Do mùa hè trẻ bắt đầu nghỉ học ở nhà nhưng đa số các bậc phụ huynh vẫn phải bận rộn với công việc làm ăn nên nhiều gia đình không có thời gian để mắt đến trẻ những khi bé nghịch ngợm, tò mò, khám phá. Chính lý do này là một phần nguyên nhân khiến thời điểm mùa hè là là thời điểm con dễ tiếp xúc với những dị vật dễ gây hóc, nghẹn nhất. Chỉ trong 1 tháng đầu hè, đã có rất nhiều trường hợp trẻ tử vong đáng tiếc xảy ra.
Hóc, nghẹn do cha mẹ không để ý
Chị Hoài Thu (Ba Đình, Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại vụ tai nạn của con. Bé Nam, con trai chị Thu mới được 4 tuổi. Trước đây khi con đi học mẫu giáo, chị rất yên tâm bởi ở lớp của con, các cô giáo đều có nghiệp vụ chuyên môn rất cao, tuyệt đối không bao giờ cho bé ăn những vật nhỏ, dễ gây hóc nghẹn như thạch, lạc, kẹo cứng, kẹo cao su…Vậy nhưng Nam vừa nghỉ hè được một tuần thì sự cố đã xảy ra. Vì vẫn bận đi học, chị Thu để Nam ở nhà với bác giúp việc. Vậy mà chỉ vài phút bác giúp việc đưa Nam ra sân chơi với các bạn hàng xóm, cậu bé đã nhanh chóng xin được của các anh lớn một miếng thạch. Mãi đến khi thấy Nam mặt mũi đỏ gay, liên tục khóc lóc, bác giúp việc và mọi người mới hớt hải chạy lại. May mắn, nhờ cốc nước của một cô hàng xóm, viên thạch cũng đã chui lọt cổ họng của Nam. Về nhà nghe kể chuyện, chị Thu vẫn còn không hết sợ hãi.
Một trường hợp “hú vía” nữa: ngày 8/6 vừa qua một bé trai 12 tháng tuổi ở Hà Nội vừa được các bác sĩ BV Nhi TW cứu sống khi gắp ra được mảnh xương lợn có trong thực quản. Khi nhìn thấy mảnh xương lợn được gắp ra của con mình, bố mẹ bé cũng không thể nhớ được thời điểm và hoàn cảnh khiến con mình bị hóc xương. Gia đình chỉ cho biết, bé có được ăn cháo hầm cùng xương, sau khi ăn có nôn trớ nhưng vẫn sinh hoạt bình thường. Chỉ đến khi thấy con bỗng bị sốt cao liên tục, quấy khóc nhiều, gia đình đã đưa đi khám tại BV Nhi Trung ương thì mới phát hiện thực quản của bệnh nhi có dị vật. May mắn, bé trai này đã được tiến hành nội soi, gắp thành công dị vật ra mà không gây thêm bất cứ tổn thương nào. Nếu không được can thiệp sớm, để lâu sẽ gây ra áp-xe thực quản, dẫn tới thủng thực quản, nguy hiểm đến tính mạng
Mẩu xương lợn được tìm thấy trong thực quản bé trai 12 tháng tuổi.
Tuy nhiên, không may mắn được như hai bé trên, bé Việt Hà (6 tuổi, Hà Nội) đã bị tử vong vì quả vải nghẹn trong cổ họng. Khoảng 19h, ngày 12/6, khoa Hồi sức - Cấp cứu (Bệnh viện Vân Đình, Hà Nội) đã tiếp nhận bé trai Nguyễn Việt Hà (6 tuổi), trong tình trạng mất ý thức, ngừng thở, ngừng tim. Nhận thấy bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, các bác sĩ đã dùng mọi biện pháp cứu chữa ngay lập tức.
Người nhà nạn nhân cho biết, đi chơi về, bé Hà mở tủ lạnh ra lấy vải bóc vỏ, cho ngay cả quả vào miệng ăn và bị sặc. Gia đình nhanh chóng phát hiện bé Hà có biểu hiện đột ngột khó thở, tím tái toàn thân khi ăn vải.Tuy nhiên, vì được đưa đến bệnh viện quá muộn nên mọi nỗ lực của bác sĩ đều thất bại. Quá trình cấp cứu các bác sĩ bệnh viện Vân Đình lấy ra 1 quả vải trong họng cháu Hà.
Quả vải gây ra cái chết thương tâm cho bé Việt Hà.
Phụ huynh cần nâng cao cảnh giác
Mùa hè là thời điểm các bé nghỉ hè, tha hồ vui chơi và khám phá mọi thứ.Tuy nhiên những tai nạn do hóc dị vật cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thậm chí có những trường hợp trẻ tử vong ngay trước khi được đưa đi cấp cứu. Để đảm bảo an toàn cho con, các phụ huynh cần lưu ý
Sơ cứu cần biết khi trẻ bị hóc (ảnh minh họa)
- Dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, loại bỏ hết những vật nhỏ, tròn, vừa miệng, dễ hóc trong nhà như cúc áo, đồng xu, bi, pin đồng hồ dạng tròn, bút hoặc nắp bút, bánh xe của đồ chơi cao su có kích thước nhỏ, hạt xâu chuỗi, cúc áo, nắp chai nhựa….
- Những đồ chơi có đường kính dưới 2cm hoặc chiều dài dưới 5cm, dạng que được khuyến cáo không dùng cho trẻ dưới 4 tuổi. Ngoài ra, tình trạng trẻ em ăn những hạt trong túi hạt chống ẩm cũng rất nguy hiểm.
- Tuyệt đối không cho trẻ dưới 5 tuổi ăn thạch viên tròn mà không có sự hướng dẫn của người lớn.
- Những loại thức ăn như đá viên, hạt đậu, lạc, quả vải, nhãn, chôm chôm cũng là thực phẩm mùa hè dễ gây hóc cho bé. Cha mẹ cần chú ý bỏ vỏ, lọc hạt cho con trước khi cho bé ăn.
- Nếu con đã bị hóc, nghẹn, cha mẹ cần dốc ngược đầu trẻ xuống đất và dùng tay vỗ mạnh vào lưng để dị vật qua khỏi thanh môn giúp trẻ dễ thở hơn rồi đưa đến bệnh viện chuyên khoa để bác sĩ có chuyên môn lấy ra. Tuyệt đối không dùng tay hay bất cứ vật dụng gì lấy dị vật ra, vì như thế vô tình lại đẩy sâu dị vật vào bên trong, chưa kể làm trầy xước hầu họng, gây xuất huyết khiến trẻ khó thở hơn.