Người phụ nữ với những tháng ngày mang thai trong nước mắt
Anh là một chàng trai Sài Gòn, gia đình khá giả còn chị chỉ là một cô gái tỉnh lẻ, điều kiện chẳng có nhưng không vì vậy mà anh chê chị. Chính tấm chân tình đó của anh đã khiến chị muốn gắn bó với anh suốt quãng đời về sau. Vậy là, 24 tuổi, chị bước chân lên xe hoa với mong muốn tìm một bến đỗ bình yên cho cuộc đời.
Kết hôn được nửa năm, cuộc sống gia đình cũng dần ổn định, chị H. bàn với chồng tính chuyện sinh con cho vui cửa vui nhà và cũng để vợ chồng có động lực làm việc. Nhưng mỗi lần chị nói ra đều bị anh gạt đi. “Tôi cứ nghĩ rằng anh muốn ổn định công việc, kinh tế mạnh hơn chút rồi sẽ tính đến chuyện có con vừa để đỡ khổ con và cũng đỡ khổ mình, vậy là tôi lại chờ”, chị H cho hay.
Nhưng hơn một năm chờ đợi, chị thấy chồng vẫn chẳng đề cập đến chuyện muốn có con, còn chị lại khao khát vô cùng. Thế là chị để thả cho có con. Ngày biết mình có thai chị vui mừng khôn xiết. Chị hào hứng khoe với anh, chị nghĩ rằng anh cũng sẽ vui như chị. Thế nhưng anh vẫn chẳng hề quan tâm.
Mọi giông tố cuộc đời chị đều có thể vượt qua, chỉ cần có con ở bên
“Khi sinh nở người ta có chồng ở bên quan tâm, chăm sóc còn tôi có chồng cũng như không. Những lúc con bị đau ốm anh cũng chẳng quan tâm, chỉ trách móc. Tôi chẳng nói lời nào chỉ biết nuốt nước mắt vào trong và cố gắng nuôi con” chị H tâm sự.
Khi con được hơn 2 tuổi,dù không muốn con sống trong cảnh thiếu cha, thiếu mẹ nhưng chị vẫn dứt áo ra đi.
Từng nghĩ đến cái chết để giải thoát cho bản thân
Ngày đó, vì chị không có tài chính, công việc cũng bấp bênh nên chị không nhận được quyền nuôi con. Vậy là, chị quyết tâm đi làm kiếm tiền để mong có ngày được đón con về.
Tài sản chị mang đi ngày đó chỉ là 1 chiếc xe máy và vài triệu đồng. Nhưng ông trời cũng thật khéo thử thách chị, thứ tài sản ít ỏi đó chị cũng bị cướp sạch.
“Không tài sản, không nơi nương tựa lúc đó tôi đã nghĩ quẩn, muốn chết quách đi để giải thoát cho bản thân nhưng nhớ đến giọng nói, tiếng cười của con tôi lại không cam lòng. Nhờ được sự giúp đỡ, động viên của gia đình, bạn bè tôi lại gắng gượng dậy và tiếp tục cuộc sống” chị H nhớ lại quãng thời gian gian khó nhất mà chị từng trải qua.
Ngày đó, chị giấu con chuyện bố mẹ ly dị, chị không muốn con sẽ bị ảnh hưởng tâm lý vì chuyện đó. Trong ký ức của bé luôn nghĩ rằng vì bố làm một nơi, mẹ làm một nơi nên bố mẹ không được sống với nhau. "Có những lúc gọi điện con lại hỏi, mẹ đã làm xong chưa, mẹ về với bố đi" mà chị ứa nước mắt.
Sau 1 năm đi làm, chắt chiu được ít tiền, chị thuê nhà rồi xin mẹ chồng đón con về. Ngày nhận lại con chị mừng vui khôn xiết. Vậy là từ nay chị chẳng còn sợ điều gì nữa cả vì con chính là động lực giúp chị bước tiếp.
Sau bao vất vả, chị cũng có thể nở một nụ cười hạnh phúc.
Nhận được quyền nuôi con chị cũng gặp phải muôn vàn khó khăn. Tài chính không có, chị lăn lộn hết việc này đến việc kia. Không có người trông con, có nhiều khi chị phải bồng con đi làm theo.
“Vậy đó mà cũng gần 5 năm hai mẹ con lăn lộn chuyển đổi trọ chỗ này rồi chỗ kia, bao nhiêu khó khăn chồng chất. 15 năm sống trên đất Sài Gòn, tôi may mắn nhận được sự giúp đỡ của bạn bè đồng nghiệp. Khi đi làm họ tạo điều kiện cho tôi được dẫn con đi theo, lúc thiếu thốn cũng nhận được sự giúp đỡ của người này người kia".
Chị khoe, bé nhà chị còn bé nhưng tâm lý và ngoan lắm. Bé mới hơn 7 tuổi nhưng đã tự biết vệ sinh cá nhân, giúp mẹ làm việc nhà. Ngay từ khi con nhỏ chị đã dạy bé sống tiết kiệm, chị dạy cho bé ý thức được cuộc sống khó khăn mà hai mẹ con đang phải trải qua.
"Có những khi vì thích những món đồ chơi của bạn bè, bé cũng lỡ miệng xin mẹ mua. Nhưng sau ý thức được cuộc sống khó khăn của 2 mẹ con bé lại bảo "con chỉ nói vậy thôi, khi nào có mẹ mua cho con cũng được, con không cần nữa đâu". Những lúc đó vừa thấy thương, vừa thấy có lỗi với con nhưng nó cũng là động lực giúp tôi cố gắng" chị H kể.
Vì không thể cho con một gia đình trọn vẹn, hạnh phúc nên chị H luôn tận dụng tối đa thời gian để bù đắp cho con. Cứ có thời gian rảnh, chị lại dẫn con đi chơi, tặng cho con những món quà khích lệ tinh thần học tập của bé. Đêm đến, hai mẹ con lại ôm nhau thủ thỉ, chị dạy bé những điều hay lẽ phải của cuộc sống.
Khi được hỏi chị có đi thêm bước nữa, cho bé có một gia đình nữa hay không, chị trầm tư suy nghĩ: "Khi người ta đã một lần vấp ngã, người ta sẽ cẩn trọng hơn trong những bước đi. Tôi cũng không muốn mình sai lầm thêm một lần nào nữa nên tôi cần thời gian để tìm hiểu. Vả lại, có vẻ như con cũng chưa muốn tôi có thêm người khác. Tôi chờ thời gian và chờ duyên số".
Hiện tại, chị cũng mở được một quán cà phê nho nhỏ. Kinh tế không dư dả nhưng cũng đủ nuôi sống hai mẹ con và chị cũng chủ động thời gian để chăm con hơn. Ngày nào chị cũng bắt đầu công việc từ 4 sáng và kết thúc vào lúc 10 giờ đêm. Vất vả nhưng chị vẫn cố gắng tươi cười để con không phải bận tâm.
"Cố gắng là vậy nhưng nhiều khi cũng thấy bất lực, thấy đuối lắm. Người ta có vợ có chồng mà đôi khi nuôi con còn khó khăn. Mình thì một thân một mình, việc gì cũng tới tay. Nhưng tất cả vì con mà bước tiếp thôi, cuộc sống không cho mình được phép dừng lại" chị H quyết tâm.
Có nói chuyện, có tiếp xúc tôi mới hiểu được người mẹ ấy mạnh mẽ đến nhường nào, tình cảm chị dành cho con lớn đến nhường nào, nó đủ mạnh để giúp chị vượt qua mọi giông bão cuộc đời.
Tôi vẫn còn nhớ như in câu nói của chị: "Làm một bà mẹ đơn thân, tiền bạc có thể thiếu nhưng tình cảm dành cho con không bao giờ được thiếu. Mẹ sẽ làm cả một người cha, một người mẹ nuôi con khôn lớn”.