Vào giường, bé Bi vẫn cứ ê a nói, đến 23h mệt quá thì lăn ra ngủ. Mẹ dỗ con ngủ bằng cách kể chuyện. Kể hết chuyện này đến chuyện khác mà bé vẫn tỉnh như sáo trong khi mẹ mệt lả, nhiều hôm chị Phương nản, chẳng buồn kể chuyện nữa.
Theo thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính (cơ sở tại TP HCM), các bé trai thường bướng bỉnh, nghịch ngợm hơn bé gái nên ngủ khó hơn. Tuy nhiên, nếu bố mẹ biết cách thì vẫn có thể khiến các bé đi ngủ đúng giờ.
Ngủ đúng giờ và ngủ đầy đủ là cách hữu hiệu để đảm bảo sức khỏe cho bé. Ảnh: Kim Kim. |
Những nguyên tắc chung để trẻ ngủ đúng giờ
Trước hết, muốn trẻ đi ngủ đúng giờ, bố mẹ phải thực hiện nghiêm túc thời khóa biểu ăn ngủ trong ngày của bé. Để bé dễ đi vào giấc ngủ, bố mẹ nên duy trì những thói quen nhất định, như là những tín hiệu để bé hiểu đã đến lúc phải đi ngủ. Ví dụ đánh răng, rửa mặt, rửa tay chân, thay quần áo trước khi đi ngủ.
Để dụ con nít ngủ, bản thân người lớn cũng phải hy sinh công việc và các thói quen làm việc buổi tối của mình, nhất là ở những gia đình có không gian sống chật hẹp. Nếu mẹ đã cho bé lên giường, đóng cửa phòng lại nhưng ở bên ngoài, ông bà hay bố vẫn để đèn sáng, vẫn xem tivi thì bé khó mà ngủ ngay, vẫn ngó nghiêng ra ngoài. Rất nhiều gia đình đã phải chọn giải pháp cho con ngủ say, rồi bố mẹ mới lại dậy làm tiếp các công việc đang dang dở của mình.
Chuẩn bị ngủ là thời gian hạnh phúc nhất trong ngày của bé
Các mẹ, các bà thường hát ru ngủ những bé dưới hai tuổi. Bé lớn hơn một chút thì được nghe kể chuyện, đọc thơ. Thạc sĩ Thúy khuyên bố mẹ không nên kể hết chuyện này đến chuyện khác, nên quy định mỗi tối chỉ kể cho bé nghe một câu chuyện: “Trẻ nhỏ rất khôn, được đằng chân sẽ lân đằng đầu, nếu bố mẹ dễ dãi, bé sẽ lấn tới ngay”. Bạn đồng ý kể một, rồi kể hai chuyện thì bạn sẽ phải kể mãi cho đến khi bạn mệt chứ không phải là bé chán như trường hợp của chị Minh Phương.
Với các bé đi học mầm non, thời gian được bố mẹ chăm sóc trước khi ngủ chính là giai đoạn hạnh phúc nhất trong ngày. Vì thế, bố mẹ đừng bao giờ biến thời gian này thành ác mộng với bé. Để dụ bé ngủ, bố mẹ không nên đem những ngáo ộp, quái vật… ra dọa bé. Theo các chuyên gia, khi bị dọa dẫm, bé có thể sợ hãi, dẫn đến giấc ngủ không sâu, không có lợi cho thần kinh và các hormone tăng trưởng. Mặt khác, có những bé rất tinh, phát hiện ra đó không phải là sự thật, bé sẽ không tin vào những đe dọa sau này của bố mẹ.
Ngược lại, bạn hãy nói với bé về những lợi ích mà giấc ngủ mang lại. Một bà ngoại có cháu 4 tuổi học trường mầm non Hoa Quỳnh (phường Tân Định, quận 1, TP HCM) chia sẻ kinh nghiệm: Mỗi ngày bà đều hỏi bé thích gì và bà nói bé sẽ đạt điều đó nếu đi ngủ sớm. Cháu gái của bà thích cao. Bà đã bảo với cháu trước khi đi ngủ: “Cháu ngủ sớm, lớn lên cháu sẽ cao như các cô người mẫu”. Sáng ngủ dậy, bé hỏi: “Bà ơi cháu có cao lên không”, bà trả lời: “Cháu cao lên một chút rồi đó” khiến bé rất vui vẻ mỗi khi được đi ngủ.
Sự thật thì người bà này cũng không hề nói dối cháu, bởi vì khi trẻ ngủ, hormone tăng trưởng tiết ra nhiều gấp 3 lần lúc thức. Thời gian hoạt động mạnh nhất của các hormone này là khoảng 22-24h. Các bé đi ngủ từ 21h sẽ có nhiều cơ hội phát triển chiều cao hơn những bé đi ngủ muộn.
Khó khăn với cả giấc ngủ trưa
Bé Phương Anh (4 tuổi, con anh Lê Quảng, nhà ở quận Phú Nhuận, TP HCM) ngủ tối rất dễ nhưng cho bé đi ngủ trưa lại là một vấn đề lớn với gia đình. Ngày thường đi mẫu giáo, bé vẫn ngủ như các bạn. Đến chủ nhật, cả gia đình đánh vật với bé. Cả nhà ăn cơm xong, lên giường, cô bé vẫn chạy lung tung trong phòng. Bố mẹ đánh đòn, giả bộ giận, bé vẫn không chịu ngủ ngay. Nhiều hôm bé ngủ trưa từ lúc… 4h chiều. Có hôm bé chơi đến tận đến 6h tối, mệt quá mới lăn ra ngủ.
Ở lớp học, giờ ngủ trưa của các bé đều rất chuẩn, các bé ăn trưa tầm 10h30, sau đó đi ngủ. Vào ngày nghỉ, giờ giấc sinh hoạt của các gia đình cũng “cao su” hơn. Buổi sáng, bố mẹ ngủ nướng, bữa trưa bị ăn muộn hơn. Chưa kể rất nhiều gia đình tranh thủ ngày nghỉ bày biện nấu nướng hay đi chơi, thăm hỏi bạn bè nên bé bị quá giấc trưa và không chịu ngủ nữa.
Theo các chuyên gia, nếu trẻ mầm non không ngủ trưa mà 6h tối đã đi ngủ thì bố mẹ nên để yên cho bé ngủ đến sáng, không cần thiết phải đánh thức dậy để cho ăn nốt bữa tối hay bữa sữa đêm. Bố mẹ tuyệt đối không ép con ngủ bằng cách đánh đòn. Trở lại với trường hợp của bé Phương Anh, những hôm bị bố đánh đòn ép ngủ, lúc tỉnh dậy, bé nhất quyết không chịu nói chuyện với bố. Anh Quảng lại phải ngọt nhạt dỗ dành, cô con gái mới nguôi ngoai, mỉm cười.
Đối với những trẻ từ 3 tuổi trở lên, ban ngày các bé rất sung sức, chơi và hoạt động luôn chân tay rất tiêu hao sức lực, nên buổi tối sẽ ngủ ngon. Chỉ cần ngủ đủ ban đêm, chất lượng giấc ngủ tốt là có thể đảm bảo cho sự phát triển của bé. Cho nên, nếu bé không có nhu cầu ngủ trưa thì bố mẹ không cần phải ép bé đi ngủ, có thể cho bé chơi nhẹ nhàng ở trên giường.
Nếu bố mẹ đã không thể duy trì nền nếp như ở trường thì cũng không nên ép bé ngủ trưa bằng mọi cách. Cha mẹ vừa mệt mỏi bực mình mà các bé lại có những trải nghiệm không vui vẻ.
Kim Kim