Nhiều gia đình thực hiện chính sách hai con, việc chăm sóc và nuôi dạy một đứa trẻ, vốn đã là một hành trình khá vất vả của những người làm cha mẹ. Nếu phải đẻ thêm đứa nữa, hành trình này lại càng dài và càng vất vả hơn.
Tuy nhiên gia đình có đông thành viên, cũng có nhiều ưu điểm. Không khí trong gia đình sẽ trở nên vui vẻ, nhộn nhịp và mỗi đứa trẻ sẽ có thêm một người em hoặc một người anh/chị để cùng nhau làm điều mình thích.
Ngược lại, để có thể xây dựng được một mối quan hệ hòa thuận, yêu thương lẫn nhau giữa con cái thì bố mẹ cần phải có phương pháp giáo dục đúng đắn. Đây là vấn đề nên được đặt lên hàng đầu, đối với những gia đình có từ 2 con trở lên.
Đề cập về vấn đề này, tình cờ vài ngày gần đây trên mạng xã hội Trung Quốc có đăng tải một đoạn video về hai đứa trẻ. Xuất hiện trong video là hình ảnh hai cậu bé có mối quan hệ anh em và chênh nhau khoảng 3 tuổi. Bởi vì nghịch ngợm mà hai anh em đã gây ra một lỗi lầm nghiêm trọng, khiến cho người mẹ tức giận và trách phạt hai cậu bé đứng úp mặt vào bức tường.
Sau khi tìm hiểu cụ thể thực hư câu chuyện từ lời kể lại của mẹ cậu bé dưới video, thì mọi người cũng được biết đầu đuôi sự việc trên. Vào ngày cuối tuần, hai anh em được nghỉ học nên cùng nhau vui chơi tại nhà.
Trong lúc mẹ xuống bếp chuẩn bị đồ ăn sáng, hai cậu bé đã di chuyển vào phòng riêng của mẹ để nghịch nghợm. Tại đây, cậu em đã vô tình làm đổ hết một nửa lọ nước hoa yêu thích nhất của mẹ, khiến cho mùi hương thơm nồng nàn bao phủ khắp căn phòng.
Mẹ cậu bé hết hồn sau khi chứng kiến cảnh tượng này, bởi vì giá của lọ nước hoa này khá “chát”. Với gương mặt đầy sự giận dỗi, người mẹ nghiêm nghị hỏi lý do dẫn đến sự việc trên, người anh đã vội vàng giải thích: “Bởi vì em trai đánh rắm, nên em đã lấy bình nước hoa của mẹ để khử mùi”. Và kết cục sau đó của hai anh em, như mọi người đã nhìn thấy trong đoạn video.
Tuy nhiên, cuộc trò chuyện nhỏ tiếp theo trong lúc bị phạt của hai anh em mới là điều khiến người mẹ “chết lặng” vài giây, rồi liền lập tức phá lên cười. Nội dung đoạn hội thoại là người anh nói với người em: “Sao em làm như thế, mẹ thực sự tức giận rồi đấy! Bây giờ bố không có ở nhà, vì vậy sẽ không có ai cứu chúng ta đâu”.
Không chỉ có người mẹ cảm thấy buồn cười với những lời nói “đáo để” của cậu con trai lớn, mà cư dân mạng cũng cảm thấy rất thú vị.
Cư dân mạng A: “Anh trai khôn nhỉ! Nhưng cho dù có bố ở đấy thì cũng chưa chắc được việc đâu nhé!”
Cư dân mạng B: “Người bố thật may mắn vì vắng nhà, nếu không sẽ là hình ảnh 3 người đàn ông bị đứng phạt ở góc tường.”
Cư dân mạng C: “Cậu anh trai phân tích quá chuẩn! Tương lai sẽ trở thành một “cao thủ” đây.”
Hình ảnh người anh đang nói chuyện với người em về câu chuyện bị mẹ phạt. Ảnh: Cắt ra từ video (Sohu)
Quan sát cử chỉ và lời nói trong video, có thể cảm nhận được mối quan hệ giữa người anh trai và cậu em hẳn rất tốt. Cậu bé không hề nộ nạt em, mà ngược lại nói với giọng điệu rất từ tốn nhưng không kém phần hài hước.
Thực tế, mối quan hệ giữa con cái trong gia đình đều là kết quả từ quá trình giáo dục của bố mẹ. Giáo dục đúng cách, mọi gia đình đều sẽ yên vui và hạnh phúc. Các chuyên gia cũng mách những mẹo sau, để giúp bố mẹ xây dựng mối quan hệ anh em tốt đẹp cho trẻ.
Bố mẹ hãy ngừng so sánh các con với nhau
Dù là con trai hay con gái, con đầu hay con thứ thì cũng đều là “hạt ngọc quý” của bố mẹ. Mẹ đã vất vả “mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày” để sinh ra con. Chính vì thế, con cái nên nhận được tình yêu thương từ bố mẹ như nhau, để trưởng thành trong môi trường lành mạnh và có điều kiện tốt nhất.
Trên thực tế, rất nhiều gia đình đông con đã xảy ra tình trạng so sánh giữa con cái với nhau. Ví dụ như đứa trẻ này ngoan hơn, còn đứa trẻ kia quá lì lợm; đứa trẻ này chăm chỉ hơn, còn đứa trẻ kia thì quá lười nhác; đứa trẻ này thông minh hơn, còn đứa trẻ kia quá chậm chạp.
Nhưng cách nuôi dạy con như thế này của bố mẹ là hoàn toàn sai trái. Đôi khi vô tình, tạo cho trẻ tâm lý tự ti, thậm chí là ganh ghét, đố kị với những anh/chị/em khác trong gia đình.
Nếu bố mẹ không ngừng so sánh, rồi dán nhãn mác “xấu” cho trẻ thì lâu dần sự phát triển về sau của trẻ sẽ bị cản trở. Đặc biệt, mối quan hệ giữa con cái cũng sẽ có sự rạn nứt và xa cách hơn. Một gia đình không có sự hòa thuận, công bằng thì rất khó để giáo dục những đứa trẻ trở thành một người tốt trong tương lai.
Bố mẹ nên đối xử công bằng với các con, thay vì thiên vị và so sánh các con với nhau.
Bố mẹ dạy các con cách tôn trọng lẫn nhau
Sự tôn trọng là điều kiện tối cần để xây dựng một mối quan hệ bền vững. Bởi vì khi trẻ biết tôn trọng người khác trước, thì chính họ cũng sẽ thể hiện sự tôn trọng dành cho trẻ. Trong gia đình, phẩm chất này càng đáng quý hơn nếu như mọi thành viên đều “sở hữu”.
Đứa trẻ nào cũng cần có “không gian riêng” để tự do phát triển, dù là làm anh; làm chị; làm em hay làm con. Bố mẹ cần nghiêm khắc giáo dục trẻ trong vấn đề tôn trọng cuộc sống cá nhân của các thành viên trong gia đình. Đừng để trẻ “lạm dụng” vai vế cao thấp trong nhà, mà ngang ngược cho bản thân trẻ cái quyền được phép “đụng chạm”, hay “can thiệp” vào những thứ thuộc về “sở hữu cá nhân” của đứa trẻ khác.
Nếu trẻ muốn sử dụng đồ của bất kỳ một ai, bố mẹ nên giáo dục cho trẻ thói quen xin phép ý kiến của người đó trước. Khi họ đồng ý thì trẻ mới được sử dụng.
Trong trường hợp trẻ mè nheo và ương bướng đòi hỏi một cách vô lý, bố mẹ nên kịp thời có cách xử lý khôn khéo và công bằng giữa các con với nhau, thay vì gieo vào đầu của trẻ tư tưởng: “Làm anh, làm chị thì phải nhường nhịn em và phải chấp thuận mọi yêu cầu của em”. Điều này không có tác dụng, mà thậm chí còn gây ra sự mất đoàn kết giữa các con với nhau.
Sự tôn trọng mà các con dành cho nhau, sẽ giúp mối quan hệ anh chị em trở nên bền chặt và gần gũi hơn.
Bố mẹ tạo nhiều cơ hội để các con gắn kết và yêu thương lẫn nhau
Bố mẹ nên dạy cho trẻ hiểu giá trị của sự đoàn kết và tình yêu thương giữa anh/chị/em trong gia đình. Thay vì tạo cho trẻ môi trường ganh đua, để rồi gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa các con với nhau, thì việc xây dựng môi trường giúp trẻ có sự gắn kết sẽ tốt hơn.
Trong cuộc sống hằng ngày, hãy tăng cường sự trải nghiệm cho trẻ bằng cách tạo không gian cho các con cùng nhau làm việc và vui chơi. Từ đó, khuyến khích trẻ chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau, chẳng hạn như để các con san sẻ công việc nhà, tham gia các lớp học năng khiếu cùng nhau, tăng cường hoạt động ngoài trời với gia đình,...
Bố mẹ càng tạo cho trẻ nhiều cơ hội để tương tác với nhau, trẻ sẽ càng hiểu nhau hơn. Khi trẻ cảm nhận được giá trị và tầm quan trọng của tình cảm anh em, trẻ sẽ biết trân quý gia đình và những khoảnh khắc tuyệt vời bên gia đình. Một gia đình hạnh phúc, đoàn kết chính là nền tảng vững chắc nhất để xây dựng cho những đứa trẻ tương lai tốt đẹp về sau.
Khi anh em trong nhà có nhiều cơ hội "tương tác" với nhau, điều này sẽ giúp trẻ hiểu và yêu thương nhau nhiều hơn.