Khi người lớn nói gì cháu đều hiểu rất rõ. Chẳng hạn tôi bảo “con đưa cho mẹ cái chìa khóa” là cháu biết với chìa khóa để vào tay mẹ, hoặc nói “con nằm xuống ngủ đi” là cháu lăn ra chiếu, tự giả vờ vỗ về mình…
Tôi cũng rất chịu khó trò chuyện với con, hễ về nhà là nói, làm gì cũng nói với cháu, chẳng hạn như “mẹ tắm cho em nhé”, "mẹ bật đèn này”, “hai mẹ con mình đi chơi nhé, con chó chạy qua kìa”… Tôi không hiểu tại sao cháu vẫn chưa nói được. Bé lớn nhà tôi, cháu gái, trước đây một tuổi đã nói được khá nhiều rồi. Có cách nào giúp con học nói nhanh không ạ? (Minh Hải)
Ảnh minh họa: Livescience.com. |
Trả lời:
Tôi rất hiểu những lo lắng của bạn, tuy nhiên tôi cũng muốn nói với bạn rằng với thông tin chia sẻ của bạn về con thì sự phát triển ngôn ngữ của trẻ vẫn nằm trong ngưỡng bình thường, chưa thể khẳng định là con chậm nói hay chậm phát triển ngôn ngữ.
Trẻ 14 tháng, có thể phát ra những âm ba ba, bà bà, cha cha… có thể nghe và hiểu được mệnh lệnh đơn giản của người lớn như vậy là có được tiền đề tốt để phát triển ngôn ngữ. Tuy nhiên tôi cũng xin chia sẻ với bạn về vấn đề này như sau:
Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ thường diễn ra mạnh mẽ trong giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi. Với mỗi trẻ, các giai đoạn này có thể diễn ra nhanh hay chậm tùy thuộc vào điều kiện tiếp xúc của trẻ và tùy thuộc vào chính bản thân trẻ. Ở bé trai sự phát triển ngôn ngữ thường chậm hơn một chút so với bé gái, vì thế khi bạn so sánh bé với chị của bé thì chị thường sẽ có sự phát triển ngôn ngữ tốt hơn.
Việc bạn thường xuyên nói với trẻ để trẻ nghe, hiểu và bắt chước là rất tốt. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại, khi trẻ đã có được một số âm kép như pa pa, ba ba, bà bà… thì việc cung cấp vốn từ để trẻ nói các âm đơn có nghĩa là rất cần thiết. Để giúp trẻ, bạn nên sử dụng các âm đơn để nói với con, không nên nói cả câu dài trẻ sẽ khó nghe, khó bắt chước. Ví dụ, khi bạn cho trẻ tắm thì nên nói nhiều lần từ “tắm, tắm, tắm” hoặc khi bật đèn thì bạn nên nói “đèn, đèn” kéo dài từ và nói rõ từ để trẻ kịp nghe, hiểu sau đó thì hướng dẫn trẻ bắt chước với mẫu câu “con nói đèn/tắm/mẹ/bác/anh… nào?”.
Khi trẻ đã học được khối lượng từ đơn kha khá thì bạn bắt đầu tăng dần số từ trong câu cho bé như “tắm em”, “bật đèn”… rồi tăng dần thành câu hoàn chỉnh. Bên cạnh việc nói với trẻ thường xuyên bạn cũng nên kích thích nhu cầu nói của trẻ. Bạn không nên vội vàng thực hiện các yêu cầu bằng cử chỉ của trẻ mà nên chờ đợi trẻ phát ra âm thanh để thể hiện nhu cầu, nếu trẻ không có tín hiệu thì bạn nên hướng dẫn. Ví dụ, khi muốn uống nước, trẻ hướng tay bạn lại phía bình nước, bạn nên chờ đợi trẻ có tín hiệu ngôn ngữ với mình như “ư ư” sau đó bạn chỉ vào bình nước và nói với trẻ “nước, nước” rồi lấy nước cho con uống. Dần dần bạn yêu cầu “con nói nước” rồi mới lấy nước cho trẻ uống.
Khi dạy ngôn ngữ bạn nên thường xuyên cho con tiếp xúc với mọi người nhất là những đứa trẻ cùng tuổi hoặc lớn hơn một chút. Trẻ sẽ học được nhiều từ những người bạn, đồng thời rèn luyện tính bạo dạn, tự tin khi giao tiếp.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC