Dưới đây là bài trắc nghiệm các tình huống dạy trẻ từ Webmd.
Ảnh minh họa: Todaysparent.com. |
1. Trẻ ở tuổi nào có thể đánh được?
a. 2 tuổi
b. 4 tuổi
c. Không tuổi nào hết
Câu trả lời đúng: c
Đánh con có thể khiến trẻ dừng hành vi xấu ngay lập tức, nhưng về lâu dài, cách này không dạy trẻ biết cư xử. Và những trẻ hay bị đánh có nhiều khả năng bị trầm cảm và dễ trở nên hung hăng sau này.
Bạn vẫn có thể phạt con nhưng bằng những cách tích cực hơn. Chẳng hạn cho bé đứng yên một chỗ, hay lấy đi một quyền ưu tiên nào đó hoặc một món đồ chơi giá trị. Với trẻ tuổi chập chững, vỗ tay lớn để bé tập trung chú ý, sau đó nói bằng giọng kiên quyết "không ném đồ" hay "không cắn"...
Ngoài ra, chú ý đến con khi bé cư xử đúng cũng giúp trẻ củng cố thói quen tốt. Hãy khen ngợi bé, khoe bé với người khác hay chỉ là dành thêm thời gian cho con như một phần thưởng.
2. Cách nghiêm khắc với con tốt là?
a. Nói ra điều bạn mong đợi từ trẻ
b. Không bao giờ làm khác nguyên tắc đã đề ra
c. Luôn giải quyết các quy tắc bị phá vỡ
Câu trả lời đúng: a
Kỷ luật tốt nghĩa là bạn nêu rõ ràng điều mình mong đợi từ con. Nó cũng có nghĩa bé hiểu điều gì sẽ xảy ra nếu không thực hiện theo các quy định. Bạn hãy lưu ý đến tuổi của con và xem bé trưởng thành như thế nào khi bạn thiết lập các giới hạn. Hãy đảm bảo các quy tắc đó phù hợp với trẻ. Một khi con biết các quy tắc và điều gì sẽ xảy ra nếu không làm đúng, trẻ sẽ tuân theo và có được kết quả như bạn mong đợi.
Nghiêm khắc không sao cả, nhưng bạn cũng nên để cơ hội cho con được bày tỏ ý kiến. Điều này giúp trẻ xây dựng kỹ năng giao tiếp xã hội.
3. Nếu con tăng động giảm chú ý, bạn nên:
a. Theo dõi các hành vi theo một biểu đồ
b. Dùng các hình phạt không xúc phạm tới con
c. Cả a và b
Câu trả lời đúng: c
Trẻ tăng động giảm chú ý cần biết chính xác điều bố mẹ mong đợi chúng và điều sẽ xảy ra nếu chúng không làm theo. Biểu đồ thực sự hữu ích, là cách trực quan để ghi các nhiệm vụ bé cần làm và phần thưởng nếu thực hiện tốt.
Hầu hết trẻ lo lắng về việc bị xỉ nhục trước mặt bạn bè. Trẻ tăng động giảm chú ý càng có nhiều khả năng trở nên phòng thủ và thách thức cha mẹ nếu bạn làm bé xấu hổ. Vì vậy, nếu con bị tăng động giảm chú ý, các hình thức kỷ luật sẽ hiệu quả hơn khi bạn thực hiện ở chỗ kín đáo, riêng tư.
4. Bé tuổi chập chững của bạn đánh em trai và giằng đồ chơi. Bạn nên tách chúng ra và:
a. Phát nhẹ vào tay bé
b. Chăm sóc bé bị đau
c. Không quá để tâm tới trận chiến của bọn trẻ
Câu trả lời đúng: c
Đầu tiên, tách các con ra, lấy lại món đồ chơi và vỗ về bé bị đau. Đừng đánh và xử lý xem ai đúng ai sai vì bạn không thể thưởng trẻ bằng cách cho cái bé muốn (đồ chơi). Hãy nói đơn giản "Không được đánh. Đánh làm đau em", để bé học cách nghĩ về cảm giác của người khác.
Thường xuyên đánh hay cắn là một dấu hiệu của vấn đề khác - buồn bực, tức giận, bắt chước hành vi bạo lực của người khác hay trên TV, hoặc từng bị bạo hành. Vì thế, nếu thấy con hay có hành vi này, hãy tìm lời khuyên từ bác sĩ tâm lý.
5. Có thể để con đi ngủ lúc bụng đói nếu bé không cất đồ chơi?
a. Đúng
b. Sai
Câu trả lời đúng: b
Tước đi điều gì đó là nhu cầu thiết thực của trẻ, chẳng hạn một bữa ăn, là không công bằng. Thay vào đó, hãy tìm cách phạt bằng điều gì đó mà con thích và liên quan đến việc bé làm sai. Chẳng hạn "Hôm nay con sẽ không được chơi đồ chơi vì con để đồ bữa bãi".
Với trẻ dưới 6 tuổi, đừng để quá lâu mới lấy đi thứ gì đó trẻ thích hay khiến trẻ không hiểu hành động của mình có liên quan thế nào đến hậu quả. Vì vậy, đừng cấm bé xem chương trình TV buổi tối vì những hành động không tốt của con từ bữa sáng.
6. Hình thức phạt "đứng góc" nên kéo dài bao lâu?
a. 5 phút
b. Một phút cho mỗi tuổi
c. Ba phút cho mỗi tuổi
Câu trả lời đúng: b.
Hầu hết chuyên gia cho rằng mỗi phút cho một tuổi của trẻ là vừa phải, chẳng hạn, trẻ 4 tuổi thì phạt đứng 4 phút. Nhiều phụ huynh phạt con đứng một mình quá lâu và trẻ nhanh chóng chuyển từ đứng tập trung sang hành vi có vấn đề.
Chọn một nơi buồn chán nhưng an toàn, không đáng sợ như một chiếc ghế chẳng hạn. Khi phạt nói ngắn gọn vì sao bé bị phạt ngồi một mình, sau đó bạn đi ra chỗ khác, không kéo dài. Cách phạt này hiệu quả nhất với trẻ 2-5 tuổi. Nhưng bạn vẫn có thể dùng cho trẻ 11-12 tuổi.
7. Đối phó với hành vi sai trái của trẻ ở nơi công cộng bằng cách:
a. La mắng ngay lúc con bắt đầu mè nheo
b. Lôi vào chỗ vắng đánh đòn
c. Tại nhà
Câu trả lời đúng: c
Đừng đợi đến khi các hành vi này xảy ra mới xử lý. Nói với con từ lúc ở nhà về cách bé nên cư xử khi ra ngoài. Điều này sẽ công bằng hơn với trẻ. Nếu bạn cần kỷ luật con, đánh đòn hoặc la hét sẽ làm phiền mọi người xung quanh và cách đó không hiệu quả. Thử cho bé ngồi một mình trên băng ghế công viên, hay lấy đi một đặc ân: "Hôm nay chúng ta sẽ không đi đến cửa hàng thú bông nữa". Nếu bạn không thể phản ứng khi ở nơi công cộng, nói với bé khi về nhà bạn sẽ xử lý. Sau đó, chuyển đi chỗ khác và tập trung vào việc hiện tại của bạn.
8. Bạn đang nổi điên vì đứa con 4 tuổi nghịch ngợm. Bạn vẫn nên phạt bé ngay lập tức?
a. Đúng
b. Sai
Câu trả lời đúng: a
Nói chung nên điều chỉnh hành vi sai của con càng sớm càng tốt. Nhưng nếu bạn đang giận dữ, hãy ngưng một chút để bình tĩnh lại trước khi đưa ra hình phạt. Hãy hít thở sâu. Nếu có thể, bước ra ngoài trời vài phút.
Ngoài ra, hãy nghĩ về điều làm bạn nổi điên. Hành vi của con thực sự không thể chấp nhận? Hay có điều gì đó xảy ra hôm nay khiến bạn phiền muộn? Nếu bạn giận dữ không phải do trẻ, nó có thể gây nhầm lẫn và khiến con sợ hãi khi bạn phạt con.
9. Khi đứa con 5 tuổi bịa ra một câu chuyện, bạn nên hùa theo?
a. Đúng
b. Sai
Câu trả lời đúng: a
Hoàn toàn bình thường khi trẻ 4-5 tuổi bịa một câu chuyện để vui đùa, vì thế bạn có thể hùa vào cùng con. Trẻ ở tuổi này có khuynh hướng hòa lẫn giữa thực tế và tưởng tượng. Nhưng đôi khi chúng có thể nói dối để che lấp điều gì đó. Nếu trường hợp này xảy ra, cùng con thảo luận về giá trị của sự trung thực.
Với trẻ lớn hơn, khi đã biết sự khác biệt giữa nói dối và sự thật, nói dối lặp đi lặp lại có thể có điều gì đó đang làm bé khó chịu. Cùng trò chuyện với con để tìm ra cách phản ứng tốt hơn. Sử dụng những ví dụ từ các cuốn sách và tin tức hàng ngày để thảo luận với con.
10. Đứa con 3 tuổi của bạn "ăn vạ" ở cửa hàng tạp hóa, giãy giụa và gào khóc. Bạn không nên:
a. Thừa nhận cảm xúc của trẻ
b. Để lại giỏ hàng của bạn và về nhà
c. Mắng con
Câu trả lời đúng: a
Mắng mỏ khi cơn ăn vạ đang xảy ra không có tác dụng gì. Thay vì thế, bình tĩnh nói với con là bạn hiểu cảm xúc của bé. Dành cho con một cơ hội để nói lý do bé bùng nổ như vậy. Nếu con không dịu lại, hãy về nhà. Nếu bạn không thể rời khỏi đó, đừng nhân nhượng đáp ứng những điều bé muốn vì con có thể nghĩ "ăn vạ" là cách đòi hỏi hiệu quả.
Cố gắng ngăn chặn cơn ăn vạ bằng cách tránh những tình huống châm ngòi cho nó xảy ra. Chẳng hạn, nếu bạn biết mua sắm quanh thời điểm bé đang ngái ngủ dễ khiến con nổi cáu, hãy tránh thời điểm đó. Thậm chí trẻ lớn hơn và teen cũng có lúc nổi cơn giận - chúng tranh cãi, nói lại bố mẹ hay nổi khùng. Hãy đáp lại bằng sự điềm tĩnh như với trẻ nhỏ.
Vương Linh