Tôi có con gái đang học lớp 1. Từ khi sinh ra đến nay gia đình tôi chăm cháu rất tốt và cháu phát triển rất bình thường. 4 tuổi tôi cho con đi mầm non, bé nhanh nhẹn hoạt bát và đứng trong đội múa của trường.
Khi vào học lớp 1, khoảng 2 tháng đầu, cô giáo nhận xét với gia đình là bé nhanh nhạy, nói rất khéo và ngoan. Như thường lệ, tôi kiểm tra vở của con, thấy hôm đó con không viết bài và cô giáo phê vào vở “bé không chịu viết bài”. Vợ chồng tôi có nói chuyện và hỏi cháu nhưng cháu không chịu nói lý do. Từ đó đến nay, cháu thường xuyên không viết kịp bài trên lớp, viết chậm. Khi bị cô nhắc nhở, bé chỉ nhìn cô mà không làm.
Tôi rất hoang mang, không biết phải làm thế nào? Tôi mới có một mình cháu nên cũng chưa có kinh nghiệm, xin hãy giúp tôi.
Ảnh minh họa: Kiddnation.com. |
Trả lời:
Chào bạn,
Vấn đề gặp khó khăn trong học tập không phải của riêng bé nhà bạn. Theo nhiều nghiên cứu và thực tế đánh giá trên trẻ, chúng tôi nhận thấy đây là khó khăn chung của phần lớn các bé lớp 1 - giai đoạn chuyển tiếp từ môi trường mầm non chủ yếu là chơi sang môi trường tiểu học.
Khi mới vào đầu năm học, nội dung các bài viết chưa nhiều, trẻ vẫn háo hức vì được học trường mới, lớp mới, vì thế các nhiệm vụ học tập của con luôn hoàn thành. Càng về sau, nội dung các bài học sẽ nhiều lên, con phải viết bài nhiều hơn, đòi hỏi tốc độ viết nhanh hơn nên con không viết kịp bài ở trên lớp. Khi đó, con sẽ khó để viết được hết bài vì chưa có kỹ năng hoàn thành bài ngay trên lớp. Đồng thời, con bị cô giáo khiển trách nên sẽ càng có cảm giác nặng nề nhiều hơn và khó hoàn thành nhiệm vụ của mình trong giờ học.
Với trường hợp của bé như vậy, chúng tôi có một số ý kiến giúp bé khắc phục những khó khăn này như sau:
-Tạo thói quen ngồi bàn học cho bé: Bạn nên đặt một lịch học cố định trong ngày cho bé, thời gian đầu có thể mỗi ngày 20 phút sau bữa ăn, sau đó tăng dần lên. Bạn không nên cưỡng ép bé mà cần động viên, khen ngợi để bé tích cực, coi việc ngồi bàn học là một thú vui chứ không phải một nhiệm vụ khó chịu. Ban đầu bạn nên cho bé ngồi vào bàn để làm những việc bé thích sau đó dần dần chuyển sang nhiệm vụ học.
-Khen ngợi và động viên bé thường xuyên: Khi bé ngồi học bạn nên ngồi cạnh để động viên tinh thần cho bé sau đó bạn dần tách ra. Lúc đầu bạn động viên khi bé viết được một chữ, cứ mỗi chữ một lời khen, sau đó bạn động viên khi bé viết được 3 chữ, một hàng và dần dần là một trang giấy. Hoặc bạn có thể sử dụng phương pháp tích phần thưởng để động viên bé như lập một bảng thưởng chia ra các ngày trong tuần, ngày nào con học ngoan ngoãn bạn sẽ thưởng một hình sao, mặt trăng, mặt trời... tùy vào sở thích của bé và ngày nào bé học không ngoan bạn sẽ phạt hình mặt mếu, mặt khóc, mặt buồn… Và quy đổi những phần thưởng đó ra giá trị thực tế như 10 sao sẽ được mẹ mua tặng một cái ô tô, 20 sao sẽ được đi chơi công viên hoặc về quê thăm ông bà…
- Tránh để bé bị làm phiền: Thời gian học của bé bạn đã quy ước với bé thì cần cố gắng thực hiện tuyệt đối, vì vậy bạn nên sắp xếp các công việc nhà sao cho hợp lý, tránh làm phiền bé vào giờ học như không nên xem TV, nghe điện thoại hay thậm chí ăn uống, tiệc tùng, hát hò… ngay gần vị trí học của bé.
- Bạn nên trao đổi với giáo viên tránh dùng những biện pháp gây căng thẳng và lo sợ cho trẻ như hù dọa, đánh phạt khi bé không hoàn thành bài viết trên lớp. Khi dạy con ở nhà, bạn cần lựa theo ý thích của con chứ không theo kiểu bắt ép, nhồi nhét. Ví dụ thay vì ép con phải viết đủ 2-3 trang giấy cùng một chữ, có thể tạo trò chơi hai mẹ con viết thi xem ai đẹp hơn, thay bằng hoạt động vẽ, tô màu… để bé đỡ chán viết mà vẫn rèn tay khéo.
Chúc con đạt được kết quả học tập tốt trong thời gian tới.
Thạc sĩ tâm lý học Tạ Thị Thu Huế
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC