Khói thuốc lá có ảnh hưởng vô cùng lớn đến sức khỏe của trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ nói riêng và tất cả mọi người nói chung.
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, khi mình hút thuốc tại những nơi không có sự xuất hiện của trẻ nhỏ sẽ không hoặc giảm phần nào được tác hại của nó đến sức khỏe của con. Tuy nhiên, quan niệm đó chưa hoàn toàn chính xác bởi phần lớn những chất độc hại có trong thuốc lá sẽ ẩn chứa trong cơ thể người hút và lan truyền, tiếp xúc với trẻ nhỏ thông qua con đường hô hấp, trò chuyện trực tiếp sau đó.
Trên đây không phải là những nhận định đơn thuần bởi trên thực tế, đã có trường hợp trẻ nhỏ bị ảnh hưởng hô hấp nặng chỉ vì trong gia đình có người hút thuốc lá.
Đó là trường hợp của con chị Anne Nguyen. Theo chia sẻ của chị, con chị bị chuyến biến ho rất nhanh chỉ trong vòng đúng 1 ngày, cơn ho kéo dài, sâu và chuyển nhanh thành hen phế quản, phổi có tiếng rít. Và nguyên nhân được bác sĩ xác định đó là do bé đã tiếp xúc với người từng hút thuốc lá.
Chị Anne Nguyen vô cùng bất ngờ khi bác sĩ nói nguyên nhân chủ yếu khiến con chị bệnh nặng là do khói thuốc lá. Ảnh minh họa
Câu chuyện được chị Anne Nguyen chia sẻ trên trang cá nhân chỉ vài giờ đồng hồ nhưng nhận được sự quan tâm lớn từ mọi người, hơn 8 nghìn lượt thích và 17 nghìn lượt chia sẻ cùng rất nhiều bình luận khác nhau.
Dưới đây, chúng tôi xin trích dẫn lại chia sẻ của chị:
Con tôi bị ho biến chuyển rất nhanh chỉ trong vòng đúng 1 ngày, cơn ho kéo dài, sâu và chuyển nhanh thành hen phế quản, phổi có tiếng rít.
Khi đưa vào cấp cứu do con lên cơn khó thở, thì nồng độ oxy máu thấp quá... bác sĩ đã nói để con chịu khổ vì cơn khó thở, nguy hiểm tính mạng... Sau 3 ngày con đỡ nhiều nhưng khi khám lại bác sĩ nói phổi con vẫn còn chưa ổn, vẫn tiếp tục kháng sinh để dứt điểm.
Tuy nhiên, điều tôi muốn nói tới ở đây không phải về vấn đề con bị ốm mà là nguyên nhân con ốm.
Bác sĩ nói thời tiết và môi trường bây giờ khắc nghiệt nên con dễ ốm hơn, nhưng có một nguyên nhân sâu sa hơn cả mà bác nhắc tới đó KHÓI THUỐC LÁ. Và bác sĩ chắc chắn, đối với một đứa trẻ đề kháng kém đã từng viêm tiểu phế quản như con, thì HƠI, KHÓI THUỐC chính là nguyên nhân kinh khủng nhất.
Khi bác sĩ hỏi "Nhà có ai hút thuốc không?", tôi đã nói "Có ông trẻ và bố cháu. Nhưng cháu rất ít tiếp xúc và khi hút thuốc mọi người đều tránh cháu, ra ngoài hút xong mới vào".
Bác sĩ lắc đầu và nói: "Chị có biết mặc dù gia đình chị đã có ý thức bảo vệ con nhưng vẫn rất nông cạn không? Chị có biết người hút thuốc họ hít sâu hơi thuốc ấy vào trong phổi của họ, khói thuốc bay lên và tan đi là cái mà chị nhìn thấy, còn hơi thuốc nồng đậm phả dần ra qua hơi thở của người hút thuốc nguy hiểm như thế nào không?
Chất độc có trong thuốc lá ảnh hưởng đến trẻ khi bé trò chuyện với người hút thuốc lá. Ảnh minh họa
Trẻ hấp thu hơi/ khói thuốc thụ động nguy cơ mắc bệnh phổi cao hơn nhiều lần người hút thuốc. Bên này tôi dẫn chị đi xem 1 cháu bé nằm điều trị viêm phổi cấp đã 2 tuần chưa được ra viện, phổi chuyển màu vì hít hơi thuốc thụ động từ ông nội. Họ cũng nói khi hút thuốc thì ông ra sân, hút xong mới vào...".
Tôi tin, tôi luôn tin thuốc lá độc hại như vậy. Và tôi thương con tôi, thương những đứa trẻ giống như con tôi, bản thân chúng không thể tự bảo vệ mình, ngay cả tôi, tôi cũng cảm thấy quay cuồng vì chưa thể bảo vệ con tốt nhất.
Tôi chỉ muốn nói, những người đang cầm điếu thuốc trên tay, ngậm điếu thuốc trên môi, họ đang thu ngắn quãng đường đời của họ, là vì họ ích kỷ. Nhưng họ lấy quyền gì cho phép mình bào mòn cuộc đời của những người khác, những người ấy có thể là bố mẹ, là vợ, là những đứa con của chính họ?
Đừng đổ lỗi vì hoàn cảnh, vì khó khăn, vì cô đơn, vì bất mãn mà ai đó phải tìm tới khói thuốc để quên đi... hãy nhìn thẳng và chấp nhận mình là kẻ kém cỏi, không có nghị lực nếu cứ mãi biện minh. Bởi nếu bạn không bắt đầu mà chỉ đứng đó đốt thuốc thì mọi việc vẫn không được giải quyết, đúng không nào?
Thế nên, nếu bạn thực sự không thấy lo sợ trước những cảnh báo về tác hại thuốc lá cho bản thân mình, nhưng trên tất cả, vì tương lai của những đứa con thơ... HÃY TỪ BỎ THUỐC LÁ ... có được không???
Theo chị Anne Nguyen cho biết, hầu hết tất cả mọi người đều đã biết được tác hại khủng khiếp của thuốc lá nên sau khi cho biết bệnh tình của con, bác sĩ chỉ có thể đưa ra nguyên nhân còn lựa chọn giải pháp phải chính là những người trong gia đình cùng giải quyết mới có thể giúp bé nhanh khỏi và không thể tái phát bệnh.
"Chị cũng trao đổi với mọi người trong nhà để mọi người tự nhìn nhận vấn đề. Bản thân chị cũng thấy khó, suy cho cùng nếu người trong nhà có bỏ thuốc thì con vẫn không được cách ly 100% khói thuốc vì bên ngoài xã hội còn rất nhiều người hút thuốc lá", chị Anne chia sẻ.
Chính vì thế, chị Anne Nguyen mong rằng bài chia sẻ của mình một lần nữa là bài học, kinh nghiệm "xương máu" dành cho các bậc phụ huynh đang nuôi con nhỏ và có thói quen hút thuốc lá.