Mỗi đất nước có phong tục tập quán riêng biệt khác nhau, nên việc dạy dỗ trẻ em cũng khác nhau. Qua kinh nghiệm riêng của tôi và những gì tôi học được, xin giới thiệu đến các bạn một vài nét khác biệt trong việc dạy dỗ con cái của người Đức.
1. Giới hạn đầu tiên.
Dạy con từ thuở còn thơ, câu tục ngữ này không sai một chút nào nhưng dạy như thế nào mới là điều quan trọng. Từ vựng mà các bé thực sự hiểu được đầu tiên đó là từ "Không". Vì vậy, khi nói "Không" với bé, mẹ nói nghiêm túc, rõ ràng để bé hiểu được đúng nghĩa của từ này, sau đó tại sao bé "Không" được phép làm. Bé chưa hiểu gì nhiều nhưng từ "Không" được lặp đi lặp lại nhiều lần bé sẽ quen, bộ nhớ của trẻ như một cái tủ rỗng, từ "Không" là thứ đồ đạc đầu tiên được đặt vào. Nên các bạn thấy, trẻ em phương Tây chơi chung với bạn rất tự giác và độc lập, chỉ cần nghe mẹ nói "Không" là bé tự ý biết mình không được phép làm việc đó.
Đối với trẻ lớn hơn, chúng bắt đầu hình thành tính cách cá nhân nên chúng có lý lẽ của chúng để tránh từ "Không" của bố mẹ. Trong trường hợp này cần đến đàm phán và thương lượng. Mẹ nên giải thích lý do tại sao một cách cặn kẽ cho bé, vì dù sao bé cũng nên biết cái vạch giới hạn của bố mẹ đề ra. Đặc biệt khi mẹ nói "Không" thì bố cũng phải đồng tình và ngược lại, vì bé sẽ cầu cứu người thứ ba. Để cho bé biết rằng điều đó được sự nhất trí của bố mẹ thì bố mẹ phải phối hợp ăn ý, khi không cầu cứu ai được nữa bé sẽ hiểu: À, mình "Không" được phép làm thật rồi.
Phương châm của các bậc cha mẹ người Đức là làm bạn của trẻ để tìm phương án giải quyết tốt nhất, đừng cho rằng bố mẹ luôn luôn đúng và bắt buộc con luôn làm theo ý mình, điều này hoàn toàn sai lầm. Bố mẹ cũng phải tôn trọng ý kiến của con cái khi con nói "Không".
Dạy con từ thuở còn thơ - câu tục ngữ này không sai chút nào (Ảnh minh họa).
2. Rèn luyện tính tự lập.
Ở Việt Nam, các mẹ gặp nhau câu đầu tiên bao giờ cũng hỏi: "Cháu bao nhiêu cân?"; "Cháu làm được những gì rồi"…Ngược lại hoàn toàn với người Đức, mỗi đứa trẻ phát triển theo cách riêng của chúng vì thế đừng đem con mình ra so sánh với những trẻ khác. Vừa làm cho bố mẹ thêm suy nghĩ mà làm như vậy là bất công đối với con, khiến cho trẻ cảm thấy mình kém cỏi so với bạn bè. Trong tầm tuổi này trẻ con vẫn chơi nhiều hơn học nên hãy để chúng tiếp xúc với thiên nhiên hoa lá con vật nhiều hơn với chữ, số. Có thể bé biết nhặt nhạnh từng hòn đá, lá cây, con ốc sên từ những chuyến đi rừng hay vào nông trại. Học từ thiên nhiên là bài học hữu hiệu nhất và mang lại hiệu quả nhất cho các bé. Vừa học vừa chơi, tạo cho bé tinh thần thoải mái phấn chấn khiến cho bé ăn ngon hơn ngủ tốt hơn. Nhiều trẻ em ở Việt Nam ở trường học rất giỏi nhưng khi bước ra ngoài đời thì không có kiến thức thực tế.
Đối với người Đức, trẻ em cần được học tính tự lập từ rất sớm, ngay từ việc nhỏ nhất. Ví dụ, khi mẹ làm cái gì nên cho bé đứng hay ngồi bên cạnh xem cùng hoặc hướng dẫn cho bé làm cùng, đừng nói “Con không được sờ vào, để mẹ làm một loáng cho nhanh”. Mẹ làm thì nhanh thật nhưng bé sẽ không học được gì nếu bố mẹ cứ làm hộ mãi. Khi nấu cơm hãy cho bé đong gạo, giặt quần áo hãy để bé tự cho quần áo của nó vào máy giặt. Dọn nhà hãy đưa cho bé một cái khăn và khoanh vùng, đây là vùng của con. Đặc biệt rác phải được bỏ vào thùng rác. Trẻ em học rất nhanh và nhớ lâu, chỉ cần hướng dẫn một lần, lần sau bé sẽ nhớ và tự ý thức được việc đó phải làm như thế nào.
Riêng khoản ăn uống là cả vấn đề cần bàn đến. Ngay từ khi bé biết ngồi ta nên tập cho bé ngồi vào bàn ăn cùng với bố mẹ. Phải đợi cho khi mọi người đầy đủ mới được ăn và chỉ được phép rời bàn ăn khi mọi người ăn xong xuôi (không tính trường hợp phải đi vệ sinh) Không nên vác bát đi khắp xóm hoặc cầm nắm cơm vừa chạy vừa hò hét xung quanh mâm. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, nên thay vì để radio thì hãy đọc cho con nghe một câu chuyện nhẹ nhàng, hỏi bé đủ chuyện trên trời dưới biển. Hôm nay làm những cái gì, ở lớp ra sao, vân vân. Việc này tạo thói quen cho bé nói ra những suy nghĩ của mình, giúp các mẹ sau này rất nhiều khi các bé ở độ tuổi vị thành niên. Chúng sẽ coi bố mẹ như một người bạn mà dốc bầu tâm sự.
3. Tình cảm và cách ứng xử trong gia đình.
Cách thể hiện tình cảm của người phương Tây bộc lộ rõ rệt, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến cảm nhận tình cảm của trẻ. Hàng ngày bé nghe những lời quan tâm chăm sóc của bố mẹ dành cho nhau, bé cảm nhận bố mẹ yêu thương nhau. Ví dụ bố hỏi mẹ: "Em yêu, em có khoẻ không?“. Ngay ngày hôm sau bé cũng hỏi mẹ: "Mẹ yêu, mẹ có khoẻ không?". Khỏi phải diễn tả cảm giác của mẹ lúc ấy thế nào, mẹ quá sung sướng ôm con rồi nói "Mẹ khoẻ, cám ơn con".
Ngôn ngữ phương Tây có phần khách sáo hơn ngôn ngữ tiếng Việt cho nên trẻ con phương Tây có một phong cách nói chuyện lịch sự, chững chạc từ khi còn bé vì chúng đã được rèn luyện từ ngay trong gia đình. Các ông bố Việt Nam hay nói đàn ông thương vợ thương con giấu kín trong lòng, không ruột để ngoài da như các mẹ, nên trong gia đình ít khi có những lời yêu thương ngọt ngào giữa bố và mẹ. Nên các bé trai cũng học theo cách "giấu kín trong lòng", sau này chúng rất khó tìm cách thể hiện tình cảm của mình đối với bạn bè và người thân. Đặc biệt, "cám ơn, xin lỗi, làm ơn" là những từ bé được học từ khi lọt lòng.
4. Trẻ con và tiền.
Nhiều người cho rằng không nên cho trẻ con tiêu tiền sớm, vì tiền thúc giục bản năng xấu xa của con người. Người Đức dạy cho trẻ em cách tiêu tiền từ rất sớm. Người mẹ cho con một đồng và nói, con chỉ có một đồng thôi, nếu con mua kẹo thì con sẽ không được chơi ô tô, và nếu con chơi ô tô thì con sẽ không mua kẹo. Mỗi khi cho con đi mua đồ cùng, bé được phép chọn đồ và khi mẹ nói không được, cái này đắt quá, con chọn thứ khác đi, thứ nào rẻ hơn ấy. Lúc đầu bé không làm theo mà nằm ra đất khóc ăn vạ. Mẹ mặc kệ đẩy xe đi, bé khóc chán thì đứng lên chạy theo mẹ, nhiều lần như thế sẽ quen, để làm được việc này người mẹ cần phải rất kiên nhẫn.
Mỗi khi mua cái gì cho bé thì mẹ đều đưa tiền cho con trả kèm theo "Con không được phép mang vật đó ra khỏi cửa hàng mà chưa trả tiền, như thế là không tốt, là phạm pháp". Sau rất nhiều lần như thế bé sẽ biết: À ha, phải trả tiền trước khi mang đồ đi. Phải cho trẻ biết giá của đồ vật ấy là bao nhiêu, có hợp với túi tiền nhà mình không. Không dạy cho trẻ cách "Có tiền ta mua được tất cả", hoặc chúng đòi cái gì cũng mua với ý nghĩ con mình không thua con hàng xóm được. Điều ấy tạo cho trẻ sớm có tính đua đòi, tồi tệ nhất sẽ dẫn đến ăn cắp. Trong một đám bạn chơi chung, nhưng khi ra về đồ chơi của bạn nào được trả về đúng cho bạn đó.
Bố mẹ nên coi con cái như những người thầy dạy mình bước vào một thế giới khác. Trong thế giới ấy, bố mẹ cũng phải đắn đo suy nghĩ trước một quyết định nào đó.
Sách tham khảo: Làm dâu nước Đức (Tác giả: Phan Hà Anh)