Đối với trẻ dưới 1 tuổi, sữa là nguồn dinh dưỡng chính và cần thiết nhất cho sự phát triển của con. Đối với các bé lớn hơn, đây vẫn là nguồn bổ sung canxi, các vitamin và khoáng chất vô cùng hiệu quả. Nhận thức được tầm quan trọng của sữa, các bà mẹ ngày nay luôn rất chú trọng đầu tư cho con uống ít nhất 1-3 cốc/hộp sữa một ngày. Tuy nhiên, mặc dù sữa là thực phẩm “góp mặt” trong khẩu phần ăn của trẻ hàng ngày nhưng hiện vẫn có rất nhiều chị em hiểu sai về sữa và cách cho con uống sữa.
Xin liệt kê những “huyền thoại” sai lầm về loại thực phẩm thiết yếu này đang được chị em rỉ tai nhau
“Huyền thoại” 1:
Uống sữa tươi tốt hơn so với sữa công thức
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đường tiêu hóa, thận và các cơ quan khác chưa thực sự hoàn thiện, trong khi tỷ lệ canxi và phốt pho trong sữa tươi lại không phù hợp với cơ thể. Sữa tươi có hàm lượng đạm, can-xi và phốt-pho cao, nếu cho trẻ dưới 1 tuổi uống sẽ dễ có nguy cơ bị quá tải thận. Về lâu dài, làm trẻ có nguy cơ bị cao huyết áp, béo phì ở tuổi trưởng thành. Ngoài ra lượng đạm cao còn gây đầy bụng, khó tiêu, làm trẻ chán ăn. Sữa tươi có ít sắt, nghèo vi lượng nên trẻ dưới 1tuổi có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt, thiếu vi lượng nếu sử dụng sữa tươi như thực phẩm chính.
Mặt khác lactose trong sữa tươi lại chủ yếu là lactose tuýp a, có thể dễ dàng bị vi khuẩn E. coli xâm nhập, khiến bé sơ sinh có khả năng mắc phải các bệnh đường tiêu hóa.
Vì vậy, nếu có điều kiện, mẹ nên cho con uống sữa công thức đến ít nhât 1 tuổi và uống đúng theo từng loại sữa phù hợp với từng tháng tuổi của bé.
“Huyền thoại” 2 :
Sữa thơm hơn thì tốt hơn
Sữa thơm chỉ là do các nhà sản xuất đã cho thêm vào đó một chút hương làm tăng mùi sữa. Để kích thích sự thèm ăn của bé, người ta hay thường thêm vào sữa một ít kem, vani và các chất thơm khác. Tuy nhiên các chất thơm không làm tăng lượng dinh dưỡng có trong sữa và cũng không thể hiện rằng sữa thơm thì tốt hơn sữa nhạt hay sữa có vị tanh.
Sữa bột lâu tan là sữa ‘rởm’, sữa cho trẻ càng nhiểu canxi càng tốt….là những “huyền thoại” sai lầm về sữa đang được chị em rỉ tai nhau. (ảnh minh họa)
“Huyền thoại” 3 :
Sữa bột nào cứ tan nhanh là sữa “xịn”
Nhiều chị em hay rỉ tai nhau rằng sữa bột mà pha mãi vẫn còn hạt nhỏ đọng trên thành bình thì dễ có khả năng là …sữa ‘rởm’. Thực ra “lời đồn” này không hề có căn cứ. Một loại sữa bột lại có một công thức riêng với các nguyên tố vi lượng và nhiều nguyên liệu riêng, kết cấu, tỷ lệ các thành phần này cũng riêng. Do vậy mỗi sữa cũng sẽ có một độ tan khác nhau và không thể dựa vào đó để xác định chất lượng sữa.
“Huyền thoại” 4 :
Sữa có lượng canxi càng cao là càng tốt cho trẻ sơ sinh
Canxi rất tốt cho sự phát triển xương của trẻ nhỏ. Vậy nhưng mỗi lứa tuổi lại có một sự hấp thu sữa nhất định. Quá nhiều canxi có thể khiến cơ thể trẻ không hấp thụ hết, gây ra phân cứng, khó tiêu, táo bón. Nếu canxi thừa đọng lại trong cơ thể một thời gian dài còn có thể tạo thành sỏi nhỏ.
“Huyền thoại” 5:
Bột ngũ cốc nhiều chất hơn sữa bột bình thường
Các thành phần chính trong bột ngũ cốc bao gồm tinh bột ngũ cốc, chất béo và một ít protein. Tuy nhiên hàm lượng protein trong bột ngũ cốc lại ít hơn nhiều so với sữa bình thường. Chính vì vậy nên mẹ cho con uống bột ngũ cốc thay sữa lâu ngày sẽ khiến trẻ bị thiếu hụt protein trong cơ thể.
Bột ngũ cốc chỉ nên là sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cho trẻ.
“Huyền thoại 6”:
Chọn sữa tách béo tốt hơn sữa nguyên kem
Nhiều chị em sợ chọn sữa nguyên kem cho trẻ vì nghĩ rằng sữa này dễ khiến con bị béo phì. Thực tế, đối với mỗi em bé mẹ lại cần phải có cách chọn sữa riêng. Đối với trẻ dưới 2 tuổi, nếu uống sữa tươi nên chọn sữa nguyên kem, không nên chọn sữa tách béo (trừ khi có chỉ định của bác sĩ) vì lúc này não cần chất béo để phát triển. Trẻ trên 2 tuổi nếu đã thừa cân béo phì thì nên dùng sữa tách béo một phần hoặc toàn phần.
Nếu trẻ đã đủ cân nặng, nên chọn sữa không đường để giảm bớt lượng đường hấp thu nhanh trong khẩu phần vì không có lợi cho sức khỏe. Nếu uống sữa có đường thì sau khi uống nên súc miệng để tránh bị sâu răng (do đường bám trên men răng và bị các vi khuẩn sử dụng, sinh ra acid gây hỏng men răng), đồng thời giảm lượng đường đưa vào cơ thể từ những thực phẩm khác sao cho tổng lượng đường trong ngày dưới 20g.