Là một trong những Admin (Người quản trị) của Hội Ăn dặm kiểu Nhật – một cộng đồng facebook lớn dành cho các bà mẹ đã, đang và quan tâm đến phương pháp Ăn dặm kiểu Nhật tại Việt Nam với hơn 25.000 thành viên, Thuý Anh – bà mẹ trẻ đời cuối 8x gây ấn tượng bởi những kiến thức nuôi dạy và chăm sóc con rất thú vị. Bé Ngọc Thanh (tên ở nhà là Sushi), con gái Thuý Anh sắp tròn 19 tháng tuổi nhưng đã có thể ăn cơm nát, tự xúc sữa chua và vô cùng tự lập. Phương pháp nuôi dạy con mà Thuý Anh luôn tâm niệm, đó là để trẻ được phát triển tự nhiên và tự chủ.
Ăn dặm kiểu Nhật để con không đau dạ dày
Chị “gặp gỡ” và quyết định cho con ăm dặm theo phương pháp Ăn dặm kiểu Nhật (ADKN) từ khi nào?
Ngay từ khi mang bầu, mình đã được biết về phương pháp ADKN. Một người chị của mình đã từng áp dụng thành công và kể về nó cho mình. Điều này khiến mình tò mò và bắt đầu tìm hiểu. Sau thời gian đọc được những chia sẻ kinh nghiệm rất thiết thực của các mẹ đi trước, mình nhận thấy ADKN là một cách rất văn minh và từ đó, mình quyết định sẽ cho bé ăn dặm theo phương pháp này.
Chị có lo lắng về cân nặng của con không khi hầu hết những bé ADKN thường phải nhai rất lâu rồi mới nuốt, điều này khiến bé không thể ăn nhanh, ăn nhiều như những trẻ ăn dặm truyền thống khác?
Mình nhận thấy các mẹ ở Việt Nam thường có tiềm thức rằng con cứ càng to càng khoẻ, con càng béo càng mừng. Mình thông cảm với quan niệm này vì nhiều mẹ ngày nay khi nuôi con thường bị áp lực từ ông bà, người lớn tuổi và xã hội khi cứ con còi là chê mẹ không biết nuôi con. Vậy nhưng với bản thân mình, mình quan tâm đến chiều cao của con hơn là cân nặng. Trẻ tăng cân nhiều cũng không phải là tốt. Mình khuyên các mẹ đừng quá tạo áp lực cho con và cho chính bản thân người mẹ về vấn đề cân nặng. Chỉ cần các số đo của bé vẫn trong mức ổn định và cho phép là được.
Lần đầu làm mẹ nhưng những kiến thức nuôi dạy con của Thuý Anh khiến nhiều người nể phục.
Nhiều người đặt câu hỏi, trẻ ADKN ăn thô ngay từ giao đoạn 6-8 tháng như vậy thì làm gì đã có răng để nhai và liệu chị có đang “hại” con dễ mắc đau đạu dày sớm?
Mình nghĩ là ngược lại. Người Việt Nam có tỷ lệ đau dạ dày thuộc loại cao trên thế giới và ít nhất là cũng cao hơn người Nhật. Ở Việt Nam, các bà các mẹ thường có thói quen cho trẻ ăn cháo nhưng khi đến tuổi thấy con có vẻ ăn được cơm là chuyển qua ăn cơm ngay. Điều này khiến hệ tiêu hoá của trẻ không thích ứng kịp và dễ dẫn đến đau dạ dày. ADKN thì khác. ADKN là môt tiến trình ăn thô dần dần, từ từ, tăng dần độ thô và độ đặc theo từng giai đoạn. Các bé sẽ được học cách nhấm, nhai rồi mới nuốt.. Cơ chế nhai nghiền của bé được tập dần dần, dạ dày cũng có thời gian để thích ứng và hoạt động trơn tru hơn.
Sushi nhà mình khi cho ăn theo phương pháp ADKN có hay bị trớ không? Và chị có lời khuyên nào cho những mẹ nuôi con theo phương pháp ADKN để bé bớt hóc, trớ?
Sushi nhà mình ngày còn bé rất hay trớ sữa, mỗi lần trớ sữa thường phun trào ra cả đằng mũi khiến mình rất lo lắng. Vậy nhưng ngạc nhiên là từ khi ăn dặm Sushi lại rất ít nôn trớ. Theo mình, đó là do khi Sushi bước vào giai đoạn ăn dặm, mình cho con rất ít, không ồ ạt. Mỗi thức ăn cho con ăn mình đều để bé nếm thử, nhấm môi sau đó mới ăn. Nếu gặp những thức ăn quá khó nhai khó nuốt, mình thường áp dụng Phương pháp bôi trơn bằng bột gạo, bột sắn hoặc nước yến mạch trộn vớt thức ăn Cách làm này khiến thức ăn nhớt và Sushi sẽ dễ nhai dễ nuốt hơn.
Một vài ví dụ về những khẩu phần ăn theo phương pháp ADKN của bé Sushi.
Mỗi bà mẹ nên là một nhà nghiên cứu
Chị có nói đến vấn đề thức ăn của Nhật khác Việt Nam và người mẹ phải nương theo con mình. Vậy theo chị, có phải chính việc áp dụng quá máy móc một phương pháp của con “Người” vào con “Ta” đã khiến nhiều mẹ bỏ cuộc với ADKN?
Mình có một quan niệm, đó là: mỗi người mẹ nên và phải là một nhà nghiên cứu. Không chỉ riêng phương pháp ADKN mà đối với bất cứ một phương pháp nào, nếu áp dụng quá máy móc đương nhiên sẽ dẫn đến thất bại. Kể cả những chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia dạy trẻ, cha mẹ họ cũng chẳng phải chuyên gia để nuôi dưỡng họ có tư duy như bây giờ họ đạt được. Cha mẹ họ cũng phải tự mày mò bằng bản năng người cha người mẹ để biết được cái gì là tốt nhất cho con mình. Vì vậy, mình muốn khuyên các mẹ nên áp dụng các nguyên tắc, nhưng theo một cách khéo léo.
Với Sushi, quá trình ADKN của bé đã được chị “biến tấu” như thế nào?
Sushi nhà mình bắt đầu quá trình ADKN muộn hơn so với lý thuyết. Nếu các bé khác 5,5 tháng bắt đầu thì 6 tháng Sushi mới “khởi động”. Mình cũng cho con ăn bột như các bé ăn dặm truyền thống khoảng 1,2 tuần đầu. Vì tính chất công việc của mẹ nên hồi mới bắt đầu ADKN một ngày Sushi ăn 2 bữa thì chỉ có bữa tối là được mẹ luyện cho ADKN. Vậy nhưng mình quan sát phản ứng của con thì thấy con rất thích thú với phương pháp này.
Một “biến tấu” khác trong các mình cho Sushi ăn dặm, đó là mình luôn để ý đến độ mềm thức ăn của con. Thức ăn ở Việt Nam không giống thức ăn ở Nhật. Độ mềm của cà rốt, của bí đỏ, của gạo, của thịt cá trắng đạm đều là khác nhau. Chính vì vậy khi cho con ăn, mình đảm bảo độ thô theo ADKN nhưng độ mềm phải theo khả năng của con. Mình cũng hay hấp thức ăn cho Sushi thay vì luộc bởi khi hấp, thức ăn sẽ giữ được nước và đỡ khô bã hơn.
Sushi còn bé nhưng đã biết tự xúc ăn.
Thiên tài là thiểu số và mình không cần con là thiên tài.
Sushi hiện nay 19 tháng tuổi nhưng bé đã rất thông minh nhanh nhẹn và đạt được các mốc kỹ năng nhận biết từ khá sớm.Chị có đầu tư nhiều vào việc dạy con?
Hồi trước mình cũng có tìm hiểu về các phương pháp giáo dục sớm hiện đang được rất nhiều phụ huynh quan tâm. Vậy nhưng sau đó, mình đã suy nghĩ nhiều và thấy rằng ta nên để trẻ phát triển tự nhiên. Thiên tài là thiểu số và mình không cần con phải là thiên tài. Chỉ cần bé được phát triển thoải mái, nhận biết một cách tự nhiên. Mình muốn muốn giữ cho bé một tuổi thơ trong sáng nhất.
Các bố mẹ Việt ngày nay rất chuộng mua cho con các đồ chơi trí tuệ, đồ chơi thông minh để kích thích trí não trẻ tử bé. Chị có quan điểm nào về vấn đề này?
Mình tin rằng chơi 1 đồ chơi trí tuệ rất tốt cho việc phát triển tư duy. Tuy nhiên, có rất nhiều thứ cha mẹ có thể tận dụng làm đồ chơi cho con mà không cần phải quá tốn kém cầu kì. Ví dụ, như với Sushi nhà mình, mình thường lấy các chai nước giải khát nhiều màu rửa sạch, tráng nước sôi, bóc nhãn rồi để con chơi. Sushi có thói quen lấy các chai nước ra nghịch và tháo lắp nắp chai. Bé sẽ học được cách ghép nắp và chai cùng màu, cách vặn nắp cho tương ứng….dần dần bé sẽ hình thành tư duy logic. Đây cũng là cách tiết kiệm chi phí đồ chơi cho bé, không phải cứ mua đồ chơi đắt tiền đâu. Nhiều đồ vật quanh ta nếu ta biết tận dụng có thể “chế”” rất nhiều đồ chơi cho bé.
Nuôi con phát triển tự nhiên là điều Thuý Anh luôn tâm niệm.
Con ngã mẹ đừng vội xuýt xoa
Sushi tuy còn nhỏ nhưng đã rất tự lập và độc lập. Chị rèn cho con thế nào?
Mình có một ví dụ đơn giản như thế này: với Sushi nhà mình, mình rất ít khi đỡ con khi ngã, trừ khi bé ngã quá đau. Mọi người đến nhà thường rất ngạc nhiên khi thấy Sushi ngã mà mẹ mặc kệ rồi thường sẽ chạy ra đỡ con hộ mình. Tuy nhiên một thời gian sau, khi Sushi ngã, mà có ai chạy ra đỡ bé, con thậm chí còn gạt tay ra, tự đứng lên và không hề khóc một tí nào. Mình quan niệm nếu con không ngã quá đau, ảnh hưởng đến xương khớp thì các mẹ không nên ôm ngay vào lòng, cũng không nên dỗ dành xuýt xoa, trẻ sẽ nảy sinh thói dựa dẫm vào mẹ.
Cho con ăn dặm theo kiểu “không giống ai”, con ngã lại không thèm đỡ. Có phải đó là lý do khiến chị từng bị người ngoài nói là “mẹ ác”? Chị có buồn lòng?
Đây đúng là lý do mà nhiều người quen của mình nói mình là mẹ ác. Ban đầu mình cũng khá buồn lòng vì điều này, cũng đôi khi có cảm giác nản vì không được cảm thông, không được chia sẻ. Nhưng vì một mục tiêu “mẹ nhàn, con khỏe” nên mình cố gắng kiên trì đến cùng. Kết quả của mình bây giờ có thể coi là thành công, bé Sushi ăn rất ngoan, bé đã ăn được cơm mềm và bữa ăn chỉ kéo dài khoảng 10 đến 15’. Bé nhai rất kỹ rồi nuốt, nuốt miếng nào thường gọn miếng ấy, ít khi rơi ra ngoài. Mình cảm thấy không gì vui bằng. Nuôi con trưởng thành mẹ cũng trưởng thành theo. Mình luôn tâm niệm như vậy.
Xin cám ơn Thúy Anh về cuộc trò chuyện rất thú vị!