Sữa mẹ luôn là thực phẩm tốt nhất cho trẻ, vì vậy các bà mẹ luôn muốn cho con mình hưởng nguồn dinh dưỡng vô giá này. Cho con ruột bú đã là một nhẽ, nhưng nếu các mẹ nhận con nuôi mà muốn cho bé bú sữa mẹ thì phải làm thế nào? Hiện nay có rất nhiều mẹ trong tình huống này phải đi xin sữa mẹ cho bé uống, điều này đôi khi lại là lợi bất cập hại bởi các mẹ sẽ không lường trước được chất lượng của những túi sữa mẹ đi xin ấy có thực sự đảm bảo và phù hợp với con mình không. Câu chuyện được chia sẻ dưới đây có thể sẽ giải được bài toán khó làm sao để các mẹ có con nuôi muốn cho bé bú và cả những mẹ không có sữa vẫn có động lực để dành cho con mình những điều tốt đẹp nhất.
Hành trình nuôi con nuôi bằng sữa mẹ của mẹ Úc
Câu chuyện có thật được chia sẻ trên tạp chí chuyên đề sữa mẹ của Úc năm 2011 này đã làm kinh ngạc biết bao bà mẹ vì nó đã khơi lên một khả năng tiềm ẩn kì diệu của người mẹ, đó là không nhất thiết cứ phải sinh con mới mẹ mới có sữa.
Chị Bronwyn hạnh phúc bên hai con gái
Sau khi nghe bác sĩ thông báo là mình không thể có con và rằng anh chị chỉ có thể nhận con nuôi, chị Bronwyn Blackwell đã cảm thấy rất buồn một phần vì chị sẽ không bao giờ có thể trải qua cảm giác được nuôi con bằng sữa mẹ. Chị luôn quan niệm rằng, nếu không có bầu, không có hóc môn cần thiết và không có quá trình chuyển dạ giúp đưa tín hiệu cho ngực sản xuất sữa, nuôi con bằng sữa mẹ sẽ là điều không thể. Nhưng tất cả đã trở nên tươi sáng hơn khi chị được một cặp bố mẹ có con nuôi chia sẻ về việc cho con bú mẹ. Bronwyn đã tỏ ra rất ngạc nhiên nhưng sau đó mới phát hiện ra rằng điều này cũng không phải quá lạ lùng và rằng có rất nhiều cách để kích sữa mà không nhất thiết phải sinh em bé. Sau khi đã nghiên cứu kĩ càng, chị đã nhận ra rằng mình vừa có thể nhận con nuôi và cho bé bú mẹ. Vì vậy, vài tháng trước khi quyết định nhận con nuôi, Bronwyn đã chuẩn bị sẵn sàng cho cơ thể để đón con gái.
Chị không sử dụng bất kì một liệu pháp y tế nào mà chỉ kích sữa bằng tay và quan sát. Không lâu sau khi chị bắt đầu kích sữa, chị đã nhận được những tín hiệu đầu tiên của cơ thể mình. Dù lượng sữa sản xuất ra rất ít nhưng chị đã vui mừng khôn xiết vì cuối cùng những nỗ lực của mình đã được đền đáp. Số sữa chị vắt ra mỗi ngày trong thời gian chờ nhận nuôi con chỉ có 5ml, nhưng điều đó chẳng làm chị bận tâm.
Khi vợ chồng chị bắt đầu nhận bé gái làm con nuôi, bé đã được 9 tháng tuổi và đã bú sữa công thức từ khi mới sinh. Vì vậy đối với cô bé, không chỉ bố mẹ nuôi mới là hai người hoàn toàn xa lạ, mà việc bú mẹ là khái niệm mà bé chưa bao giờ biết đến. Sau khi đưa con về nhà, phải rất nhiều ngày sau chị mới thử cho bé bú lần đầu tiên, bởi Bronwyn cảm thấy bé chưa đủ gắn kết với mẹ. Mới đầu, khi bé đến cữ bú bình, chị cố gắng giúp bé chuyển hướng vào ngực mình để tập bú mẹ, và rồi đến một ngày không lâu sau đó, bé đã chịu ngậm ti mẹ sau khi quay lưng khỏi bình sữa. Điều này không xảy ra thường xuyên và chị đã rất khó khăn khi dạy bé bú mẹ đúng cách. Chị phải thừa nhận rằng bé bú mẹ rất kém, nhưng điều này thay đổi khi không lâu sau đó bé nhìn thấy mẹ cho em gái mình bú.
Một vài tháng sau khi đón con gái về nhà, chị sửng sốt khi phát hiện ra mình đã mang bầu được 2 tháng! Sau đó chị đã được khuyên là sẽ không tốt khi duy trì cho con bú trong khi đang mang thai, một lời khuyên mà sau này chị cảm thấy hối hận khi nghe theo. Con gái thứ 2 của chị bú mẹ rất tự nhiên, nếu được thậm chí cô bé có thể bú cả ngày lẫn đêm. Cô con gái đầu tiên, khi ấy đã được 18 tháng đã nhìn em bú một cách thích thú. Đến khi cô em được 3 tháng, có lẽ do quá muốn ti, cô chị mới hỏi mẹ “Con, em bé, con, ti mẹ”. Và rồi chị quấn con trong chăn và bắt đầu cho bé bú. Đầu tiên bé cũng không biết phải bú thế nào và vài tuần sau bé mới tập bú lại. Vì cô chị cả đã lớn hơn một chút nên chị đã có thể hướng dẫn bé bú đúng cách. Chị đã cho bé lớn bú hàng ngày sau đó. Chị nhận ra rằng bú mẹ là một sợi dây liên kết tuyệt vời giữa hai mẹ con, nó giúp mẹ con chị trải nghiệm cảm giác giữa mẹ và em bé mà chị đã bỏ lỡ. Bé lớn thường đòi bú mẹ khi bé muốn được thư giãn, chị rất vui khi bé đã đủ lớn để chị hiểu bé đang nghĩ gì. Bé thứ hai đã được gần một tuổi và vẫn chưa có ý định cai sữa. Chị đã tận hưởng những khoảnh khắc gắn kết tuyệt vời giữa mẹ và hai con gái khi cho các bé bú mẹ.
Bí quyết gọi sữa về cho con nuôi
Vậy là việc nuôi con bằng sữa mẹ không còn là điều bất khả thi đối với các bé được nhận nuôi nữa. Tuy nhiên việc kích sữa đúng cách là cả một quá trình yêu cầu các mẹ phải nỗ lực rất nhiều và không ngừng hi vọng và luôn giữ thái độ lạc quan. Chỉ có một nửa các mẹ nhận con nuôi muốn cho con bú có thể kích được lượng sữa như mong muốn, nhưng mẹ cũng đừng nản lòng.
Chính hành động bú mẹ của em bé đã kích hoạt cơ chế sản xuất sữa, chứ không phải là một phản ứng tự động nào đó khi mẹ có bầu. Các hóc môn giữ vai trò chính trong quá trình sản xuất sữa của cơ thể. Prolactin, một loại hóc môn của tuyến yên, tạo ra sữa mẹ, và nếu các mẹ kích sữa đủ để tăng lượng hóc môn này lên, mẹ sẽ có sữa cho con bú.
Vắt sữa là việc không quá khó khăn,, nhưng lại đòi hỏi rất nhiều thời gian của mẹ. Mẹ sẽ phải mất đến hơn một tháng mới có thể “kích hoạt” cơ chế sản xuất sữa, bắt đầu từ từ và tăng lên khoảng 8 đến 10 lần mỗi ngày.
Có thể lượng sữa mẹ vắt ra không đủ để đáp ứng nhu cầu của bé ngay, vậy nên mẹ có thể sẽ phải bổ sung thêm sữa ngoài cho bé. Nhưng bổ sung thế nào mới hiệu quả, các mẹ hãy tham khảo Cơ chế cho bú bổ sung bằng ống dẫn sữa sau đây.
Cơ chế mẹ cho bé bú bổ sung bằng ống dẫn sữa (hình minh họa)
Trong cơ chế này, các mẹ có thể cho bé kết hợp bú sữa ngoài kết hợp ti mẹ qua một đường ống nhỏ được dán vào núm vú mẹ, chai sữa (hoặc túi sữa) gắn với đường ống này sẽ được mẹ cầm riêng. Với phương pháp này, bé vừa có thể bú bổ sung sữa ngoài, vừa có thể ti được một lượng sữa tiết ra từ ti mẹ và giúp kích thích tiết sữa của mẹ qua hành động bú. Với cách này, sữa ngoài mẹ sử dụng nên là sữa nước chứ không nên dùng sữa pha bằng bột bởi nếu pha không kĩ bột sữa lắng lại sẽ là tắc ống dẫn sữa.
Cho con bú mẹ không chỉ có mục đích duy nhất là cung cấp cho bé nguồn dinh dưỡng tốt nhất, mà còn là sợ dây liên kết vô hình giữa hai mẹ con, giúp cả mẹ và bé thêm cơ hội để gần gũi và yêu thương nhau hơn. Vì vậy dù không sinh con và nhận nuôi con nuôi, các mẹ hãy đừng từ bỏ cơ hội cho bé bú mẹ nhé.