Vitamin D là một chất dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ em, người trưởng thành và cả phụ nữ mang thai.
Các chuyên gia đã phát hiện ra rằng hàm lượng vitamin cao hơn có thể dẫn đến huyết áp tốt hơn ở trẻ sơ sinh, trong khi thiếu vitamin có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn tăng động ở trẻ em.
Gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nó cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức và trí thông minh của trẻ. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí "Journal of Nutrition" ngày 2/11 vừa qua, cho thấy mức độ vitamin D cao hơn ở phụ nữ mang thai có thể thúc đẩy sự phát triển não bộ của trẻ và cải thiện IQ.
Vai trò của vitamin D với trẻ nhỏ ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ
Khi mang thai, thai nhi chỉ có thể lấy vitamin D từ mẹ. Nếu mẹ bị thiếu vitamin D, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho thai nhi, xương của bé phát triển nhanh chóng trong thời kỳ mang thai.
Vitamin D đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều chỉnh lượng canxi và phốt pho. Vì vậy, điều cực kỳ quan trọng là đảm bảo mẹ phải có đủ lượng vitamin D cần thiết, để có thể giúp ích cho bé trong tương lai.
Dữ liệu được sử dụng trong nghiên cứu này được lấy từ bài viết "Các điều kiện ảnh hưởng đến việc học và phát triển nhận thức thần kinh ở trẻ nhỏ" được đăng tải trên tờ Tennessee.
Trẻ bú mẹ cần được bổ sung khoảng 400 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D mỗi ngày. (Ảnh minh họa)
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sau khi kiểm soát một số yếu tố khác liên quan đến chỉ số IQ, mức vitamin D cao hơn trong thai kỳ có liên quan đến chỉ số IQ cao hơn ở trẻ em từ 4-6 tuổi. Nhóm nghiên cứu tin rằng, những phát hiện này có ý nghĩa quan trọng và cần thêm nhiều nghiên cứu sâu hơn.
Đối với trẻ, cùng với hormone tuyến cận giáp và calcitonin, vitamin D có tác dụng duy trì nồng độ bình thường của canxi và phosphat trong huyết tương bằng cách giúp hấp thu tốt các chất này qua ruột, làm giảm sự đào thải của chúng qua thận và qua đó giúp tạo xương bình thường.
Thiếu vitamin D sẽ gây một số bệnh lý như bệnh còi xương và suy dinh dưỡng ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Bên cạnh đó, nhiều phân tích cho thấy khi thiếu hụt vitamin D sẽ làm suy giảm khả năng miễn dịch bẩm sinh và gia tăng nguy cơ nhiễm nhiễm khuẩn ở trẻ nhỏ.
Nên bổ sung vitamin D cho trẻ thông qua thực phẩm như thế nào?
Tình trạng thiếu hụt vitamin D là rất phổ biến, trong số những phụ nữ tham gia nghiên cứu trên, khoảng 46% các bà mẹ bị thiếu vitamin D trong thai kỳ. Thực tế, rất khó để có đủ vitamin D từ chế độ ăn uống và không phải ai cũng có thể bù đắp khoảng thiếu hụt này bằng một giải pháp tương đối đơn giản là uống thuốc bổ sung.
Lượng vitamin D được khuyến nghị hàng ngày ở Hoa Kỳ là 600 đơn vị quốc tế (IU), trong khi chúng ta tiêu thụ ít hơn 200 iu vitamin D từ chế độ ăn uống. Thực phẩm chứa hàm lượng vitamin D cao hơn gồm có: Trứng, cá hồi, nấm, hàu, tôm, dầu gan cá...
Thực phẩm giàu vitamin D bao gồm cá béo, trứng và thực phẩm tăng cường như sữa và ngũ cốc ăn sáng. Trẻ bú mẹ cần được bổ sung 400 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D mỗi ngày, trong khi trẻ bú sữa công thức cần kết hợp bảng thành phần bột công thức với lượng thức ăn thực tế hàng ngày để đánh giá toàn diện lượng vitamin D có đủ hay không.
Để phòng chống thiếu vitamin D ở trẻ cần thực hiện một chế độ ăn đa dạng thực phẩm, sử dụng thực phẩm giàu vitamin D như cá, trứng (lòng đỏ trứng), gan, dầu cá. (Ảnh minh họa)
Để phòng chống thiếu vitamin D ở trẻ cần thực hiện một chế độ ăn đa dạng thực phẩm, sử dụng thực phẩm giàu vitamin D như cá, trứng (lòng đỏ trứng), gan, dầu cá… lựa chọn các thực phẩm bổ sung vitamin D như sữa, bột dinh dưỡng cho trẻ em, bột mì, bánh quy, margarine, dầu ăn, ngũ cốc… Ngoài ra tắm nắng cũng là cách giúp cho trẻ hấp thụ được một lượng lớn Vitamin D.
Điều cần lưu ý là thiếu hoặc thừa vitamin D đều không tốt. Bé bị thừa vitamin D còn có thể dẫn đến ngộ độc, vôi hóa chức năng các cơ quan, thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển xương của bé.
Do đó, mẹ không phải quá lo lắng khi cho trẻ uống vitamin D mà chỉ cần thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ. Cùng tìm hiểu thêm về tầm quan trọng của vitamin D đối với sự phát triển của trẻ cùng tiến sĩ Viện dinh dưỡng.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng
Thưa bác sĩ, vitamin D có tầm quan trọng như thế nào đối với sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ?
Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên cấu trúc xương thông qua cơ chế chuyển hóa và hấp thu canxi và phốt pho. Vitamin D làm tăng khả năng hấp thu canxi và phốt pho qua đường tiêu hóa.
Tại xương, vitamin D cùng hormon cận giáp kích thích chuyển hoá canxi và phốt pho, làm tăng quá trình chuyển hóa canxi ở xương. Lượng vitamin D đầy đủ trong cơ thể là điều kiện thiết yếu để canxi và phốt pho được gắn trong mô xương, và giúp điều hoà cân bằng nội môi của canxi và phốt pho trong cơ thể.
Vitamin D có vai trò trong quá trình phân chia tế bào, bài tiết và chuyển hóa các hormone, bao gồm hormone tuyến cận giáp và insulin. VitaminD cũng ảnh hưởng đến sự biệt hoá một số tế bào ung thư như ung thư da, xương, và các tế bào ung thư vú.
Đối với trẻ em, khi thiếu hụt vitamin D sẽ gây ra tình trạng còi xương ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Trên thực tế việc bổ sung vitamin D thường chưa được bố mẹ quan tâm chú trọng, ngay cả với những trẻ được bú mẹ hoàn toàn cũng cần phải bổ sung vitamin D vì trong sữa mẹ hàm lượng vitamin D không cao.
Bên cạnh đó, nhiều phân tích cho thấy khi thiếu hụt vitamin D sẽ làm suy giảm khả năng miễn dịch bẩm sinh và gia tăng nguy cơ nhiễm nhiễm khuẩn ở trẻ nhỏ.
Liệu mức vitamin D trong thời kỳ mẹ mang thai có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như thế nào?
Thiếu vitamin D trong thai kỳ có liên quan đến nhiều hậu quả bất lợi cho sức khỏe mẹ và trẻ sơ sinh. Ngày càng có nhiều nghiên cứu tiếp tục đánh giá hậu quả có thể xảy ra của việc thiếu vitamin D và hiệu quả của các chế phẩm bổ sung vitamin D trong thai kỳ.
Các bài báo tổng quan và phân tích hệ thống luôn cho thấy rằng có thể có mối liên quan giữa mức vitamin D thấp trong thai kỳ (có thể do chưa điều trị bổ sung hoặc bổ sung vitamin D chưa đầy đủ) và nguy cơ sinh nhẹ cân, trẻ sinh ra nhỏ đối với tuổi thai và có thể có nguy cơ thở khò khè và sinh non. Tuy nhiên, cần có thêm dữ liệu trước khi có thể xác nhận bất kỳ mối liên hệ nào.
Có ý kiến cho rằng phụ nữ mang thai được bổ sung vitamin D cộng với canxi có thể có nguy cơ tiền sản giật thấp hơn nhưng ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng sự kết hợp này có thể làm tăng nguy cơ sinh non. Đáng tiếc là không có phân tích meta hay nghiên cứu nào đưa ra các ngưỡng cụ thể mà vượt qua ngưỡng đó thì nguy cơ tăng lên, hay thực chất là không có một ngưỡng nào cả.
Nhìn chung, vẫn chưa có nghiên cứu can thiệp đủ mạnh chứng minh lợi ích của việc bổ sung vitamin D ở phụ nữ mang thai. Có vẻ như lợi ích của việc bổ sung vitamin D đến việc cải thiện các chỉ tiêu lâm sàng ở bà mẹ và trẻ sơ sinh trong thai kỳ hiện vẫn chưa rõ ràng và vẫn còn thiếu bằng chứng trực tiếp về việc bổ sung vitamin D trong thai kỳ để ngăn ngừa bệnh còi xương ở trẻ sơ sinh.
Những dấu hiệu cho thấy trẻ có thể thiếu vitamin D?
Các dấu hiệu của hệ thần kinh thực vật:
– Trẻ quấy khóc, ngủ không sâu giấc, giật mình
– Ra mồ hôi trộm về đêm
– Rụng tóc vành khăn, …
Các dấu hiệu của xương:
– Thóp rộng, bờ thóp mềm, lâu đóng kín
– Chậm mọc răng mọc tóc, chậm biết bò, biết đi
– Chân vòng kiềng, cong vẹo cột sống,…
Bé sơ sinh cần được cung cấp hàm lượng vitamin D bao nhiêu là đủ?
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO – tháng 2/2019) đã cân nhắc và đưa ra khuyến cáo bổ sung vitamin D cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tới 5 tuổi. Để phòng chống thiếu vitamin D ở trẻ cần thực hiện chế độ ăn đa dạng thực phẩm, nhất là các thực phẩm giàu vitamin D như cá, trứng, gan động vật, dầu cá, sữa …
Ngoài ra, bổ sung thêm vitamin D cho trẻ qua các thực phẩm bổ sung tương thích dành cho trẻ như dạng nhỏ giọt hoặc dạng xịt trực tiếp cũng đảm bảo hiệu quả và an toàn. Liều vitamin D bổ sung phụ thuộc chế độ bé bú sữa mẹ hoặc các loại sữa khác:
– Nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc bú mẹ một phần: Bổ sung 400 đơn vị quốc tế vitamin D (400 IU) mỗi ngày, bắt đầu ngay sau khi sinh. Sau đó tiếp tục cho bé bổ sung vitamin D đến 1 tuổi hoặc đến khi trẻ cai sữa hoặc uống được 1 lít sữa có bổ sung vitamin D mỗi ngày.
– Trẻ từ 1 đến hết 4 tuổi tùy vào lượng sữa hoặc thực phẩm bổ sung vitamin D mà trẻ nhận được, liều lượng khuyến cáo nếu không uống đủ 1 lít sữa mỗi ngày, hoặc trẻ thụ động ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thì cần bổ sung 400 IU vitamin D mỗi ngày.
- Theo Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam (2016): bổ sung 400 IU vitamin D mỗi ngày cho trẻ ở hầu hết các lứa tuổi.
Bổ sung vitamin D thế nào để giúp con khỏe mạnh, thông minh hơn?
Thông thường vitamin D3 được sử dụng dưới dạng giọt, syrup, viên, … và thường uống đường miệng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Vitamin D bao gồm vitamin D3 có nhiều trong động vật và D2 có nhiều trong các loại thực vật. Mẹ nên bổ sung vitamin D cho trẻ theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc có thể thay đổi với liều tương đương từ nhiều nguồn khác nhau để cung cấp vitamin D cho con một cách tốt nhất:
Bổ sung vitamin D cho trẻ bằng cách tắm nắng: Khi trẻ được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tiền vitamin D dưới da sẽ chuyển thành vitamin D. Cũng vì lý do này mà các chuyên gia luôn khuyến khích các mẹ cho con tắm nắng đầy đủ, đúng cách. Đây chính là phương pháp bổ sung vitamin D vô cùng tiện lợi mà rất hiệu quả lại không hề tốn kém.
Tuy nhiên, một lưu ý là mẹ nên cho con tắm nắng vào những thời điểm thích hợp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi của bé, mùa hè hay mùa đông, vị trí so với xích đạo,…
Các mẹ có thể cho bé tắm nắng lúc ánh mặt trời dịu nhẹ, tia cực tím có cường độ thấp nhất và không gây hại cho làn da của bé, có thể vào lúc trước 8h sáng và khoảng sau 17 giờ chiều. Tuy nhiên, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để bé vừa nhận được vitamin D tự nhiên, vừa không ảnh hưởng đến làn da cũng như sức khỏe chung của bé.
Bổ sung thực phẩm giàu vitamin D trong các bữa ăn của mẹ: Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, nguồn dinh dưỡng chủ yếu của các bé vẫn là sữa mẹ, vì thế, để bổ sung vitamin D cho con thì ngoài việc bổ sung cho bé, bản thân người mẹ cũng nên cung cấp vitamin D một cách đầy đủ. Mẹ nên tăng cường ăn những thực phẩm có chứa nhiều vitamin D như cá ngừ, trứng, đậu phụ, phô mai, ngũ cốc, hoặc các loại sữa,…
Xin cảm ơn phần chia sẻ của bác sĩ!
Nguồn: