Đó là những chia sẻ rất hữu ích của tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Phó trưởng khoa sản A, Bệnh viên Từ Dũ, trong buổi nói chuyện chuyên đề “Chuẩn bị đón bé yêu chào đời” do Hội quán các bà mẹ tổ chức sáng nay tại TP HCM.
Ảnh minh họa: Babyzone.com |
1. Các giấy tờ cần thiết
- Tất cả các loại hồ sơ, sổ khám thai, kết quả xét nghiệm, siêu âm kể từ ngày bắt đầu đi khám thai để bác sĩ có thể xem lại lịch sử phát triển của thai nhi. Khi thai còn nhỏ, siêu âm tuổi thai sai số chỉ chênh lệch 3-5 ngày, nhưng khi thai to, siêu âm tuổi thai có thể chênh lệch so với thực tế tới 3 tuần. Những giấy tờ từ thời ban đầu sẽ giúp bác sĩ đánh giá đúng hơn tuổi cũng như các tình trạng khác của thai, bệnh lý của mẹ.
- Các loại giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, hộ khẩu, bảo hiểm y tế (nếu có). Nên photocopy sẵn hai bản, không cần thiết phải công chứng, tuy nhiên, khi đi sinh nhớ mang theo bản gốc.
Các sản phụ nên để sẵn các loại giấy tờ này ở nơi dễ lấy, để người nhà có thể lấy hộ trong trường hợp đang đi chợ, đi chơi... thì có dấu hiệu sinh, không thể về nhà lấy kịp.
- Tiền để đóng phí tạm ứng. Hiện nay, phí tạm ứng ở Bệnh viện Từ Dũ đối với mỗi sản phụ là 2 triệu đồng. Chỉ các trường hợp phải cấp cứu mới không yêu cầu đóng tạm ứng.
2. Đồ dùng cho mẹ
- Trang phục: Nên mang áo mở có nút và váy rời. Khi sinh, các sản phụ sẽ mặc trang phục của bệnh viện nhưng sinh xong mẹ được phép mặc váy của mình mang theo. Nếu sản phụ mang quần không tiện cho việc thăm khám, khi đó sẽ phải mặc váy của bệnh viện.
- Quần lót, băng vệ sinh: Nên mang theo khoảng 5-6 cái, tốt nhất là loại bằng giấy, sử dụng một lần.
- Các đồ dùng để vệ sinh cá nhân như bàn chải, kem đánh răng, khăn rửa mặt, lược chải đầu
3. Đồ dùng cho bé
- Khăn bông quấn em bé
- Quần áo trẻ sơ sinh (vài bộ). Các bé sinh tại Bệnh viện Từ Dũ, khi mới chào đời sẽ được mặc quần áo của bệnh viện, bé trai mặc màu xanh lam, bé gái mặc màu hồng. Đến ngày thứ hai, các bé sẽ được mặc quần áo mà gia đình mang theo. Mẹ nên mang áo cài cho bé.
- Tã giấy (20 cái)
- Băng rốn (4-5 cái)
- Bao tay chân (vài bộ). Khi mua bao tay chân cho bé, về nhà, mẹ nên nhớ lộn trái, cắt hết những sợi chỉ thừa. Đã từng xảy ra trường hợp bé bị chỉ thừa của những bao tay chân này quấn quanh tay siết chặt dẫn đến hoại tử ngón tay.
- Khăn sữa (khoảng 20 cái để lau cho bé và lau vú cho mẹ). Tại bệnh viện Từ Dũ, chỉ những trường hợp đặc biệt, các bác sĩ mới để trẻ sơ sinh ăn sữa ngoài, còn đa số là các bé sẽ bú mẹ.
- Rơ lưỡi
- Dụng cụ lấy ráy tai em bé
- Ly nước nhỏ và muỗng inox dành cho trẻ sơ sinh. Tuyệt đối không dùng những muỗng mỏng có thể làm rách miệng của bé.
Tất cả đồ dùng của bé phải được giặt sạch sau khi mua về để tránh dị ứng da cũng như viêm nhiễm cho bé. Tuyệt đối không cho bé mặc ngay những quần áo, khăn quấn... vừa mua ở siêu thị về còn chưa bóc tem.
4 . Và những đồ dùng không nên mang theo
- Kim băng. Tuyệt đối không sử dụng kim băng để cài, nếu sơ suất rất nguy hiểm cho bé. Nên thay thế bằng các miếng dán.
- Báo: Có nhiều sản phụ có thói quen mang theo báo cũ để lót, tuy nhiên thực tế báo cũ rất mất vệ sinh, chứa nhiều vi trùng cũng như có chì trong mực in, có thể gây nhiễm trùng da cho bé hay nhiễm trùng hậu sản cho mẹ.
- Cam thảo: Theo thói quen dân gian, nhiều bà nội, bà ngoại vẫn hay pha nước cam thảo cho trẻ uống, như thế rất nguy hiểm, bởi có thể khiến bé bị suy hô hấp.
- Sữa uống đối với sản phụ sinh mổ. Nếu sinh thường, sản phụ có thể ăn uống bất kỳ món gì, nhưng khi sinh mổ, bác sĩ khuyến cáo sản phụ không nên uống sữa. Thực tế có một số sản phụ uống sữa xong bị tiêu chảy. Sản phụ uống sữa có thể khiến bác sĩ khó phân biệt nhiễm trùng từ đâu, do uống sữa hay do vết mổ.
- Đồ đạc quý giá cũng như các đồ trang sức khác: Thứ nhất; sản phụ đeo đồ trang sức lỉnh kỉnh sẽ mất rất nhiều thời gian tháo ra khỏi người trong trường hợp nguy kịch. Thứ hai, bệnh viện không có trách nhiệm bảo quản đồ đạc cho sản phụ. Ở những chốn công cộng đông người, hiện tượng mất cắp rất dễ xảy ra.
5. Cuối cùng, mẹ nên chọn sẵn bệnh viện, nơi dự định sẽ sinh bé, tìm hiểu trước các điều kiện ở bệnh viện đó.
Kim Kim