Bé cứ hỏi tới đến khi nào không còn gì để nói mới thôi. Sau đó, bé cứ lẩm nhẩm về vấn đề vừa mới thảo luận đó. Bé là trai, hiện 8 tuổi. Bác sĩ chẩn đoán bé bị tăng động giảm chú ý. Vì vậy bé đã học 3 năm lớp một (năm học 2014 này bé tạm học được).
Dạo này bé bắt đầu hỏi rất nhiều nhưng toàn là câu vô nghĩa. Em cảm thấy rất lo lắng. Em có cho bé xem một số chuyện kể thiếu nhi trên mạng. Bé xem một lần và nhớ sau đó lại bắt trước. Bé xem chuyện “Trí khôn của ta đây” xong và hỏi rất nhiều, trong đó có một câu làm em lo lắng. Bé hỏi "Trí khôn là gì?", mẹ giải thích "trí là sự thông minh của con người". Bé nói “trí khôn là nói dối con cọp đúng không mẹ?”, lúc đó vì bận công việc nên em cũng không nói gì.
Mấy ngày sau, bé bắt trước nhiều hành động như trong truyện, chẳng hạn như bé kêu em gái nhường máy tính, bù lại cho em kẹo ở trong phòng, khi em gái chạy vào phòng lấy kẹo, bé giành máy tính và cười đắc thắng “trí khôn của ta đấy”... Em đã cố gắng giải thích cho bé hiểu trí khôn ngoan và sự lừa dối là khác nhau nhưng thật khó.
Em cảm thấy rất lo lắng vì sợ bé hình thành nhân cách xấu và rất bối rối không biết hướng dẫn bé như thế nào? (Loan Trần)
Ảnh minh họa: Elevationkidz.com. |
Trả lời:
Chào bạn,
Với những gì bạn chia sẻ ở thư thì ngoài vấn đề tăng động giảm chú ý ra những vấn đề khác không thật sự đáng lo ngại. Việc trẻ hay đặt câu hỏi tại sao đối với những sự vật, sự việc diễn ra xung quanh là việc khá bình thường (nhất là đối với trẻ ở lứa tuổi tiền tiểu học). Theo như chia sẻ thì con bạn bị chứng tăng động giảm chú ý nên nhận thức của trẻ phát triển hơi chậm hơn so với các bạn học cùng tuổi, vì thế với việc bé thường xuyên đặt câu hỏi tại sao, bạn đừng quá lo lắng. Khi người lớn chưa có câu trả lời khiến trẻ hiểu rõ bản chất vấn đề thì để thỏa tính tò mò của mình, trẻ sẽ tiếp tục chất vấn. Qua việc liên tục đặt ra những câu hỏi “tại sao”, trẻ đang thể hiện những mối quan tâm cũng như sự phát triển trí tuệ của mình mà thôi.
Trẻ tò mò tìm hiểu những gì đang diễn ra xung quanh là một điều hết sức tự nhiên. Chính sự tò mò đã thúc đẩy trẻ nhìn, lắng nghe, khám phá và học hỏi. Mỗi khi trẻ đặt ra câu hỏi thì cha mẹ đừng bỏ lỡ cơ hội nắm bắt được trẻ đang nghĩ gì và cảm nhận như thế nào. Không phải câu hỏi nào của trẻ cũng cần cha mẹ phải trả lời chính xác theo cách nghĩ hay hiểu biết của người lớn. Có khi bạn đã giải thích nhưng trẻ vẫn cứ hỏi lại, có thể vì câu trả lời của bạn không nói trúng ý muốn của trẻ .
Thỉnh thoảng, khi trẻ hỏi, mẹ không nên vội trả lời hay giải thích luôn, mà hãy cho con một cơ hội để suy nghĩ về điều đó. Bạn có thể hỏi lại: “Thế theo con thì tại sao?”. Nếu bé nói đúng, mẹ nên khen kịp thời để nuôi dưỡng sự tự tin, còn không, hãy hỏi lại tại sao con nghĩ vậy, để hiểu được cách nghĩ riêng của trẻ, từ đó khuyến khích hay bồi đắp cho bé phát triển… Bạn nên xem mỗi lần bé hỏi là cơ hội tốt để kích thích tính tò mò, gieo nhu cầu, giúp trẻ khám phá, mở rộng sự hiểu biết về thế giới xung quanh.
Ngoài ra, mẹ cũng có thể khuyến khích con hỏi bố, ông bà, cô giáo… để tạo cơ hội cho bé chủ động tương tác với người khác.
Về việc trẻ bắt chước hành vi trong câu chuyện theo một khía cạnh chưa thật hợp lý bạn cũng không cần phải quá lo lắng. Đối với tình huống cụ thể ở thư bạn chia sẻ, có thể khi nghe kể chuyện trẻ chưa được giải thích rõ ràng về việc nhân vật trong câu chuyện vận dụng trí khôn đó như thế nào, vào việc gì và trong hoàn cảnh ra sao. Bạn có nhắc một chi tiết “Bé nói 'trí khôn là nói dối con cọp đúng không mẹ?”, vì bận công việc nên em cũng không nói gì đến bé”, đó có thể chính là nguyên nhân dẫn đến việc bé áp dụng sai từ truyện vào thực tế.
Vì thế khi kể bất cứ một câu chuyện gì cho trẻ nghe bạn hãy rút ra bài học ý nghĩa từ câu chuyện đó cũng như giải thích những thắc mắc mà trẻ đưa ra, giúp trẻ nhận biết được những hành động nào là tốt, hành động nào chưa tốt, cái nào đáng khen, cái nào chưa đáng khen…
Nếu bạn vẫn còn cảm thấy quá lo lắng về tình trạng của con, hãy đưa con đến các trung tâm hỗ trợ tâm lý để được tư vấn cụ thể hơn.
Chúc bạn và gia đình luôn vui.
Thạc sĩ tâm lý học Hồ Thị Thương
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC