Chị Lê Nguyễn Minh Phương (32 tuổi) quê gốc ở Đà Nẵng, đang là nghiên cứu sinh ngành Kỹ sư ngôn ngữ tại Đại học Yonsei. Ngoài ra chị còn là phóng viên đài KBS, phiên dịch, MC tiếng Anh lẫn tiếng Hàn. Hiện tại chị đang cùng con nhỏ là bé Minh Châu (7 tuổi) sống tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc).
Chị Minh Phương đang làm mẹ đơn thân của một bé gái 7 tuổi
Báo Hàn gọi chị là “super woman” là bởi khả năng làm việc không biết mệt mỏi, luôn phấn đấu trong mọi lĩnh vực để được cống hiến với đam mê và có thu nhập nuôi con nhỏ. Mới đây trong lễ vinh danh Công dân danh dự Seoul (Seoul Honorary Citizenship Ceremony 2019) chị là người Việt đầu tiên được phong là công dân danh dự Seoul. Vừa đảm nhận tốt những việc ở ngoài xã hội, chị Minh Phương còn hoàn thành xuất sắc vai trò vừa làm cha vừa làm mẹ đối với cô con gái nhỏ.
Bước chân ra khỏi cuộc hôn nhân, mẹ đơn thân vất vả nơi xứ người
Theo lời chị Minh Phương, khi biết tin có thai em bé Minh Châu là thời điểm chị vừa từ cuộc phỏng vấn dành học bổng toàn phần ở Hà Nội trở về, tại thời điểm đó chị không nghĩ mình sẽ đậu vì học bổng cạnh tranh rất gắt gao. Nhưng vài tháng sau khi có kết quả chung cuộc chị được chọn là 1 trong 2 đạt học bổng, vì cái thai trong bụng nên chị đã thử xin gia hạn thời gian đi học nhưng vì yêu cầu bắt buộc là mọi ứng viên phải có mặt trước tháng 09/2012 để bắt đầu nhập học, chị đã từ chối cơ hội đó vì với chị con quan trọng hơn tất cả mọi thứ.
Bé Minh Châu thừa hưởng những nét giống mẹ ngày nhỏ
Và năm 2013 khi chị quyết định bước ra khỏi cuộc hôn nhân với những bất đồng và tổn thương không thể hàn gắn, đó là lúc chị quyết tâm thử sức một lần nữa ở vòng phòng vấn dành học bổng để tìm kiếm cơ hội tương lai tốt hơn cho chính mình và cô con gái.
Trải qua nhiều vòng thi, chị may mắn lọt vào danh sách những sinh viên được nhận suất học bổng toàn phần của Chính phủ Hàn Quốc để theo học Thạc sĩ tại Hàn Quốc. Lúc này chị cảm thấy vinh dự và tự hào, nhưng bên cạnh đó, cũng là nhiều nỗi lo vì chị đã không thể đưa con nhỏ theo khi chưa hình dung được bản thân sẽ sống ở đâu, cuộc sống du học sắp tới ở Hàn như thế nào, học bổng có đủ để chị lo cho học tập và sinh hoạt hay không.
Hai mẹ con đang có cuộc sống bình yên tại xứ sở kim chi
Vậy là chị quyết định để lại con nhỏ ở Việt Nam cho bà ngoại trông nom để có thể sang Hàn Quốc nhập học. Thời gian đầu tạm xa con để đi học, với những áp lực tâm lý, áp lực học hành thi cử và cả áp lực kinh tế, chị không dám chắc mình có thể thích nghi và làm tốt được ở môi trường học tập và làm việc áp lực như vậy. May mắn là sau nhiều lần tìm kiếm và thử sức, chị Phương đã nhận được những công việc ban đầu đó là biên dịch, phiên dịch và dạy tiếng Việt tại công ty cho người Hàn.
Dần dần qua những cơ hội nhỏ này, chị tạo được sự tin tưởng để được giao thêm và giới thiệu những công việc khác, cộng thêm việc chị bắt đầu quen biết được nhiều người hơn khi tham gia các hoạt động tình nguyện và cộng đồng, chị có nhiều cơ hội tốt hơn để vừa trang trải được cuộc sống, vừa học hỏi, phát triển được kỹ năng và kiến thức của mình.
Dù hành trình làm mẹ đơn thân còn nhiều khó khăn nhưng chị Phương nỗ lực không để con phải chịu thêm thiệt thòi nào khác
Sau bao cố gắng và những cơ hội may mắn nơi xứ người, hết học kỳ thứ 2 chị bảo lãnh và đã đón được mẹ và con gái sang Hàn Quốc ở cùng. Cuộc sống tuy khó khăn hơn nhiều khi ngoài việc học tập và việc làm mẹ, chị còn phải làm nhiều công việc bán thời gian cùng một lúc để có thể lo cho cả gia đình 3 người sống ngay giữa thủ đô Seoul đắt đỏ.
“Cuộc sống với mẹ và con ngay giữa thủ đô Seoul đắt đỏ chỉ với mức thu nhập từ những công việc bán thời gian và không thường xuyên đôi khi làm mình rất áp lực, đặc biệt là trong những năm đầu đưa mẹ và con mình sang Hàn.
Vì mình có thể nhịn ăn hoặc nhịn chi tiêu trong vài ngày nhưng trẻ con sẽ không thể như vậy được. Đã từng có những ngày mình trở về nhà và tự hỏi “Ngày mai tiền đâu đi chợ lo cho con?”. Nhưng mình nghĩ có khi cũng được “trời thương” nên hôm sau thường có may mắn tìm đến, như có người quen nào đó lại liên lạc giới thiệu công việc mới, hoặc khách hàng dịch cũ lại gọi để giao việc mới” – chị Minh Phương tâm sự.
Cho con xem truyền hình Việt Nam, dạy bé luôn ghi nhớ cội nguồn
Chị chia sẻ, từ khi có con cho đến tận bây giờ, thói quen làm việc từ 10h - 11h đêm đến 2-3h sáng vẫn theo chị suốt là vì chị là lao động chính, cũng là chỗ dựa tinh thần và cả vật chất cho hai bà cháu.
Bận rộn là vậy nhưng chị nhận thức rất rõ việc phải có trách nhiệm ở bên và nuôi dạy con nên người. Chị từng tâm sự, nếu có thể lựa chọn, chị sẽ chọn giảm bớt thời gian cho bản thân dành cho gia đình. Những lúc có thể tranh thủ chị sẽ tận dụng để nấu những bữa cơm ngon cho hai bà cháu, cả nhà sẽ cùng nhau xem một bộ phim Việt Nam, hoặc những chương trình truyền hình, tin tức ở Việt Nam. Đó là những lúc để bé Minh Châu có cơ hội nghe thêm tiếng Việt, hiểu thêm về văn hóa và xã hội Việt Nam, tìm hiểu những trò chơi dân gian của Việt Nam.
Trong quá trình nuôi con, chị Phương cũng tham khảo nhiều nguồn khác nhau nhưng không theo phương pháp riêng. Bà ngoại sẽ là người hướng dẫn bé Minh Châu vừa học vừa chơi, làm toán, tập tô màu, tập vẽ… Còn mẹ Phương sẽ dạy bé tiếng Hàn và làm toán, chơi các trò chơi sáng tạo.
Nói về việc dạy ngoại ngữ cho con, mẹ 8X lý giải: “Một phần do cấp học mẫu giáo ở Hàn rất đắt đỏ nên mình không đủ tiền để cho bé đến lớp và cũng vì nghĩ sau này vào cấp 1 thì bé sẽ ở trường và nói tiếng Hàn hầu như cả ngày. Mình đã để bé ở nhà để có thể nói vững tiếng Việt hơn. Dù sao, tiếng Việt cũng là ngôn ngữ mẹ đẻ, không thể lơ là được mà đó phải là ưu tiên số 1".
Tuy nhiên, vì cũng cần phải chuẩn bị cho việc đi học ở Hàn Quốc nên khi ở nhà thì bà ngoại sẽ nói tiếng Việt với bé, còn mẹ sẽ nói song ngữ. Thời gian đầu khi bé còn nhỏ, mỗi khi muốn bé làm gì đó chị sẽ nói bằng cả tiếng Hàn và tiếng Việt, chị luôn cố gắng trò chuyện với bé bằng tiếng Hàn (thỉnh thoảng nếu bé không hiểu sẽ kèm phụ đề Việt ngữ).
Song hành cùng với mẹ con của chị Phương còn có bà ngoại, bà chính là người chăm sóc bé Minh Châu để mẹ có thể yên tâm làm việc
Ngoài ra chị Phương cũng cho bé tiếp xúc với chữ cái tiếng Hàn và tiếng Anh. Sau một thời gian thì bé bắt đầu có phản xạ tốt hơn, nghe hiểu nhiều hơn, với những ngữ cảnh quen thuộc sẽ nói chuyện lại và có xu hướng muốn nói những câu dài hơn dù chưa hoàn chỉnh.
Đến khi bé bắt đầu được đi học, chỉ sau 3 ngày thì đã nói nhiều hơn và hoàn chỉnh hơn, và sau đó 1 tháng khi lớp có cô giáo mới thì cô còn nhầm là bé đi học nhà trẻ từ khi mới sinh ra vì không có khác biệt so với các bé Hàn cùng tuổi. Khi ở nhà vẫn là nói tiếng Việt với bà, nói tiếng Hàn với mẹ.
Tuy sống ở Hàn Quốc nhưng chị Phương vẫn luôn nhắc bé rằng mình là người Việt Nam, cho bé tiếp xúc với tiếng Việt, văn hóa Việt và nuôi dưỡng tình yêu cũng như lòng tự hào dân tộc trong bé.
Dù ở nước ngoài nhưng chị Phương luôn nhắc con rằng mình là người Việt Nam, 2 mẹ con chị không quên khoác trên mình tà áo dài truyền thống trong những dịp đặc biệt
Mỗi năm chị luôn cố gắng cho bé về Việt Nam một lần, để biết và hiểu thêm, cũng như gắn bó hơn với quê hương nơi bé sinh ra. Giúp bé hiểu được rằng “Con là người Việt Nam, con nói được tiếng Việt và còn nói được tiếng Hàn nữa thì con không có gì phải tự ti cả, hãy cứ cố gắng học và hòa đồng với các bạn”. Chị cũng không quên dạy con ghi nhớ gốc rễ của mình, quê hương của mình và có thêm sự tự tin để hòa nhập nhưng vẫn giữ được cái riêng của mình.
Ở hoàn cảnh hay môi trường sống nào chị vẫn khắc trong tâm trí của mình giá trị về cội nguồn
Dạy con thành thạo nhiều loại ngôn ngữ, luôn hướng về cội nguồn và đất nước với chị Phương đó là một trong số những điều tuyệt vời nhất bởi theo chị, tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ, tuy nhiên vì đang sống ở nước bạn nên hiểu thêm ngôn ngữ của họ cũng là một cách để nâng cao hiểu biết, tư duy và khám phá những điều hữu ích hằng ngày cũng như tiếp cận được với tinh hoa của các nền văn hóa.
Nguồn: http://khampha.vn/me-va-be/duoc-bao-han-goi-super-woman-8x-tiet-lo-cach-day-con-khong-d...Nguồn: http://khampha.vn/me-va-be/duoc-bao-han-goi-super-woman-8x-tiet-lo-cach-day-con-khong-den-lop-van-thao-2-thu-tieng-c32a746702.html