ có thể mạnh dạn thực hiện hành vi của mình.
Ngoài ra, lời khen còn đem lại cho trẻ một chút cảm giác rằng bản thân đã đạt được thành tựu. Và đây chính là động lực lớn để trẻ tiếp tục tiến về phía trước
Trong giáo dục con cái không thể thiếu sự hiện diện của những “lời khen”. Tuy nhiên, lời khen nên được dùng đúng chỗ và đúng người.
Nếu nó bị lạm dụng quá mức, nó sẽ không thể phát huy được toàn bộ giá trị vốn có. Thậm chí, nó còn là yếu tố khiến trẻ hình thành sự “ảo tưởng” về năng lực của bản thân. Từ đó, mức độ cố gắng khi trẻ đối diện với một thử thách nào đó, sẽ giảm dần.
Lời khen thể hiện sự đồng tình của mọi người đối với việc trẻ đang làm, điều này càng giúp trẻ trở nên tự tin hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.