Mặc dù những năm qua, nhiều phụ huynh đã không còn quá quan trọng thành tích học tập của các con cũng như vấn đề điểm số bởi chỉ cần con học hành vui vẻ và luôn hạnh phúc là được. Tuy nhiên thực tế cũng phải nhìn nhận, thành tích học tập, điểm kiểm tra, điểm thi của các bé ở trường cũng một phần nào "báo hiệu" cho bố mẹ biết được sự tu dưỡng của con ở trường cả về vấn đề giáo dục và đạo đức ra sao. Chính vì thế, các bậc cha mẹ đừng quá quan trọng nhưng cũng không nên lơ là.
Bởi vậy mà mới đây, khi cô con gái 13 tuổi của nữ MC xinh nhất nhì nhà đài VTV đạt được thành tích cao trong học tập vẫn khiến bà mẹ không khỏi hạnh phúc và tự hào. Theo đó, MC Bạch Lan Phương vui mừng khoe với mọi người về điểm thi của bé Cherry.
Cô bé có điểm môn Văn cao nhất lớp và điểm các môn khác đều từ 9 điểm trở lên. Đặc biệt, môn tiếng Trung, Cherry còn đạt 199/200. Nói về thành tích xuất sắc của con gái, bà mẹ hài hước nhận xét: "Chắc con mình chém gió giỏi như mẹ. Không hiểu sao mình thấy học có chăm lắm đâu nhỉ nhưng kết quả chẳng mắng được câu nào ý".
Nhờ đạt được thành tích học tập tốt như vậy nên cô bé được mẹ thưởng nhưng món quà lại rất đơn giản đó là "Mẹ thưởng con món gì ngon nhé" - MC VTV kể lại.
Phía dưới phần bình luận, nhiều người để lại lời khen ngợi cho thành tích tốt của bé Cherry đồng thời khen cách nuôi dạy con quá khéo của MC Bạch Lan Phương đã giúp con gái đạt được kết quả ngoài sự mong đợi như vậy.
Được biết, bé Cherry 13 tuổi là con riêng của MC Bạch Lan Phương và chồng cũ. Hiện tại bé đang sống cùng mẹ và chồng sắp cưới của MC Lan Phương - diễn viên Huỳnh Anh. Nhóc tỳ Cherry từ nhỏ nhận được nhiều sự quan tâm, yêu mến của mọi người bởi gương mặt xinh đẹp và gu thời trang chẳng kém mẫu nhí. Cô bé dậy thì càng lớn càng xinh, lại có thành tích học tập rất xuất sắc cho thấy tương lai chắc chắn sẽ là gương mặt rất sáng giá, thành công.
Thực tế như đã nói ở trên, thành tích học tập của trẻ tốt là mong đợi của các bậc cha mẹ. Tuy nhiên cha mẹ cũng không nên quá đặt kỳ vọng con phải đạt thành tích tốt, điều đó đôi khi đem lại tác dụng "ngược", khiến trẻ bị áp lực. Chính vì thế, thay vì nhìn vào kết quả, bố mẹ nên đồng hành cùng con trong quá trình học tập để trẻ có thể phát huy được đúng năng lực của bản thân.
Để con tự suy nghĩ, hạn chế làm thay con khi chưa cần thiết
Phụ huynh không nên làm thay con việc học, chịu trách nhiệm thay con trong những bài tập về nhà. Việc giúp con học lúc 7 tuổi dễ dàng hơn nhiều so với khi 12 tuổi và bạn sẽ không thể làm thay con mãi được. Vai trò của cha mẹ là hướng dẫn và hỗ trợ con.
Nếu bài tập quá phức tạp, cha mẹ có thể cùng con tìm ra phương pháp làm nó, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn làm thay con. Bạn nên chỉ cho con cách làm và cách thực hiện những bài tương tự như thế, phần còn lại, hãy để con tự thực hành.
Khi kiểm tra lại bài tập giúp con, nếu phát hiện thấy lỗi, hãy nói với con về lỗi sai và để con tự sửa, đừng cho con đáp án. Cách làm này có thể sẽ khiến trẻ vẫn chưa tìm ra đáp án đúng, tiếp tục giải sai bài nhưng đó là cách để xây dựng ý thức trách nhiệm và khả năng tự vận động. Điểm mà trẻ có được phản ánh đúng bản chất, không phải là những điểm số giả tạo nhờ trợ giúp của cha mẹ.
Cùng con giải quyết bài tập
Những bài tập về nhà đầu tiên có thể khiến trẻ bối rối, chúng không biết phải bắt đầu từ đâu. Đừng mặc kệ con vật lộn. Cha mẹ nên dạy con cách làm bài tập.
Giải thích cho con bạn vì sao phải thực hiện các bước này, theo thứ tự nhất định, cho con thấy các khả năng kết quả có thể xảy đến với các cách làm khác nhau. Bạn thậm chí có thể viết ra các bước cần thiết theo đúng thứ tự và đặt nó như một lời nhắc nhở trên bàn của con để con nhìn vào đó và vận dụng.
Hướng dẫn con làm 1 bài tập cho tới khi hoàn thành tới cùng. Nếu cần tìm hiểu thông tin, hãy cho con tìm kiếm trong sách, trong bách khoa toàn thư trước khi nghĩ tới Internet. Bởi lẽ những kênh tìm kiếm đó sẽ cho con thấy được những thông tin cần thiết một cách dễ dàng mà không bị phân tán bởi những thứ không liên quan khác có trên mạng.
Phân bổ thời gian hợp lý
Trẻ em vốn không có khái niệm về thời gian. Chúng không thể định lượng được thời gian đã trôi qua bao lâu và điều này không tốt cho kết quả việc học. Do đó, hãy đặt một chiếc đồng hồ báo thức hoặc đồng hồ cát để giúp trẻ giải quyết vấn đề này.
Lúc đầu, hãy tự tính toán xem khoảng thời gian con làm các hoạt động khác như xem phim, ăn uống, đi dạo hoặc làm bài tập trong ngày hết bao nhiêu thời gian. Sau đó, khi con phải học, bạn giải thích cho con rằng việc làm bài tập này sẽ mất khoảng thời gian nhiều như khi con đưa chú cún nhà mình đi dạo ấy để con dễ hình dung.
Đặt đồng hồ báo thức trước khi làm bài tập về nhà, nó giúp trẻ thiết lập được chế độ làm việc và không trì hoãn quá trình quá lâu. Trẻ càng dành nhiều thời gian cho bài tập về nhà nghĩa là hiệu quả càng thấp. Thời gian tối ưu để làm bài tập về nhà ở cấp trung học là không quá 2h một ngày và cấp tiểu học là 30 phút/ngày. Nhiều thời gian hơn nữa trẻ rất khó tập trung.
Dạy con biết cách sắp xếp công việc trong ngày
Hãy dạy con phác thảo những việc quan trọng trong quá trình học tập nói riêng và cuộc sống nói chung để làm tốt nó mà không tốt thời gian. Ví dụ với việc học, có thể sắp xếp thứ tự như sau:
- Khối lượng bài tập về nhà hôm nay là bao nhiêu, bao nhiêu bài dễ, bao nhiêu bài khó.
- Bài nào sẽ mất nhiều thời gian hơn, bài nào ít thời gian hơn.
- Những bài tập nào con có thể tự làm, bài nào cần có sự hỗ trợ của bố mẹ.
Khi bạn dạy con làm những điều này, chúng sẽ dễ dàng xử lý các nhiệm vụ của mình một cách khoa học hơn, thu nhận kết quả tốt hơn. Các con sẽ phân loại được việc mình tự làm được, giải quyết nó nhanh chóng và những việc cần tới sự trợ giúp của bố mẹ. Nó cũng sẽ giúp trẻ làm chủ các bài thi trong các kỳ thi sau này, tránh việc dành quá nhiều thời gian vào một bài điểm thấp, một bài quá khó không làm ra để rồi bỏ qua tất cả những bài khác.
Nhắc nhở con rằng điểm số không quyết định sự thành công của một đứa trẻ
Rất nhiều cha mẹ luôn đồng nhất việc con mình bị điểm kém đồng nghĩa với việc trong tương lai, con khó có thể thành công được. Trong khi thực tế bản thân điểm số không phải là thứ quyết định thành – bại của một con người. Điểm kém không có nghĩa là đứa trẻ không thông minh, ngớ ngẩn, lười biếng hay vô trách nhiệm. Có rất nhiều lý do cho điều đó, có thể con bạn không muốn học hoặc thế mạnh của con không phải là môn đó.
Thực tế cuộc sống cho thấy, rất nhiều những bạn học hành bình thường sau này lại trở thành người cực kỳ thành công và ngược lại.