Tôi lấy chồng ngay khi mới vừa ra trường vì trót lỡ có em bé. Mẹ chồng anh không thích tôi cho lắm vì so ra, tôi với anh bằng tuổi, gia đình tôi lại chỉ là gia đình buôn bán bình thường: Mẹ bán tạp hóa ngoài chợ, bố chạy xe ôm. Vậy nhưng vì đứa cháu tôi đang mang trong mình, bà vẫn bấm bụng để tôi và chồng thành hôn.
Là cô dâu mới về nhà chồng, tôi rất hồ hởi và háo hức cho một cuộc sống mới. Bản tính gia đình từ xưa không giàu có, tôi vốn hay lam hay làm nên mọi việc ở nhà chồng coi như cũng ổn thỏa. Mẹ chồng thấy tôi tháo vát, đảm đang, lại lo liệu ngăn nắp cho cả nhà chồng thì thái độ với tôi cũng êm xuôi phần nào. Bà cũng bắt đầu khen tôi, bảo chồng tôi là: lấ vợ bằng tuổi cũng có cái sướng, nó lo cho chồng gọn gàng chu đáo. Thêm vào đó, từ ngày biết tôi sinh con trai, gia đình có cháu đầu lòng, mẹ chồng cũng càng thêm hài lòng về tôi. Cứ thế, tôi ở nhà chồng 9 tháng mang bầu với cái bụng dần lớn vượt mặt nhưng lại thêm niềm vui vì mối quan hệ với mẹ chồng được cải thiện.
Ngày tôi sinh Bí Ngô, lần đầu tiên trong gia đình có tiếng khóc trẻ thơ. Đứa trẻ là món quà chung của cả dòng họ nhà nội. Khỏi phải nói, mẹ chồng tôi thích đến nhường nào. Nhìn đứa cháu trai đầu lòng với những đường nét y hệt bố nó, y hệt cả dòng họ nhà nội có lẽ đã khiến mẹ chồng tôi nảy sinh cảm giác làm mẹ, như một lần nữa được quay trở về ngày xưa, chăm chút cho con trai mình. Vậy là, bà bắt đầu thay tôi làm mẹ từ đấy.
Mẹ chồng luôn muốn gần cháu và "khéo léo" nghĩ cách khiến để chia mẹ cắt con (ảnh minh họa)
Hồi mang bầu,cả tôi và chồng rất thích đặt cho con cái tên Anh Minh với mong muốn sau này con sẽ khôi ngô, thông minh sáng lạn. Vậy nhưng mẹ chồng tôi không thích cái tên tôi đặt. Bà chẳng nói chẳng rằng với ai, tự đặt cho Bí Ngô một cái tên mới rồi đi khoe với tất cả mọi người. Cảm giác khi vừa từ viện về, gặp gỡ họ hàng, bố mẹ chồng,..ai cũng gọi con mình bằng một cái tên lạ hoắc khiến trong tôi có phần tủi thân và buồn lòng. Chồng tôi không có ý kiến gì. Anh bảo, “tên kia của mẹ đặt cũng được mà”.
Bố mẹ chồng tôi yêu Bí Ngô lắm. Ngày nào hai ông bà cũng ở trong phòng tôi từ sáng đến tối để chơi với cháu. Mẹ chồng tôi bảo “Con mới sinh xong còn mệt. Cứ nghỉ ngơi đi, mọi chuyện chăm cháu để mẹ lo cho”. Thấy mẹ chồng thương mình, tôi cũng cố gắng nghỉ ngơi theo ý mẹ. Nhưng hóa ra không phải như vậy. Mẹ chồng tôi chỉ làm những việc liên quan đến cháu. Bà có thể cho cháu ăn, thay tã cho cháu, tắm cho cháu, bồng bế cưng nựng cháu…Còn những việc khác, tôi phải theo dọn. Bình sữa cho cháu ăn xong, bà gọi tôi đi rửa. Cái tã thay ra cho cháu, bà bảo tôi vào vứt đi. Tăm táp cho cháu xong xuôi, bà ới tôi ra dọn phòng tắm và mang đồ của con đi giặt. Đến giờ ăn cơm, bà nhắc tôi vào bếp nấu cơm cho hai bà cháu “để mẹ bế cháu hộ cho con đỡ mệt”.
Được một tuần sau khi sinh trở về nhà, tôi chính thức bị cô lập hoàn toàn với con mình. Mẹ chồng tôi ôm cháu về phòng bà, ăn, ngủ, vệ sinh, tất tật mọi thứ bà đều giành làm. Bình sữa, bỉm thay, quần áo bẩn bà vứt ngay ngoài cửa phòng. Tôi chỉ việc nhặt đi dọn. Mỗi lần tôi cố bước sang ôm con, bà cứ ngó nghiêng, trách bóng trách gió rằng tôi mới sinh con đầu lòng, chăm thằng bé không khéo. Tôi muốn bế con, bà để tôi bế chưa được 1 phút thì giành lạnh, bảo sợ tôi làm gãy lưng thằng bé. Tôi muốn cho con ăn, bà bảo nó khó ăn lắm, chỉ quen bà thôi.
Tôi cố nghĩ, chẳng phải mẹ ghét bỏ gì tôi, chẳng qua bà quá yêu cuồng đứa cháu đầu tiên của dòng họ nên đâm ra độc quyền mà bà không hề nhận thấy. Tôi chỉ biết đứng nhìn đứa con nhỏ với đôi bàn tay bé xíu, cái miệng chúm chím cùng mái tóc tơ đáng yêu đang ngủ ngây ngô như thiên thần từ xa. Nhiều đêm nằm cạnh chồng, nỗi nhớ con khiến tôi khóc ướt đẫm gối. Chồng tôi một mặt bảo với tôi “anh sẽ nói với me”. Nhưng khi gặp mẹ chồng, anh lại chẳng nói được câu nào bảo vệ tôi. Khi quay về, anh còn trách mắng “Em đừng so đo với mẹ. Mẹ đã vất vả chăm con thay em. Ai sung sướng gì mà em còn nói mẹ. Em có biết em đã làm bà khóc không?” khiến tôi nghẹn lời.
Cuộc sống khổ sở ấy của tôi cứ thế trôi cho đến khi đầy tháng, bố mẹ tôi tay xách nách mang từ quê lên thăm cháu. Ông bà ngóng Bí Ngô đã từ lâu nhưng vì mẹ chồng nói kiêng không cho cháu gặp ai nên bây giờ mới được lên gặp.Tiếp đón ông bà thông gia, mẹ chồng tôi tỏ ra vô cùng lạnh nhạt. Mẹ tôi ôm Bí Ngô chưa được dăm phút thì mẹ chồng tôi đã vội vã “giựt” cháu lại, mang ra chỗ khác. Tôi thương bố mẹ từ xa đến thăm mà chẳng được nhìn rõ cháu ngoại, mới vội vàng bảo mẹ “Bố mẹ chụp ảnh Bí Ngô về nhà còn ngắm cho khỏi nhớ cháu”. Nghe thấy ý kiến của tôi, bố tôi mừng rỡ rút vội từ trong túi ra chiếc điện thoại với màn hình màu đã cũ từ lâu lắm. Ông đang loay hoay mò mẫm cách sử dụng chiếc điện thoại “đồ cổ” chỉ dùng để liên lạc với con gái ở xa thì mẹ chồng tôi hoảng hốt giật vội Bí Ngô vào lòng rồi lấy tay che khuất mặt cháu. Bà giả bộ nựng cháu “Ôi chết rôi! Người ta sắp chụp ảnh Bí Ngô rồi. Điện thoại "Tàu" như thế mà chụp cháu bà thì xấu lắm mất thôi!”. Bố tôi “chết đứng” và tỏ ra vô cùng ngại ngùng. Ông không muốn làm mối quan hệ thông gia xấu đi, cũng không muốn con gái phải khó xử. Bố mẹ tôi về.
Ngày hôm đấy, tôi trốn vào gác xép, khóc một trận đã đời. Nước mắt cứ thế tuôn ra như mưa. Tôi phải làm gì đây, phải làm gì để được bên con mình, phải làm gì để bố mẹ già ở quê thôi phải lo lắng vì đứa con gái bất hiếu như tôi.
Tâm sự của độc giả ở địa chỉ mail thuyhanh_n.....@................