Dạy con bài học về tài chính
Cuối tuần, Alex được mẹ dẫn đi siêu thị chơi. Cậu bé mê mẩn trước chiếc máy ảnh đồ chơi màu đen, có thể nhòm qua ống kính và phát ra tiếng tách tách khi chụp như thật. Alex nhìn mẹ với đôi mắt khẩn khoản, tỏ ý sẵn sàng không đòi mua bất cứ một món kẹo bánh trong ngày hôm nay để được đổi lấy chiếc máy ảnh tuyệt đẹp này.
Đáp lại ánh mắt năn nỉ của con, chị Sandra trả lời: "Nhà mình nghèo lắm, mẹ không có tiền con ạ".
Thay vì từ chối trẻ bằng việc giải thích "Nhà mình nghèo lắm", bố mẹ có thể đưa cho con những bài học về quản lý tài chính.
Cách giải quyết vấn đề của Sandra cũng như rất nhiều bố mẹ người Việt, tuy nhiên, ít ai biết câu nói đó mặc dù có tác dụng ngay tức thì với lời đòi hỏi của con nhưng lại có những hậu quả lâu dài mà không phải ai cũng biết.
Thứ nhất, câu trả lời mang đến sự tiêu cực
Việc bố mẹ nói mình không thể chi trả có xu hướng mang đến cho con cảm giác bố mẹ đang rất đau đầu về tình hình tài chính của mình. Và với một đứa trẻ hiểu chuyện, nó sẽ thấy được cả sự bất mãn, không hài lòng với cuộc sống hiện tại của bố mẹ.
Thứ hai, câu trả lời mang đến sự thụ động
Việc nói không có khả năng mua được món đồ cho thấy số tiền trong ví đang chi phối cuộc sống của bạn. Đứa trẻ sẽ cảm nhận được gánh nặng tài chính cũng như việc bố mẹ chúng đang lâm vào tình cảnh khó khăn, không kiểm soát được cuộc sống của chính họ.
Vậy, với những trường hợp này, theo các chuyên gia, bố mẹ khôn ngoan nên dừng việc nói không đủ khả năng chi trả mà thay vào đó nên tận dụng cơ hội để giáo dục con mình về quản lý tài chính. Thay vì tiết lộ về tình hình tài chính của mình, bố mẹ nên đưa ra phân tích để cho thấy ưu tiên chi tiêu nào tốt hơn.
Với Alex, thay vì nhận được câu trả lời "nhà mình nghèo lắm", cậu bé sẽ cảm thấy thỏa mãn hơn nếu như chị Sandra nói rằng: "Nhà mình cần phải tiêu tiền theo kế hoạch. Việc mua máy ảnh không có trong ngân sách mua sắm tuần này. Tại sao chúng ta không tiết kiệm khoản tiền mua món đồ chơi đắt đỏ này để dành tiền đóng học phí cho con".
Với một đứa trẻ từ 5-8 tuổi, cách trả lời của bố mẹ sẽ khiến các con cảm thấy rất thoải mái và hiểu rằng nhà mình không khó khăn, chỉ là gia đình mình đang tiêu tiền theo đúng kế hoạch đặt ra.
Đối với trẻ lớn hơn, hoặc bước vào tuổi teen, bố mẹ hoàn toàn có thể trao đổi một cách thẳng thắn rằng: "Giá của món đồ này nhiều hơn số tiền bố mẹ sẵn sàng chi", hoặc thậm chí "nếu con tìm thấy món đồ tương tự có giá tốt hơn thì bố mẹ sẽ mua". Đây cũng chính là bài học về tài chính mà bố mẹ đưa cho con bằng cách cân nhắc lựa chọn, tập trung vào mục tiêu trong khả năng của mình.
Dạy con bài học về giàu - nghèo
Khi con hỏi "Nhà mình giàu hay nghèo", rất nhiều bố mẹ lúng túng trong việc đưa ra câu trả lời đúng. Để có thể trả lời câu hỏi này, bố mẹ cần nằm lòng hai nguyên tắc, đó là không nói quá, cũng không tô đen hoàn cảnh.
Trước câu hỏi về hoàn cảnh gia đình, thay vì trốn tránh hay nói quá, bố mẹ nên nói thật.
Nếu như nhà bạn khó khăn, đừng ngại chia sẻ hoàn cảnh của mình với các con. Tuy nhiên, thay vì một lời than thở, hãy tạo động lực cho con vươn lên cố gắng bằng cách nói: "Gia đình mình chưa có nhiều điều kiện, bố mẹ đang rất cố gắng làm việc chăm chỉ để có thể cho các con một cuộc sống tốt. Dù không có xe sang, nhà đẹp nhưng điều bố mẹ thấy vui nhất là gia đình ta luôn hạnh phúc, yêu thương lẫn nhau".
Bố mẹ cần tuyệt đối tránh việc nói quá về những gì mình đang có, vì nghĩ rằng muốn cho con cảm giác bằng bạn bằng bè. Tuy nhiên, việc sống thiếu thực tế sẽ khiến trẻ dễ bị ảo tưởng về bản thân, có lối sống ích kỷ chỉ biết hưởng thụ và không có chí vươn lên.
Cũng đừng nghĩ việc nói giảm đi, cho rằng nhà mình rất nghèo cũng là một câu trả lời tốt. Vì nó có thể khiến trẻ tự ti, mặc cảm, hoặc nảy sinh tâm lý tham lam, sẵn sàng làm mọi thứ để kiếm ra tiền.
Theo cách chuyên gia, việc dạy con về giàu, nghèo không phải để con mang cảm giác gánh nặng gia đình mà chính là chìa khóa giúp con tự lập khi lớn lên, giúp con hiểu cần lao động, làm việc chăm chỉ thì mới có một cuộc sống tốt đẹp. Chính vì thế, dù gia đình bạn ở hoàn cảnh nào, giàu hay nghèo, cũng cần cho trẻ biết giá trị của lao động để trẻ có thể vươn lên, làm chủ cuộc sống sau này.