Gửi thư về VnExpress.net, độc giả Nguyễn Khắc Hiếu viết: “Trẻ con lớn nhanh lắm, thay đổi quần áo liên tục. Quần áo trẻ em chỉ nên là chất liệu cotton mềm và thoải mái nhất. Do vậy, không nhiều người quá kỳ công trang bị thời trang cho bé”. Còn độc giả Hoai Mong kể con của chị cũng 4 tuổi, chỉ dùng hàng Việt Nam nhưng bé vẫn được khen là ăn mặc đẹp và thông minh. Với thu nhập 100 triệu đồng mỗi tháng, chị hoàn toàn có thể mua hàng hiệu quốc tế cho con nhưng vẫn thích dùng tiền để đầu tư cho con ăn học chứ không mua hàng xa xỉ.
Thực tế, hiện nay có nhiều bé được bố mẹ sắm cho những trang phục hàng hiệu tiền triệu một chiếc. Bên cạnh yếu tố gia đình có điều kiện thì những phụ huynh này thường kinh doanh thời trang, hay mẹ vốn là những tín đồ hàng hiệu lâu năm.
Anh Tuấn Anh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vốn hay đánh hàng từ Mỹ về nên thường cho cậu con trai 21 tháng tuổi mặc hàng hiệu, chủ yếu là hàng giảm giá từ Mỹ. Anh cũng mua một số đồ hiệu Việt Nam, giá khoảng 300 đến 500 nghìn đồng một bộ. Anh cho biết, quần áo của con mặc được khoảng 5 tháng là phải thay một lần, bé mặc rất nhanh chật, nếu mua đồ đắt quá sẽ lãng phí. Cậu con trai chưa đầy 2 tuổi của anh đã biết phân biệt đồ đẹp, xấu và rất thích mặc quần áo đẹp.
Chị Ngọc Lê (chủ một cửa hàng thời trang ở khu phố cổ Hà Nội) cũng thường xuyên cho con trai 4 tuổi diện đồ hiệu như một cách quảng cáo cho cửa hàng của bố mẹ. Chị cho biết vì làm ngành thời trang nên vợ chồng chị đều phải coi trọng hình thức bên ngoài, bố mẹ lịch sự cũng không thể để con lôi thôi lếch thếch. Tuy nhiên, cu cậu hơi nghịch nên đã nhiều lần ăn roi vì tội làm bẩn quần áo. Từ hồi 2 tuổi, bé Bi đã biết chọn những bộ quần áo mình thích, nếu bộ nào không ưng là bé kiếm cớ làm đổ nước để được thay ra, hay mè nheo kêu ngứa, không chịu mặc.
Vốn là một tín đồ của hàng hiệu, chị Mai Anh (Quận 2, TP HCM) rất chịu khó đầu tư quần áo hàng hiệu cho cô con gái 3 tuổi của mình, để hai mẹ con được ton sur ton. Chị Mai cho biết, để mua được một bộ cho con, đương nhiên mẹ phải hy sinh một món đồ. Chị kể nhiều lúc mua quần áo đắt tiền cho bé về bị bà nội bà ngoại la nhưng chồng chị không có ý kiến gì, còn con gái chỉ thích diện những bộ quần áo xịn nên chị vẫn có “động lực” mua sắm.
Tuy nhiên, không nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ ra cả triệu bạc để mua một bộ quần áo cho con nít để rồi bé chỉ mặc được một mùa. “Như thế vừa lãng phí vừa có thể làm hư con”, anh Quang Tiến (36 tuổi, giám đốc một công ty về xuất nhập khẩu tại TP HCM) cho biết. Theo anh, nếu thích khoe con thì chỉ nên cho mặc đồ đẹp thôi chứ không cần phải diện đồ hiệu. Kể cả sau này, khi các con gái anh lớn tuổi hơn (2 bé đều đang học mầm non), biết nhận biết, anh cũng không có ý định cho con tiền để mua hàng hiệu.
Bé Mít mặc hàng Việt Nam trong một lần đi chơi cùng gia đình - Ảnh: Gia đình cung cấp |
Hai bé Tít và Mít (Từ Liêm, Hà Nội) thì thường được mẹ cho mặc đồ Việt Nam với giá khoảng 200-300 nghìn đồng một cái vì chất lượng tốt, bền, tiện lợi, giặt thoải mái. Ngoài ra, đây là những hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm định nên có thể tin tưởng. Theo chị Giang, mẹ của hai bé, một số loại quần áo đắt tiền hơn nhưng lại không tiện dụng, và trẻ con thì không nên ăn mặc quá cầu kỳ. Nên để cho các bé được thoải mái trong những bộ quần áo của mình. Đắt tiền mà phải giữ gìn thì rất khổ. Nhà có điều kiện nhưng chị chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ ra đến 1 triệu đồng chỉ để mua một bộ quần áo cho các bé. “Như thế là lãng phí và không cần thiết”, chị Giang cho biết.
Không chỉ cho con ăn mặc giản dị với những trang phục bằng cotton của một số nhãn hàng bình dân trong nước, chị Minh Phương (Thanh Xuân, Hà Nội) còn rèn cho cậu con trai 6 tuổi của mình tập làm quen với điều kiện sống “ít tiền” như đi xe buýt (trong những giờ xe vắng khách thay vì đi taxi) hay ăn cơm với muối vừng. Thu nhập hai vợ chồng gần 30 triệu đồng, đã có nhà riêng, lại chỉ có một đứa con, chị cho rằng mình hoàn toàn đủ khả năng mua đồ hàng hiệu cho con nhưng chị không bao giờ làm thế. Nếu là những món đồ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự an toàn của con như mũ bảo hiểm, kính mắt hay thuốc chữa bệnh, chị sẽ chọn loại chất lượng cao đắt tiền, nhưng quần áo hay đồ chơi thì luôn ưu tiên loại tiện dụng và không đắt đỏ.
Chị không muốn con xài đồ hiệu hoang phí khi chưa hiểu rõ giá trị của đồng tiền. “Bây giờ bố mẹ kiếm được thì xài sang, sau này bố mẹ không kiếm được, liệu con có chịu khổ được không?” chị băn khoăn. Chị muốn đầu tư vào những giá trị bền vững lâu dài cho con như học tập, nghị lực. Hơn nữa, với cu Tí, những quần áo đẹp là có in hình bóng, siêu nhân, người nhện, bé không phân biệt trang phục có đắt tiền hay không.
Theo thạc sĩ xã hội học Trần Minh Trọng, người đồng sáng lập CLB Dạy con nên người, trẻ em mầm non có thể nhận biết về thẩm mỹ của trang phục nhưng các bé hoàn toàn chưa hiểu được giá trị tiền bạc của món đồ. Qua trang phục, cha mẹ có thể dạy và nên dạy cho các bé biết phân biệt giữa đẹp và không đẹp, giữa sạch và bẩn. Trẻ em cũng có nhu cầu nhận biết cái đẹp. Nếu chọn hàng hiệu cho con, cha mẹ nên chọn những trang phục đáp ứng được tính thẩm mỹ, vì thực tế có rất nhiều sản phẩm tiếng là hàng hiệu nhưng không hề đẹp chút nào. Nên tránh xa những sản phẩm phản cảm không đẹp.
Thông qua việc mua trang phục cho con, cha mẹ nên giáo dục cho con giá trị của sức lao động và cách sử dụng tiền bạc. Tuy nhiên, vì các bé ở lứa tuổi mẫu giáo thường chưa thể nhận biết được giá trị của sức lao động và đồng tiền, nên việc mua quần áo đắt tiền cho trẻ mầm non là chưa thật cần thiết, khi bản thân bé chưa hiểu được giá trị của món đồ. Cha mẹ có thể mua một vài bộ trang phục đắt tiền để bé mặc trong những lần đi chơi cùng cha mẹ. Đến khi bé vào tiểu học, cha mẹ có thể bắt đầu dạy con về giá trị của sức lao động và tiền bạc thông qua việc mua sắm.
Khi mua trang phục cho con, cha mẹ nên dựa trên điều kiện kinh tế thực tế của gia đình. Nếu bé đòi hỏi một bộ quần áo hàng hiệu xa xỉ mà cha mẹ không có khả năng đáp ứng thì nên giải thích rõ cho con. Phải để con hiểu được điều kiện thực tế của gia đình. Khi hứa thưởng cho bé một bộ trang phục đẹp vì những thành tích của bé thì cha mẹ nên thực hiện. Cha mẹ cũng nên tạo điều kiện cho con phải nỗ lực phấn đấu, đừng khiến con có cảm giác cái gì cũng dễ dàng. Cha mẹ cũng không nên dùng vật chất đắt tiền để bù đắp cho những thiếu hụt tình cảm của con cái, dùng vật chất để thay thế sự quan tâm và thời gian của cha mẹ dành cho con.
Ông Trọng cũng cho rằng, cha mẹ nên giáo dục con cái từ sớm, có điều kiện cũng không nên quá nuông chiều đáp ứng mọi nhu cầu vật chất cho con. Rất nhiều phụ huynh giàu có giờ đây đến than phiền với ông rằng cậu ấm cô chiêu tuổi teen của họ tiêu tiền như phá, dùng đồ hiệu đắt tiền, và họ không biết phải xử lý như thế nào.
Chuyên viên tham vấn tâm lý, thạc sĩ Phạm Thị Thúy cũng đồng quan điểm không nên cho trẻ ăn mặc hàng hiệu, bởi khi đó vô tình đã khuyến khích trẻ chú ý đến hình thức quá nhiều, ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ về giá trị con người. Trẻ có thể đề cao giá trị vật chất, đánh đồng vật chất với giá trị bản thân, trẻ có thể học đòi ăn diện trong tương lai, không chú ý học tập rèn luyện những đức tính tốt. Trẻ có thể coi thường bạn bè nghèo ăn mặc xấu hơn. Ngoài ra, trẻ mặc đồ đắt tiền sẽ có nguy cơ bị bắt cóc do kẻ xấu nghĩ cha mẹ giàu có. Chỉ nên cho trẻ mặc đẹp khi đi dự tiệc hay những dịp quan trọng của trẻ và gia đình.
Kim Kim