Vấn đề là tôi không thể tập cho bé ăn những thứ này vì con không chịu ăn. Còn những thứ như ổi, hồng, râu mực nướng cứng và rất dai thì bé lại nhai rất tốt. Khi ăn những thứ không thích, con sẽ ngậm rất lâu, nếu bố mẹ quát, con sẽ khóc và nhè hết thức ăn ra.
Tôi cảm thấy ức chế không chịu nổi. Tôi vẫn xác định là bé thích ăn gì thì ăn, không ép nữa, nhưng rất buồn khi nhìn thấy những đứa trẻ khác ăn rất ngoan và rất nhanh. (Lê Liên)
Ảnh minh họa: MT. |
Trả lời:
Chào bạn,
Qua thông tin bạn chia sẻ, tôi hiểu bạn là người mẹ rất lo lắng và chăm sóc con chu đáo. Trong xã hội hiện đại của chúng ta, cha mẹ càng quan tâm chăm sóc trẻ thì càng cảm thấy nhiều điều “đáng lo”, đặc biệt là trong vấn đề ăn uống đối với trẻ ở lứa tuổi mầm non và tiểu học.
Với trẻ nhỏ, khi ăn có những món bé thích và những món bé không thích là điều rất bình thường. Bạn không nên quá buồn về vấn đề này mà nảy sinh tâm lý nóng giận, quát mắng làm cho trẻ khiếp sợ, trở thành biếng ăn. Bạn là người gần gũi con thường xuyên vì thế hãy lựa theo đặc điểm tâm lý của con để có cách thức điều chỉnh phù hợp. Chúng tôi xin gửi một số ý kiến trong cách giúp đỡ con làm quen với các món mà con không thích như sau:
- Tập cho trẻ ăn những món không thích từng bước: Bạn nên có kế hoạch cụ thể, ban đầu không nên ép ăn nhiều món mà trẻ không thích. Bạn vẫn cho trẻ ăn những món ưa thích, đồng thời xen vào đó một món trẻ không thích. Món này buổi đầu bạn chỉ nên cho ăn một chút, nếu con muốn ăn nữa cũng dừng lại, để trẻ có cảm giác thèm, nhớ hoặc chưa đến mức khiếp sợ, từ chối. Bạn cũng nhớ rằng trong một bữa chỉ tập cho ăn một món bé không thích, các món khác bé đều thích.
- Sử dụng khen thưởng để khuyến khích trẻ: Trẻ nhỏ rất thích khen thưởng, vì vậy bạn đừng nên quát mắng để ép trẻ làm một điều mà con không thích. Thay vào đó bạn sử dụng phần thưởng để khuyến khích. Đó có thể rất đơn giản chỉ là một lời khen, một cái ôm hôn “mẹ yêu con”, “con giỏi lắm”…
- Trò chơi ăn uống: Trẻ nhỏ thích chơi cả khi ăn, bạn tập vai với trẻ khi ăn như “Hai mẹ con mình chơi trò công chúa nhé! Công chúa rất thích ăn thịt gà, hôm nay hoàng hậu nấu canh gà rất ngon dành riêng cho công chúa. Công chúa ăn nào?”. Hoặc bạn đặt tên cho các món ăn thật thú vị, hấp dẫn như món thịt luộc là lợn tắm nước sôi, món gà rán - gà dạo vườn chanh, món tôm hấp - tôm mặc áo đỏ... Trẻ sẽ cảm thấy rất vui thích với trò này đấy.
- Chế biến món ăn: Một điều không thể thiếu là bạn cần thay đổi món ăn thường xuyên, chế biến hấp dẫn để bé cảm thấy thích, cũng là tập cho bé ăn thịt lợn nhưng hôm nay có thể là món thịt kho, ngày mai là thịt rán, thịt quay, thịt luộc, thịt xào, thịt làm nhân bánh, thịt trộn… Tốt nhất bạn nên chế biến khéo để bé không nhận ra đây là món thịt lợn nữa, cho bé ăn và làm quen với mùi vị của thịt lợn.
- Cho trẻ bắt chước: Trẻ nhỏ rất thích bắt chước bố mẹ và người xung quanh. Những món ăn trẻ không thích, bố mẹ hãy ăn ngon lành và thích thú trước mặt trẻ. Khi có những người lớn hoặc nhất là bé khác ăn các món đó, bạn hãy khen ngợi điều đó trước mặt trẻ, tạo tâm lý muốn được như thế.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC