Thấy con trai chậm tư duy về toán, dạy trước quên sau, chị Uyên lên mạng lần tìm mọi cách tăng trí thông minh cho trẻ nhỏ. Thực đơn của bé Tôm ngày nào cũng có cá hồi, trứng, các loại hạt đậu... Sau bữa ăn, chị Uyên còn ép con tráng miệng bằng quả óc chó, hạnh nhân và mỗi ngày 2 cốc sữa. Nhờ sức mẹ chăm, Tôm ngày càng mập mạp lên, nhưng đếm số vẫn là bài toán hóc búa đối với cậu bé.
Thông minh về lĩnh vực tự nhiên là một trong 8 loại thông minh ở trẻ. Ảnh: Shutterstock |
Lo con bị chậm tư duy, chị Uyên đưa Tôm đến khoa Tâm lý, bệnh viện Nhi Đồng 2 để kiểm tra. Sau khi được bác sĩ kết luận phát triển bình thường, chị mới ngớ ra rằng, cậu con trai sở hữu loại thông minh về lĩnh vực tự nhiên. Tôm thích chơi đùa với các chó, mèo, thậm chí biết quan sát, nhận ra chính xác chú mèo nào muốn chơi đùa hay tỏ ra khó chịu.
Tuy nhiên, chị Uyên tỏ ra khá thất vọng với kết luận của bác sĩ. Theo chị, chuyện con yêu thích lĩnh vực tự nhiên không phải là trí thông minh. Chị muốn con phải giỏi toán, nhớ nhanh mặt chữ, thuộc làu các con số, đếm thật rành rọt.
Gần đây, anh Thái Tâm (Linh Đàm, Hà Nội) bỗng dưng khắt khe với cậu con trai 7 tuổi. Gia đình có truyền thống công tác trong quân đội, anh Tâm cũng muốn con lớn lên theo nghiệp bố, làm trai thì phải rắn rỏi và quyết đoán. Ấy vậy mà, bé Nam chỉ mải mê học nhạc và vẽ vời. Mặc dù Nam đoạt giải nhất trong cuộc thi vẽ ở trường, song anh Tâm chỉ coi mấy bức vẽ như đồ bỏ đi.
Thông minh không có nghĩa là phải giỏi Toán, Văn. Ảnh: Shutterstock |
Bác sĩ Thái Thanh Thủy - Trưởng khoa Tâm lý, bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, những ông bố bà mẹ như chị Uyên, anh Tâm không phải là hiếm. Tiêu chuẩn của các bậc phụ huynh là con cái phải giỏi các môn Toán, Văn... hoặc có khả năng nắm bắt nhanh nhạy các vấn đề logic. Tuy nhiên, cách đánh giá này không đúng với quan điểm của tâm lý giáo dục học hiện đại, cũng như sự phát triển của xã hội hiện nay.
Theo học thuyết “Thông minh đa chiều” của Howard Gardner, được Thomas Armstrong - Tác giả cuốn sách "Bạn thông minh hơn bạn nghĩ" phổ biến, mỗi đứa trẻ khi sinh ra đều có đủ 8 loại hình thông minh. Chúng bao gồm trí thông minh về ngôn ngữ, toán học, thế giới tự nhiên, không gian, âm nhạc, vận động, giao tiếp và nội tâm. Một vài loại thông minh có thể vượt trội hơn cả. Cha mẹ nên nắm bắt kịp thời, khắc phục sở đoản, vun vén sở trường và giúp bé định hướng nghề nghiệp tương lai.
Chú trọng hệ tiêu hóa giúp trẻ hấp thụ tối ưu các chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày. Ảnh: Shutterstock |
Bác sĩ Thủy nhấn mạnh, trí thông minh của trẻ bị chi phối bởi 3 yếu tố: di truyền, dinh dưỡng và giáo dục. Yếu tố di truyền không thể thay đổi, song, cha mẹ vẫn có thể tác động thêm về mặt dinh dưỡng và giáo dục để giúp con phát huy tốt nhất trí thông minh của mình.
Trước hết, cần phải phá bỏ định kiến áp đặt của cha mẹ, tạo điều kiện cho trẻ phát triển tốt nhất loại hình trí thông minh phù hợp. Phát hiện năng khiếu của trẻ bằng cách quan sát trong quá trình cùng chơi, cùng học với con. Bằng cách này, bé sẽ tự tin, khám phá rõ bản thân và hạnh phúc hơn khi được theo đuổi điều mình thích.
Thay vì chỉ cho con ăn chất "bổ não", cha mẹ nên cân bằng chế độ dinh dưỡng theo 4 khía cạnh: sức đề kháng, phát triển tầm vóc (cân nặng, chiều cao), hỗ trợ hệ tiêu hóa và phát triển trí não. Đây là chế độ tiêu chuẩn giúp bé khỏa mạnh hơn, hỗ trợ vận động, gia tăng khả năng tiếp xúc với môi trường bên ngoài và hấp thụ tối ưu các chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày.
An San