Thời đại đang ngày càng tiến bộ và cởi mở hơn. Vậy nên ngày nay, nhiều bố mẹ trẻ luôn có những hành động rất thân mật để thể hiện tình yêu thương đối với con cái, ngoài những biểu hiện bằng lời nói thì việc hôn, ôm cũng là điều khá bình thường.
Bố mẹ thường làm điều này khi trẻ còn nhỏ, để trẻ lớn lên sẽ ít nhạy cảm hơn với những hành động thân mật. Thực tế, nhiều trẻ đối xử với người khác theo cách tương tự với bố mẹ và các thành viên trong gia đình. Vì lớn lên trong một gia đình có “bầu không khí yêu thương” mạnh mẽ, nên trẻ không cho rằng những hành vi như hôn và ôm là có gì sai trái. Vậy nên, trẻ cũng đối xử rất tốt với người lạ, nhiệt tình và chủ động như thế.
Một cậu bé học mẫu giáo (ở Trung Quốc), sau khi được cô giáo khen, cô giáo hỏi cậu muốn phần thưởng gì? Nhưng cậu bé đã nói rằng cậu không cần phần thưởng nào cả, cậu chỉ muốn hôn cô giáo vì cô giáo rất đẹp. Mặc dù đứa trẻ vô cùng ngây thơ và dễ thương, hoàn toàn không có ý định xấu đối với những việc như hôn, nhưng cô giáo vẫn từ chối.
Đứa trẻ đòi hôn cô giáo, nhưng bị cô giáo từ chối vì hành vi vượt quá giới hạn, không phù hợp. (Ảnh cắt ra từ camera trường học).
Tuy nhiên, chính việc cô giáo từ chối hành động "đòi hôn" của đứa trẻ đã khiến phụ huynh không hài lòng. Bố mẹ cho rằng, giáo viên mẫu giáo như vậy là quá không thân thiện, và cách ứng xử này sẽ dễ làm tổn thương trái tim non nớt của trẻ.
Trên thực tế, không có gì sai khi giáo viên từ chối yêu cầu hôn của trẻ. Bởi vì hành động hôn và ôm thân mật tuy không có gì "đặc biệt" đối với bố mẹ, nhưng nó lại vượt quá giới hạn đối với những người không phải là người thân. Việc hình thành thói quen như vậy ngay từ khi còn nhỏ, sẽ rất bất lợi cho việc giáo dục giới tính lành mạnh cho trẻ sau này.
Để trẻ không còn mơ hồ trong nhận thức về giới tính, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui khuyên bố mẹ nên giáo dục giới tính sớm cho trẻ. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng có những chia sẻ đối với các bậc phụ huynh về vấn đề dạy con thể hiện những hành vi thân mật như thế nào là phù hợp, đồng thời tốt nhất cho quá trình hình thành nhận thức và tính cách của trẻ.
Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.
Có rất nhiều cách để bố mẹ thể hiện tình yêu thương đối với con cái, ngoài lời nói thì hành động thân mật như ôm hôn cũng là việc bình thường. Tuy nhiên theo chuyên gia, trẻ ở độ tuổi nào thì bố mẹ nên giáo dục cho trẻ hiểu về giới hạn của những hành vi thân mật này?
Hành vi thân mật của bố mẹ đối với con cái như ôm hôn có mục đích là muốn thể hiện tình yêu con. Ngoài các cử chỉ thân mật đó thì bố mẹ còn có thể dùng lời nói, hoặc hành động tặng quà, đặc biệt là dùng thời gian nhiều hơn để ở bên cạnh con.
Tuy nhiên, không phải ai cũng được phép biểu lộ các cử chỉ, hành vi thể hiện tình yêu thân mật đối với trẻ, ví dụ như một người khác giới muốn thể hiện mức độ thân mật bằng cách chạm vào "vùng nhạy cảm" của trẻ.
Điều này là hoàn toàn không nên, và bố mẹ phải hết sức lưu ý. Vì vậy, việc giáo dục cho trẻ hiểu về giới hạn của những hành vi thân mật cần được bố mẹ can thiệp càng sớm càng tốt, trước độ tuổi lên năm.
Trong tình huống, một đứa trẻ mầm non đòi hôn cô giáo vì cô giáo rất đẹp, nhưng cô từ chối. Sau đó phụ huynh đứa trẻ tỏ ra bất bình trước ứng xử của cô. Chuyên gia nghĩ gì về tình huống này?
Cô giáo hoàn toàn đúng khi từ chối trong tình huống này. Tất nhiên, cô phải từ chối một cách lịch sự và có giải thích rõ ràng để cho đứa trẻ hiểu.
Nếu đứa trẻ đòi hôn cô giáo vì cô giáo đẹp, thì có thể đây không còn là cử chỉ thể hiện tình yêu thương đối với cô, mà là sự yêu thích cái đẹp, vẻ bề ngoài.
Trong trường hợp trên, bố mẹ cần dạy cho con hiểu rằng, khi con muốn thể hiện tình cảm với người khác thì điều rất quan trọng là người đó phải thực sự thoải mái và hành động của con phù hợp. Ngược lại, nếu giống như tình huống được nêu ra ở đây thì con hoàn toàn không nên thực hiện.
Những hành vi thân mật như ôm hôn, theo chuyên gia thì nên dạy trẻ áp dụng vào đối tượng, phạm vi và hoàn cảnh nào thì phù hợp hoặc không phù hợp?
Đối tượng gần gũi lý tưởng nhất đối với trẻ, đó chính là người phụ huynh cùng giới tính. Ví dụ đối với bé trai là người bố và đối với bé gái là người mẹ.
Còn những đối tượng bên ngoài hoặc họ hàng thân thiết như cô, dì, chú, bác, người hàng xóm thì chỉ nên dừng lại ở một số bộ phận nhất định trên cơ thể trẻ, đặc biệt là không được chạm vào những "vùng nhạy cảm" của trẻ.
Ngoại trừ bố mẹ, các chuyên gia và bác sĩ chuyên môn thì dù trong hoàn cảnh nào, trẻ cũng cần được bảo vệ thân thể, tuyệt đối không thể hiện những hành vi thân mật quá mức lên cơ thể trẻ. Bố mẹ nên dạy cho trẻ biết, có những người lớn sẽ tiếp cận trẻ với ý đồ xấu bằng cách vịn ra những lý do rất "ngọt" để dụ dỗ trẻ, lúc này thì trẻ cần mạnh mẽ, thẳng thắn nói "không".
Đặc biệt, trong những hoàn cảnh vắng người hoặc nơi công cộng như thang máy hay hồ bơi. Các địa điểm nhạy cảm như thế, trẻ cần hạn chế xuất hiện một mình. Đồng thời, thận trọng hơn đối với những hành vi, biểu hiện lạ của người lớn.
Bố mẹ có nên giáo dục giới tính sớm cho trẻ không? Phương pháp giáo dục như thế nào là tốt nhất cho trẻ thưa chuyên gia? Chuyên gia có thể gợi ý để bố mẹ tham khảo?
Trên thực tế, đây là một câu hỏi gây nhiều tranh cãi, nhưng với quan điểm của tôi thì tôi nghĩ bố mẹ nên giáo dục giới tính sớm cho con.
Ví dụ tình huống thỉnh thoảng sẽ xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày, như con hỏi mẹ "con từ đâu ra?", thì thay vì né tránh, vòng vo hoặc bịa một câu chuyện gì đó để trả lời câu hỏi của con, tôi sẽ lựa chọn nói thẳng, giải thích một cách dễ hiểu nhất cho con.
Khi bố mẹ sẵn sàng chia sẻ với trẻ về các vấn đề cơ bản nhất xoay quanh cơ thể con người, thì đây là cơ hội để giúp con có sự chuẩn bị trước khi bước vào tuổi dậy thì.
Sau này, quá trình giáo dục của bố mẹ sẽ thuận tiện hơn, vì trẻ đã được xây dựng một nền tảng kiến thức và tâm lý vững chắc để bắt đầu tiếp cận với các vấn đề sâu xa hơn về giới tính.
Tôi hoàn toàn khuyến khích bố mẹ giáo dục giới tính cho con càng sớm càng tốt. Trong độ tuổi mầm non, bố mẹ nên bắt đầu dạy cho trẻ về những giới hạn trong cách biểu lộ hành động thân mật. Như vậy, trẻ sẽ tránh được tình huống gây khó chịu cho người khác, đồng thời biết tự bảo vệ chính mình.