1. Đừng so sánh con với người khác
Nhiều phụ huynh thường so sánh những đứa con của mình với anh chị em hoặc bạn bè của bé bởi họ nghĩ điều này có thể tạo ra động lực để trẻ phấn đấu. Sự so sánh có thể làm cho trẻ cảm thấy căm ghét và muốn trả đũa anh chị em hoặc bạn bè của mình. Ngoài ra, sự so sánh ấy vô tình làm nảy sinh tính ghen tị và khiến đứa trẻ trở nên khó dạy bảo hơn. Vì vậy lời khuyên cho các bậc phụ huynh, hãy tránh đưa ra sự so sánh giữa các con của mình và đối xử với chúng một cách công bằng.
Ảnh minh họa: News. |
2. Chia sẻ, tìm hiểu nguyên nhân
Hãy tìm hiểu nguyên nhân nào làm con tức giận thay vì đối xử một cách cứng rắn khiến trẻ tỏ ra ấm ức. Bạn nên giải thích cho trẻ biết đó là một cảm xúc hết sức bình thường và nó hoàn toàn có thể kiểm soát được. Nên an ủi nhưng không nên quá nuông chiều trẻ. Thông qua việc chuyện trò, bạn có thể truyền tải thông điệp mà mình muốn nói với con. Điều đó cũng có tác dụng giúp trẻ xóa bỏ thói ghen tị.
3. Cho bé thấy mình là người may mắn
Bằng các phương tiện truyền thông như tivi, báo đài hay các tấm gương cụ thể xung quanh, bạn có thể chỉ cho trẻ thấy cuộc sống còn có những người bạn tuy cũng bằng tuổi của trẻ nhưng không có điều kiện như hiện tại mà trẻ đang có. Với những trường hợp trực quan như vậy trẻ sẽ hiểu mình vẫn còn may mắn hơn nhiều bạn khác và sẽ hạn chế so sánh, ghen tị với bạn bè hơn.
4. Đọc cho con nghe những tác hại của ghen tị
Sự ghen tị có thể gây ra oán giận và phá vỡ tình bạn. Chính vì thế, hãy giúp trẻ có một quan điểm khác về vấn đề này bằng cách đọc hoặc kể những câu chuyện liên quan đến thói ghen tị và tác hại của chúng.
5. Giúp bé nhận ra những giá trị tốt đẹp
Trường hợp trẻ ganh tỵ với bạn chung lớp vì bạn đó được điểm cao, khi đó cha mẹ nên động viên và hướng dẫn, giải thích lý do tại sao bạn lại có kết quả tốt hơn con, từ đó định hướng giúp trẻ cố gắng phấn đấu hơn. Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà phụ huynh có thể tìm ra một phương thức đúng đắn để định hướng giúp trẻ hiểu được các giá trị khác nhau của cuộc sống.
Theo Webphunu