Lấy chồng rồi ở lại TP HCM sinh con, đến nay con trai đã hơn 3 tuổi nhưng Quỳnh Trang (quê Thái Nguyên), tư vấn viên của một công ty bảo hiểm vẫn chưa dắt con về ăn Tết nhà ngoại. Một phần vì những năm trước con còn nhỏ, đi lại dịp Tết đông đúc vất vả, một phần vì bà nội xót cháu về miền Bắc chịu lạnh không xuể, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nhiều bà mẹ tất bật chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo cho chuyến về quê dịp Tết. Ảnh: Lê Phương. |
Năm này con đã lớn, lại được nghỉ dài ngày nên Trang đã lên kế hoạch từ mồng 3 Tết sẽ cùng chồng con về quê ngoại ở Thái Nguyên. "Đây vừa là dịp đi thăm viếng họ hàng bên ngoại, vừa giúp con được thỏa sức vui đùa với các anh chị em họ, sống trọn vẹn với không khí truyền thống của miền quê", Quỳnh Trang cho biết.
Bên cạnh việc sắm thực phẩm, kẹo bánh, quà biếu, vật dụng trang trí nhà cửa như mọi năm thì năm nay phần quần áo cho gia đình lỉnh kỉnh thêm những áo ấm, mũ len, khăn choàng, vớ, găng tay, những sản phẩm dưỡng da trong trời lạnh... Ngoài ra cô còn chuẩn bị thêm một số thực phẩm đóng hộp mà bé ưa thích đề phòng trường hợp chợ quê mở muộn.
Bà nội bé cũng tự tay đi mua đủ các loại thuốc tiêu chảy, hạ sốt, cảm cúm, nhức đầu, băng cá nhân, bông gòn... vì sợ cháu về vùng nông thôn, các tiệm thuốc Tây đầu năm thường đóng cửa nên nếu có sự cố gì thì không thuốc men kịp thời. "Bà nội bé cũng dặn dò về quê cẩn thận, không để bé nghịch ngợm gần bếp sưởi ấm, bếp đun nấu, gần những nồi dầu mỡ nóng để bé khỏi bị bỏng", Trang chia sẻ thêm.
Từng đưa con từ Nam ra Bắc ăn Tết từ khi con còn nhỏ, chị Lệ Thu, quận 2, TP HCM chia sẻ kinh nghiệm về việc đi tàu xe đông đúc. Với những trẻ nhỏ, nếu chọn phương tiện di chuyển là tàu lửa, xe đường dài thì bố mẹ cần chuẩn bị dầu gió, các loại thuốc chống say tàu xe, túi đi vệ sinh cho bé.
"Lần về quê năm trước, khi bé nôn, trớ, do không để quần áo bên ngoài nên mình chỉ có đồ thay cho bé còn mình vẫn phải mặc nguyên đồ bẩn rất khó chịu. Ngoài vali quần áo đã cất riêng ở gầm xe, tàu thì cần sắm thêm một túi nhỏ đựng những vật dụng, quần áo cần thiết sẽ dùng dọc đường để thuận tiện sử dụng", chị Thu cho biết.
Tránh cho bé ăn uống quá nhiều và ăn các thức ăn dầu mỡ khi lên tàu xe. Cần chú ý đeo khẩu trang cho bé để đề phòng bệnh tật khi chen chúc đông người. Với những trẻ lớn, cần dặn dò trẻ theo sát cha mẹ ở những nơi tàu xe đông đúc, đề phòng kẻ xấu lợi dụng. Bố mẹ cần chú ý quan sát không để trẻ chạy nhảy đùa nghịch ở bến xe, sân ga.
Chú trọng dạy cho bé những quy tắc ứng xử với ông bà cô bác dịp Tết. Ảnh: lamsao |
Việc tập luyện cho con những thói quen, lễ nghi khi về ăn Tết quê cũng rất quan trọng. Chị Thu Tài, ngụ tại quận 9, TP HCM cho biết, cả tuần nay chị đã chuẩn bị tâm lý, thỏa thuận trước những việc được làm và không được làm cho hai cậu con trai trước chuyến về quê.
"Lúc bé đầu được 2 tuổi, mình có đưa về quê đi chúc Tết, dùng cơm ở nhà họ hàng. Ở nhà được cưng chiều quen rồi nên hễ thức ăn nào không thích là cu cậu cứ thế phun ra trước mặt người lớn. Mình giận điên người nhưng không thể đánh mắng con ngay lập tức được, về nhà phải uốn nắn mãi mới được đấy", chị Tài tâm sự.
Theo chị Tài, trẻ con ở thành phố ít tiếp xúc với người lớn, khi về quê gặp họ hàng đông đủ cần dạy con những quy tắc ứng xử cần thiết, từ cách chào hỏi, cách chúc, cách chơi với các anh chị em họ cũng như cách mời, gắp thức ăn, ăn uống lịch sự nơi đông người.
"Nhiều bé bình thường khá ngoan nhưng cứ ở chỗ đông người là hay mè nheo, la khóc, tìm cách "ăn vạ" bố mẹ. Bố mẹ cần phải xử lý khéo léo, bình tĩnh răn đe, uốn nắn trẻ. Nếu bé cư xử không đúng đắn thì rất dễ bị mọi người đánh giá bố mẹ không biết dạy dỗ con", chị Tài chia sẻ thêm.
Lê Phương