Thông tin được đưa ra tại hoạt động kỷ niệm tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ 2013 từ ngày 1 đến ngày 7/8 với chủ đề “Chung tay hỗ trợ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ”. Chương trình do Bộ Y tế và các đối tác dinh dưỡng Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF, Tổ chức Y tế Thế giới WHO và Dự án Alive & Thrive phối hợp phát động.
Theo bà Nemat Hajeebhoy, Giám đốc dự án Alive & Thrive Country, những phát hiện gần đây đã khẳng định lại một lần nữa tầm quan trọng của khoảng thời gian “cửa sổ” này. Suy dinh dưỡng trong thời gian này là yếu tố quyết định quan trọng của cả suy dinh dưỡng thấp còi và béo phì ở trẻ, những bệnh không truyền nhiễm khi trẻ trưởng thành. Khuyến khích thực hành nuôi con bằng sữa mẹ tối ưu là một trong các can thiệp cần thiết.
Bác sĩ hướng dẫn sản phụ cho con bú vào giờ đầu sau sinh. Ảnh: Lê Phương. |
Đầu năm nay, Việt Nam cũng đã thông qua Kế hoạch hành động quốc gia cho chương trình Nuôi dưỡng trẻ nhỏ giai đoạn 2012-2015. Kế hoạch tập trung vào việc chăm sóc trẻ trong“1.000 ngày đầu” để đảm bảo phát triển tối đa tiềm năng của trẻ. Kế hoạch cũng nhấn mạnh cách tiếp cận đa ngành liên quan tới các chính phủ, các tổ chức quốc tế và các nhà hoạch định chính sách, những người sẽ tập trung vào 6 giải pháp quan trọng để đạt được các mục tiêu và mục đích đã đề ra. Những mục tiêu này bao gồm tăng tỷ lệ trẻ được bú sữa mẹ sớm ngay sau đẻ, tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ và tỷ lệ tiếp tục cho trẻ bú tới khi trẻ được 24 tháng tuổi nhằm đạt được mục đích là giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi.
Theo Phó đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tiến sĩ Cristobal Tunon, dinh dưỡng tối ưu là một điều quan trọng để đảm bảo khi lớn lên trẻ sẽ học tập được nhiều hơn, làm việc hiệu quả hơn và đạt được chiều cao tối đa khi trẻ trưởng thành. Khi trẻ được cung cấp nguồn dinh dưỡng đầy đủ, nghĩa là cộng đồng và cả đất nước cũng thoát khỏi đói nghèo.
Việt Nam hiện trở thành tấm gương sáng trong số các quốc gia thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương về việc tuyên truyền nuôi con bằng sữa mẹ. Nổi bật là việc ban hành các bộ Luật để bảo vệ việc nuôi con bằng sữa mẹ như sửa đổi quy định lao động nữ được nghỉ chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng, cấm quảng cáo các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi... Tuy nhiên, ở Việt Nam, số trẻ dưới 6 tháng tuổi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ chỉ đạt 17% trong khi số trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi lại chiếm tới 1/3.
Lê Phương